Lừa bịp bằng máy xét nghiệm

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một số đối tượng tự xưng là nhân viên kiểm nghiệm đến nhà dân dùng thiết bị thử chất lượng nước uống rồi đưa ra kết luận: nước không đảm bảo chất lượng và “đề nghị“ nên dùng nước của họ cho đảm bảo. Vậy thực chất thiết bị này như thế nào, lời “đề nghị“ trên có đáng tin?
Lừa bịp bằng máy xét nghiệm
Nhúng hai đầu cực vào hai cốc nước cho kết quả khác nhau

Thử là… bẩn

Đầu tháng 8, ông Đặng Đình Long nhà số 5 ngách 66/36 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội đang ở nhà thì có một thanh niên ăn mặc lịch sự bước vào. Anh này tự xưng là người của hội bảo vệ sức khoẻ thành phố nhưng không đưa bất cứ giấy tờ gì ra để chứng minh. Ông Long có nhìn thấy trên ngực áo của thanh niên này tấm thẻ đề tên là Nguyễn Phi Hưng, không nhìn rõ cơ quan. Sau màn chào hỏi, người khách nói rằng có nhiệm vụ đi kiểm tra nước uống của các gia đình để xem có đảm bảo chất lượng không. Ông Long đã đồng ý.

Sau khoảng hơn 10 phút kiểm tra, anh này kết luận nước nhà ông Long không đảm bảo. Lượng sắt quá nhiều. Qua thiết bị thử nước đang sử dụng kết tủa đục ngầu. Nếu sử dụng lâu dài sẽ phát sinh bệnh tật. Trong khi ông Long đang lo lắng xem làm thế nào để làm sạch được nguồn nước thì anh thanh niên đã giới thiệu rằng nên dùng thử nước của anh ta mang theo. Giá bán là 40.000đ/bình. Ông Long dù thấy không yên tâm nhưng không mua vì đắt hơn các bình nước thông thường mà ông vẫn mua khoảng 15.000đ. Hơn nữa, ông Long cho rằng nguồn nước mà ông đang sử dụng là nước sạch của thành phố và các hộ xung quanh đây đều dùng. Ông có đề nghị người này để lại địa chỉ, số điện thoại nhưng anh ta đã từ chối.

Chị Ngô Hoàng Yến, Ngõ 337, dịch Vọng, Cầu Giấy cũng gặp trường hợp tương tự. Tuy nhiên người thử nước nhà chị Yến tiến hành bằng hai loại thiết bị khác nhau. Thiết bị ban đầu thử cùng lúc trên một loại nước mà nhà chị Yến đang sử dụng và một loại nước mà nhân viên tiếp thị mang đến. Sau một hồi "thí nghiệm" phần nước nhà chị Yến đục ngầu. Ngược lại, nước của anh ta mang đến vẫn trong. Thấy chị Yến tỏ vẻ nghi ngờ anh này lấy tiếp một thiết bị thử nước khác và giới thiệu rằng thiết bị này đo xem lượng chất bẩn ở trong nước đang sử dụng là bao nhiêu. Qua kết quả đo nước nhà chị Yến hiển thị ở con số 149 còn đương nhiên nước mà anh ta mang đến là 0.

Chiêu lừa bịp để bán hàng

Theo mô tả của ông Long và chị Thủy, chúng tôi phát hiện ra nhiều cửa hàng kinh doanh nước tinh khiết trên đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội đều có bán loại thiết bị này. Giá của bộ sản phẩm thông thường mà các tình nguyện viên hay dùng được bán 150 ngàn đồng. Bộ sản phẩm như chị Yến mô tả có giá bán 400 ngàn đồng. Để giải đáp thắc mắc cho nhiều bạn đọc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Trần Hữu Hoan, nguyên giám đốc Trung tâm Phân tích và Môi trường thuộc viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Vừa nhìn thấy bộ sản phẩm ông Hoan đã nói ngay đây chính là một chiêu lừa bịp để bán hàng. Trung tâm Phân tích và Môi trường đã nhiều lần nhận được phản ánh của người dân về bộ xét nghiệm này và họ muốn nhờ trung tâm làm rõ xem tính trung thực của xét nghiệm đến đâu.

Về bản chất của xét nghiệm, TS Hoan chỉ ra rằng nước trong tự nhiên có nhiều chất khoáng như NaCl, CaCl2, CaSO4, MgCl2, MgSO4, Na2CO3, NaHCO3... Chiếc máy xét nghiệm có hai cặp điện cực, khi nhúng một cặp điện cực vào cốc nước có chứa khoáng chất hay còn gọi là ion sẽ tạo nên dòng điện và có hiện tượng nước chuyển màu. Nước chuyển thành màu nâu, đỏ hay vàng... là tùy thuộc vào lượng khoáng chất có trong đó. Loại nước mà những thanh niên mang ra để xét nghiệm là nước tinh khiết và các khoáng chất gần như đã bị loại bỏ 100%.

Chính vì vậy mà khi cùng một lúc nhúng hai đầu cực và hai cốc nước khác nhau thì nước của các thanh niên mang đến không bị kết tủa và chuyển màu. Thực chất thì nước có nhiều khoáng chất quá cũng không tốt mà nước tinh khiết cũng không tốt. c‌ơ th‌ể con người cần nạp một lượng khoáng chất nhất định mỗi ngày để có thể phát triển khoẻ mạnh. Cũng theo ông Hoan, loại bút thử cho phép người thử biết được các khoáng chất đo được là bao nhiêu. Bút này không phản ánh chất lượng nước sạch hay bẩn. Trường hợp nhà chị Yến, đối tượng đã sử dụng loại bút thử này.

Ông Đỗ Viết Tịnh, phó chánh văn phòng Hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết, ông cũng có nghe nói về trường hợp này. Tuy nhiên, chưa có bất cứ một trường hợp cụ thể nào đến để kiện cáo. Việc một hãng nước này đi xét nghiệm nước của một hãng khác rồi kết luận nước đó không đảm bảo là vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh. Nếu bất cứ người dân nào rơi vào trường hợp này có thể liên hệ với các cơ quan chức năng cũng như các hãng nước để kiện đối tượng cạnh tranh bất chính ra tòa.

TPHCM: Báo động đỏ chất lượng nước đóng bình 

Ngày 25/8, Đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM và Phòng y tế quận 6, TPHCM đã kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp sản xuất nước đóng bình. Tại Doanh nghiệp tư nhân Thành Tín (số 75 đường 30 Bình Phú, phường 10, quận 6, TPHCM), khu vực súc rửa bình chung với nhà vệ sinh. Nước rửa bình mua ở chợ Kim Biên không có nhãn mác, nhân viên không mặc bảo hộ lao động. Hệ thống lọc chỉ là những bồn inox chứa nước đã bị phèn đóng vàng khè. Cơ sở này không dùng nước giếng như đã đăng ký và xét nghiệm mà là nước máy không làm xét nghiệm nước chưa thành phẩm cũng như nước thành phẩm.

Tại phòng đặt hệ thống lọc của doanh nghiệp tư nhân Thanh Nhàn (số 77 đường 30 Bình Phú, phường 10, quận 6, TPHCM) tồn tại một nhà vệ sinh đang sử dụng. Giới thiệu công nghệ xử lý bình để sản xuất nước thì ông Dũng - chủ cở sở cho biết: "Sau khi rửa bình bằng xà bông, rồi chuyển qua phòng chiết rót tráng lại bằng nước sạch (nước chuẩn bị rót vào bình) và chiết rót đóng nắp bình là xong".

Theo báo cáo kết quả thanh tra 16 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, sản xuất nước đá (do Sở Y tế công bố mới đây), có đến 66,7% mẫu nước đóng bình xét nghiệm vi sinh, hóa lý không đạt (bị nhiễm Coliforms, không đạt chỉ tiêu PH, Crom). Chất lượng của các cơ sở nước đóng bình đang ở mức báo động đỏ gây ảnh hưởng lớn sức khỏe người tiêu dùng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật