Tự truyện Thanh Bạch (1)

Ha_noi_bus Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hoạt náo, sôi nổi trong mọi tình huống, đó là chân dung một MC Thanh Bạch trên sân khấu. Nhưng trái với tài ăn nói lưu loát hiện tại, lúc nhỏ anh lại là một đứa trẻ nhút nhát và bị tật cà lăm. Vậy thì sao anh khắc phục được? Vì sao anh có tên Bạch? Vì sao trông anh lúc nào cũng gọn gàng tươm tất?
Tự truyện Thanh Bạch (1)
MC Thanh Bạch.
Tôi là con trai cả trong một gia đình sinh sống tại xã An Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Sau tôi là ba cô em gái: Thúy Phượng và hai chị em sinh đôi Hoàng Oanh - Hoàng Yến. Ba tôi là người có máu nghệ thuật. Ba hát hay, diễn kịch tài, đặc biệt là chơi đàn măng-đô-lin cực giỏi. Theo lời ba kể, cũng nhờ vào tài chơi đàn măng-đô-lin nên ba đã quen được má tôi bằng cách... chỉ cho má tôi đánh đàn. Có lẽ vậy nên tôi đã thừa hưởng gien di truyền từ ba, cái gene yêu nghệ thuật.

Hồi nhỏ tôi là một đứa bé nhút nhát, ngại giao tiếp với mọi người vì tôi không thể nói hết một câu tròn vành rõ chữ. Tôi bị cà lăm (nói lắp). Tôi còn nhớ lúc đó ba tôi làm nghề sửa xe gắn máy, bên cạnh có một tủ để đồ phụ tùng, dưới tủ là một ổ gà ác. Tôi hay lén ba chui vào ổ gà ác lấy trứng đưa má tôi chiên, mà mỗi lần muốn thể hiện “ý đồ” tôi phải mất hết gần 5 phút: “Má... má... ơi..., con... con... muốn... ăn... ăn... trứng...”. Dĩ nhiên má không hài lòng chút nào vì tật cà lăm của tôi, bà bảo: “Con cứ nói từ từ, từng chữ một, khi nào nói hết câu mà không bị cà lăm thì má mới chiên trứng cho con ăn”. Vì đói bụng, vì thèm ăn trứng chiên tôi phải gồng mình “nhả” ra từng chữ một. Ngày qua ngày, tôi hết bị cà lăm lúc nào không biết.

Tôi có một năng khiếu là vẽ cực đẹp. Những bức tranh trong tiết học hội họa của tôi bao giờ cũng đoạt điểm cao nhất lớp. Biết tôi thích vẽ, ba đã mua cho tôi rất nhiều bút chì màu, và thế là tôi bắt đầu vẽ, những bức tranh hoàng tử, công chúa, lâu đài. Thấy tôi vẽ đẹp, mấy đứa bạn trong lớp bắt đầu xin tranh của tôi. Lần đầu tôi cho, lần thứ hai tôi cũng cho, nhưng đến lần thứ ba thì tôi... bán: 1,5 đồng một bức tranh. Tưởng nói cho vui ai dè tụi nó đòi mua thiệt, thành ra tôi có tiền ăn vặt nhờ vào tài vẽ tranh của mình.

Thanh Bạch chụp ảnh với bố mẹ và em gái.

Vào những năm 1960 thú giải trí của mọi gia đình thường là nghe radio. Tôi mê nghe đài, mê luôn giọng nói của các cô chú xướng ngôn viên vì giọng của họ tròn vành rõ chữ và truyền cảm. Nghe và tôi bắt chước giọng của các cô chú ấy, nhiều khi tôi đứng giữa nhà và cất giọng: “Xin kính chào quý vị. Mời quý vị nghe bản tin...” rồi tự cười một mình. Cứ như vậy tôi cảm nhận hình như mình thích nói cho mọi người nghe.

Tôi có người cậu thứ bảy đi làm ở Sài Gòn, nhà cậu có một dàn loa nghe nhạc hay cực kì (dĩ nhiên là hay hơn cái radio bé tẹo nhà tôi). Tôi thường qua nhà cậu chơi, đem theo băng catsette của mình qua nghe ké dàn loa của cậu. Được một thời gian cậu nói sẽ mua dàn loa mới, và cái dàn cũ ấy cậu tặng lại cho tôi. Tôi mừng gần như phát điên bởi đi kèm với dàn loa còn có một cái micro. Mỗi khi nói vào micro, nghe tiếng nói mình được khuếch đại lên, tôi bỗng thấy mình mạnh vô cùng.

Từ khi đem dàn loa của cậu Bảy cho về nhà, tôi bắt đầu mày mò bắt chước làm theo đài. Thấy người ta hay nói về một bài hát trước khi ca sĩ hát, tôi cũng làm theo. Bài hát nào nghe giới thiệu rồi tôi nói y chang như vậy, bài hát nào không biết thì tôi tự “phịa” theo ý của mình. Tôi tự thu âm giọng nói, tự sắp xếp bài hát rồi thu vào băng catsette, khi nghe lại tôi cho là mình vừa làm xong một công việc thật vĩ đại.

Lúc này ba tôi đã chuyển sang nghề sửa chữa máy nông nghiệp, vì vậy nhà tôi cũng chuyển sang sống tại đầu cầu An Đức. Tôi đem theo dàn loa của mình, ngày ngày vẫn hì hục thu âm, cắt bài hát làm thành “tuyển tập” riêng. Vào mỗi buổi chiều nước lên, tôi lại bật loa và chạy ù qua bên kia sông để nghe thử “chương trình” của mình. Tôi cảm nhận được hình như khi nước lớn âm thanh sẽ nghe rõ và vang hơn khi nước ròng.

Và một phát hiện nữa làm tôi thấy thú vị: có một con bé bên kia sông cứ chiều chiều lại ra ngồi trước cửa nhà, chắc là để nghe chương trình của tôi (tôi chắc thế). Vì vậy tôi ra sức làm mới chương trình, khi thì theo chủ đề biển, tác giả và tác phẩm, chủ đề bốn mùa, chủ đề hoa v.v. Năm đó tôi 11 tuổi.

Năm 1975. Đang học trường Thủ Khoa Huân, tôi chuyển qua trường Tống Phước Hiệp (nay là Lưu Văn Liệt, tỉnh Vĩnh Long). Lúc đó tôi khoái nhất là 5 phút văn nghệ đầu giờ, tôi cứ giơ tay xung phong là được hát, những bài hát như Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Chiếc gậy Trường Sơn... được tôi hát đi hát lại suốt những năm cấp 3. Rồi cũng đến ngày tôi thi Đại học. Tôi thi cùng lúc vô ngành sư phạm và trường nghệ thuật.

Ngày tôi đến nhận lớp tại trường Đại học Sư phạm Vĩnh Long cũng là ngày giấy báo trúng tuyển trường Nghệ thuật Sân khấu 2 gửi về nhà. Tôi biết nếu theo học nghệ thuật là tôi phải xa nhà, phải ở ký túc xá, phải tự lo liệu mọi thứ. Nhưng tôi đã quyết định khăn gói lên Sài Gòn theo học tại địa chỉ 125 Cống Quỳnh...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật