Tướng Lê Mã Lương: Khí thế vào trận Tết Mậu Thân rất hùng tráng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Có thể nói, không khí ra trận cuối năm 1967 rất hùng tráng, thôi thúc những người lính trẻ lần đầu ra trận. Chúng tôi đã nghĩ được tham gia trận đánh lớn này là cơ hội cuối cùng, là bước ngoặt của cuộc đời người lính”, Thiếu tướng Lê Mã Lương nói.
Tướng Lê Mã Lương: Khí thế vào trận Tết Mậu Thân rất hùng tráng
Ảnh minh họa

Đúng ngày này 50 năm về trước (ngày 30.1.1968 -30.1.2018) đã diễn ra cuộc Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968. Nhân dịp này, Thiếu tướng Lê Mã Lương - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã về ký ức của ông, của người lính trẻ trước khi bước vào chiến dịch Xuân Mậu Thân.

Đón Tết sớm trước khi vào trận đánh lớn

Sau những ngày tháng huấn luyện gian khổ ở miền Bắc, cuối năm 1967, chúng tôi hòa trong đoàn quân trùng trùng lên đường ra trận. Cảnh bộ đội hành quân ban đêm, những đoàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những đoàn xe cơ giới, những binh chủng cùng với người lính bộ binh hành quân ra mặt trận. Có thể nói không khí ra trận cuối năm 1967 rất hùng tráng, thôi thúc những người lính trẻ lần đầu ra trận. Chúng tôi nghĩ được tham gia trận đánh lớn này là cơ hội cuối cùng, là bước ngoặt của cuộc đời người lính. Lúc đó trong chúng tôi ai cũng nghĩ trận đánh lớn Tết Mậu Thân năm 1968 là để giải phóng miền Nam.

Cảnh lính Mỹ rút chạy trong chiến dịch Mậu Thân (ảnh tư liệu của TTXVN).

Trong suốt thời gian chúng tôi hành quân vào chiến trường phải gánh chịu bom đạn của không quân Mỹ, pháo kích từ Hạm đội 7 ở ngoài biển bắn vào, lực lượng biệt kích, thám báo của chúng tìm cách chặn bước hành quân của quân ta. Cứ chỗ nào chúng “đánh hơi” thấy có lực lượng của ta là pháo kích lại được bắn dữ dội. Có nhiều chiến sĩ đã hy sinh, nhiều người bị thương trên đường hành quân. Không hiểu sao chúng tôi thấy cảnh tượng như vậy càng tăng sự khẩn trương ra mặt trận.

Hành quân vất vả, rồi chúng tôi được ăn một cái Tết rất khẩn trương. Trong cuộc đời tôi chưa bao giờ được đón một cái Tết sớm như vậy. Cuối tháng 12.1967, chúng tôi đã đón Tết trong rừng trên đất bạn Lào. Có thể nói cái Tết rất to, chưa bao giờ tôi được đón một cái Tết lớn và sôi động như vậy, cũng có bánh chưng, giò, thịt, dưa hành…

Nghi binh chiến lược

Ăn Tết xong chúng tôi bắt đầu bước vào trận đánh đầu tiên của cuộc đời người chiến sĩ. Lực lượng bộ binh và xe tăng sẵn sàng xuất kích trên đường số 9 – Khe Sanh. 1h sáng tôi thấy những chiếc xe tăng to lớn, lừng lững nằm bên đường, sương xuống phủ lên vỏ sắt khi chạm tay lạnh ngắt. Nhưng trong lòng người chiến sĩ lúc đó có lửa đốt, nóng lòng ra mặt trận. Anh em chúng tôi được phép nhảy lên, nhảy xuống để làm quen với xe tăng.

Sau đó chúng tôi cùng xe tăng hành quân theo trục đường số 9. Máy bay, pháo kích của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa đêm nào cũng đánh phá ác liệt để ngăn chặn, rồi những đợt máy bay B52 dải thảm. Lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là máy bay B52, những tiếng ù ù rất lớn, sau đó là những tiếng nổ liên tiếp sáng rực cả bầu trời. Chính điều đó đã thôi thúc những người thanh niên như chúng tôi lúc đó, những người vừa rời ghế nhà trường, sau thời gian huấn luyện nay được bước vào trận đánh lớn. Đơn vị tôi chiến đấu hết trận này, sang trận kia, đến ngày 7.2.1968, chúng tôi cùng với lực lượng xe tăng bao vây và tiêu diệt căn cứ Làng Vây (Quảng Trị). Đây là căn cứ biệt kích của Việt Nam cộng hòa, có khoảng 500 tên và một trung đội cố vấn Mỹ.

Sau đó chúng tôi bước vào những trận đánh lớn hơn, không có yếu tố bí mật, bất ngờ như những trận đánh đầu tiên của chiến dịch Mậu Thân. Chúng tôi bao vây căn cứ Tà Cơn (Khe Sanh, Quảng Trị), có 4.000 lính thủy quân lục chiến Mỹ. Tại đây diễn ra cuộc chiến đấu cực kỳ ác liệt.

Lúc đó, tôi không hiểu việc tập trung lực lượng bao vây căn cứ Tà Cơn, bao vây những người lính Mỹ tại đây nhằm mục đích gì. Hàng ngày, những trận pháo kích, bom đạn của Mỹ - Việt Nam cộng hòa dội liên tục, bộ đội ta bị hy sinh và thương vong rất nhiều. Sau này chúng tôi mới hiểu, việc vây chặt quân Mỹ ở căn cứ Tà Cơn và tổ chức ngăn chặn đánh quân tiếp viện là tạo đà thuận lợi cho quân ta đột phá bất ngờ vào các thành phố, thị xã.

Mặt trận Khe Sanh là nghi binh chiến lược, làm cho Mỹ, Việt Nam cộng hòa tưởng rằng quân đội Việt Nam tổ chức lực lượng lớn ở Quảng Trị. Bọn địch đã bị đánh lừa khi chúng điều một lực lượng lớn ra Khe Sanh nhằm tiêu diệt lực lượng của ta. Chúng tưởng rằng Khe Sanh là chiến trường chính của ta nhưng chúng hoàn cảnh bất ngờ khi Tết Mậu Thân quân ta tổ chức tấn công vào các đô thị trên toàn miền Nam, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của Mỹ, Việt Nam cộng hòa khiến chúng choáng váng.

Đêm 30 và 31.1.1968 – đêm giao thừa và mồng Một Tết Mậu Thân, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và hơn 40 thành phố, thị xã khác trên toàn miền Nam (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ - Việt Nam Cộng hòa bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó.

Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, là trọng điểm lớn nhất của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bởi vì đây là trung tâm đầu não chỉ đạo toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam Việt Nam. Ta tiến công Toà đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát; các sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Mỹ số 1, 9, 25, 101. Hàng chục vạn quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ dài ngày ở nhiều khu phố.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật