Gian nan gieo chữ ở non cao

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu Tu Mơ Rông là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Kon Tum thì Ngọc Yêu là xã đứng chót trong bảng tổng sắp ấy. Điều này có thể hình dung việc “gieo chữ” ở đây gian nan đến mức nào…
Gian nan gieo chữ ở non cao
Ảnh minh họa

Cái gì cũng thiếu

Ngọc Yêu chỉ chừng 400 hộ với hơn 1.100 khẩu lọt thỏm giữa bốn bề là núi bắt đầu đón những con gió hun hút dù chỉ mới tháng mười. Bên bếp lửa giữa sân khu tập thể co ro hơn chục con người, kể cả hai cô giáo vừa mới được phân công vào nhận nhiệm vụ từ đầu tuần. Thầy Võ Văn Cương - Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Ngọc Yêu kể về ngày chân ướt chân ráo vào đây.

Năm 2002, trường mới thành lập, được tách ra từ trường tiểu học, chỉ có mỗi một lớp 6 với 30 chục em học sinh. Để đến được trường phải lội bộ 15 cây số đường rừng. So với ngày đó, đoạn đường 6km lầy lội như ruộng cấy mà tôi phải vật lộn ban trưa thật chẳng ăn nhằm gì. “Bám trụ từ bấy đến giờ, quãng đường hàng tuần mình phải đi dễ quá nửa vòng trái đất” - thầy Cương cười… Kém thâm niên hơn thầy Cương một chút, thầy Nguyễn Văn Anh, giáo viên dạy toán của trường cũng đã 8 năm gắn bó với Ngọc Yêu. Cũng như thầy Cương, gia đình thầy ở tận Đăk Tô. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa muốn về nhà lốp xe máy phải quấn dây xích mới vượt nổi con trơn trượt…

Đường sá thế, gạo mắm của thầy trò chỉ biết trông vào các “công ty hai sọt”. Tuy nhiên những hôm trời mưa lớn, nước suối Tam Rin dâng cao thì các “công ty” này cũng bó tay. Để đối phó những lúc như thế, thầy trò phải dự trữ thực phẩm khô từ 5-10 ngày…

Cái khổ nữa là nước sinh hoạt. Tiếng là xã cũng có công trình nước tự chảy nhưng cứ được vài tháng lại hỏng. Để khắc phục tình trạng này, trường được đầu tư một giếng khoan sâu tới 100m nhưng cũng chỉ bơm được 5 phút đồng hồ mỗi ngày, chỉ đủ nhu cầu sinh hoạt tối thiểu…

Gian nan “gieo chữ”

Cô Y Blây - một trong những lứa học trò đầu tiên được “gieo chữ” ở Ngọc Yêu vẫn thầm tự hào về tinh thần hiếu học của đồng bào Xê Đăng mình. Ngày con chữ về đến quê cô, trường chỉ là túp nhà tranh. Từ bàn, ghế cho đến bảng viết tất cả đều là tre. Ngọc Yêu chỉ có trường cấp 1. Muốn học cấp 2 phải cơm đùm gạo bới ra tận huyện Đăk Tô. Đi từ tờ mờ sáng đến khi tắt mặt trời vẫn chưa tới. Đường rừng vắng chẳng dám dừng lại nghỉ, cơm nắm mang theo phải vừa ăn vừa đi cho kịp, vậy mà hai chị em Y Blây cùng Y Thi vẫn quyết theo con chữ đến cùng…

Học xong sư phạm Y Blây xin về Ngọc Yêu dạy, bởi hơn ai hết cô thấu hiểu nỗi khát chữ của đồng bào mình…Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là tất cả. Cái lý “thiếu gạo ăn mới chết, thiếu chữ không chết” vẫn còn trong ý nghĩ của không ít người. Để huy động triệt để học sinh trong độ tuổi đến trường và duy trì sĩ số, ngay từ khi chuẩn bị vào năm học mới, nhà trường đã cùng chính quyền xã tổ chức vận động phụ huynh cho các em đến trường. Mỗi khi có học sinh vắng mặt không có lý do, giáo viên đến tận nhà để tìm hiểu. Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình, giữa thầy và trò ở Ngọc Yêu rất gắn kết…

Cách đây hơn một tháng, khi được tin một học sinh bị bố ép ăn lá ngón t‌ּự t‌ּử do buồn vì con gái bị chết, Ban giám hiệu nhà trường cử các thầy cô đi bộ 15 cây số để võng hai anh em đi cấp cứu...

Đấy là lý do để giải thích tại sao tỷ lệ chuyên cần của học sinh ở Ngọc Yêu rất cao, đạt 97% trở lên. chia tay thầy trò trường Ngọc Yêu với tình cảm ấm áp, chợt thấy con đường như gần lại. Tôi tin với niềm nhiệt huyết trong từng con chữ ấy, một ngày không xa Ngọc Yêu sẽ không còn những cái “nhất” trong tâm tưởng ai đó khi nói đến mảnh đất này…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật