Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình (Hà Nội)

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thực hiện Chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 3-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội - Đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình (Hà Nội).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình (Hà Nội)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri tại quận Ba Đình.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ phấn khởi trước thành tựu sau hơn nửa nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII; đáp ứng lòng mong đợi của đồng bào và cử tri cả nước với dấu ấn đặc biệt là việc ban hành Hiến pháp và Luật Đất đai 2013. Các cử tri bày tỏ đồng tình với nội dung của các kỳ họp vừa qua và hoan nghênh những đổi mới của Quốc hội trong các hoạt động thời gian gần đây.

Đa số cử tri bày tỏ phấn khởi trước kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước. Chất lượng kỳ họp được nâng lên, nhiều đại biểu Quốc hội đã đóng góp trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm trước các vấn đề kinh tế-xã hội và các lĩnh vực khác của đất nước. Tuy nhiên, cử tri chưa hài lòng với phần trả lời chất vấn của một số đại biểu còn né tránh, chưa tập trung sâu vào những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Lo lắng, trăn trở trước tình trạng tham nhũng, cử tri kiến nghị cần có nhiều chủ trương, giải pháp pháp đồng bộ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng. Cần coi trọng và phát huy vai trò giám sát của Quốc hội trong việc xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ tha hóa, biến chất, tham nhũng. Cùng với đó, phải chú trọng chống lãng phí trên mọi lĩnh vực, nhất là lãng phí về đất đai, tài nguyên; lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt là chất xám của đội ngũ tri thức.

Quan tâm đến lĩnh vực giáo dục, cử tri phản ánh, kiến nghị nhiều bức xúc tồn tại của ngành; kiến nghị về lộ trình đổi mới giáo dục chưa khoa học, đầu tư xây dựng hệ thống trường học, cơ sở vật chất giáo dục chưa đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ; việc chăm lo đời sống giáo viên chưa đúng mức; hiệu quả giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh chất lượng chưa cao; thực trạng dạy thêm, học thêm còn tồn tại phổ biến dưới nhiều hình thức...

Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình.

Liên quan đến công tác xây dựng Pháp Luật, cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát những cán bộ, cơ quan có trách nhiệm, bảo đảm việc việc soạn thảo, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo đúng quy định của Pháp Luật. Đối với Luật Thủ đô cần sớm xây dựng hệ thống văn bản dưới luật một cách kịp thời, đồng bộ, sớm đưa Luật vào cuộc sống. Ngoài ra, các cử tri còn quan tâm đến công tác quy hoạch thủ đô, tính bền vững trong quy hoạch; các vấn đề về xây dựng văn hóa đô thị, quản lý, điều hành giao thông... Cử tri cũng phản ánh nhiều vấn đề thời sự nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống và dư luận xã hội.

Phát biểu với cử tri quận Ba Đình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các cử tri đã có nhiều phản ánh chân thực, kiến nghị sâu sắc, giá trị. Tổng Bí thư khẳng định: Những vấn đề được cử tri đề cập đều có tính thời sự, cấp bách, sát với thực tiễn trên tất cả các lĩnh vực, từ vĩ mô cho đến những vấn đề cuộc sống hằng ngày; các vấn đề bao quát cả phạm vi Trung ương đến địa phương. Tổng Bí thư cho rằng: Các vấn đề cử tri phát biểu chủ yếu là nêu vấn đề, góp ý kiến, đề xuất giải pháp trên tinh thần xây dựng. Quan điểm nhất quán của Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân. Tổng Bí thư nghiêm túc lĩnh hội, lắng nghe ý kiến cử tri, làm cơ sở cho việc lãnh đạo, chỉ đạo trên cương vị công tác.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp. Nhiệm vụ của các kỳ họp tiếp theo ngay sau đó là phải triển khai thi hành Hiến pháp nhất là sửa đổi Pháp Luật, nhanh chóng đưa tinh thần của Hiến pháp vào đời sống xã hội. Quốc hội đang không ngừng đổi mới, cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động nhất là công tác xây dựng Pháp Luật.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước thực hiện phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao, từ xây dựng cơ chế chính sách đến ban hành các quy định, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên, nhưng kết quả chưa đạt như mong muốn. Bởi vậy, cần tiếp tục quyết tâm, kiên trì hơn nữa trong hoạt động này. Tổng Bí thư khẳng định: Phòng tham nhũng là công việc gốc, nhưng khi đã xảy ra tham những thì phải xử lý nghiêm. Xử nghiêm là biện pháp để phòng tham nhũng tốt nhất. Thời gian qua, những vụ án tham nhũng lớn được xử lý nhanh và hiệu quả. Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các địa phương cũng đã chọn các vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp, trực tiếp chỉ đạo; đồng thời tăng cường thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng...

Tổng Bí thư cho rằng, song song với phòng, chống tham nhũng cần đẩy mạnh chống lãng phí. Lãng phí nhiều khi nguy hại hơn cả tham nhũng, lớn hơn cả tham những. Lãng phí hiện nay diễn ra trên các lĩnh vực như tài nguyên, khoáng sản, nguồn nhân lực... Trung ương đã có một loạt các chủ trương, giải pháp phòng, chống lãng phí. Tuy vậy, hoạt động này cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, đổi mới tác phong cán bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính là những biện pháp thiết thực, hiệu quả.

Liên quan đến thắc mắc của cử tri về việc tạm dừng lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với cán bộ, Tổng Bí thư khẳng định: Lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương đúng đắn, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; là giải pháp cần thiết, quan trọng trong công tác cán bộ và xây dựng Đảng. Tuy vậy, đây là lần đầu triển khai thực hiện, quá trình đó nhất thiết phải tiến hành rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn để có bước lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri quận Ba Đình đã dành thời gian gặp gỡ, phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết. Các đại biểu Quốc hội - Đơn vị bầu cử số 1, TP Hà Nội ghi nhận, tổng hợp ý kiến của cử tri; truyền tải đến Quốc hội trong thời gian tới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật