Người dân vựa lúa lớn nhất nước thu nhập bằng nửa lương tối thiểu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thu nhập bình quân của người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long bằng nửa lương tối thiểu (tương đương 600.000/tháng), dẫn đến một bộ phận nhỏ nông dân bỏ ruộng lên thành phố.
Người dân vựa lúa lớn nhất nước thu nhập bằng nửa lương tối thiểu
Chính phủ đang triển khai chương trình nhằm giúp nông dân có thu nhập cao từ nông nghiệp. Ảnh: agro.gov.vn.

Tại Lễ kỷ niệm Ngày lương thực thế giới 16/10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, Việt Nam có khoảng 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi, bằng khoảng 70% lao động của cả nước nhưng chỉ đóng góp 20% GDP.

"Ở đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất của cả nước, thu nhập bình quân của người nông dân chỉ bằng một nửa mức lương tối thiểu, dẫn đến một bộ phận không nhỏ nông dân bỏ ruộng lên thành phố, làm việc tại khu công nghiệp để kiếm thu nhập khá hơn", Thứ trưởng thông tin.

Để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ nông nghiệp, Thứ trưởng Doanh cho rằng cần hỗ trợ họ bán được nông sản với giá hợp lý và mua được vật tư đầu vào chất lượng; cho vay dài hạn lãi suất thấp.

"Chính phủ Việt Nam đang triển khai chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó các giải pháp trọng tâm là thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất chủ yếu theo hướng tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị", ông nói.

Theo ông Jong-Ha Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam, thế giới dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, nhưng đang đối diện với nhiều thách thức. Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 16/9, số người bị đói trên thế giới đã giảm 100 triệu trong 10 năm qua song vẫn chiếm 1/9 dân số toàn cầu, tập trung chủ yếu ở châu Á.Thế giới vẫn còn hơn một tỷ người nghèo, nhiều người thiếu lương thực.

Liên Hợp Quốc khẳng định việc xóa đói sẽ hỗ trợ tích cực cho giảm nghèo và góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trên toàn cầu. Các biện pháp chính để thực hiện là cải thiện mối liên kết giữa nông dân với thị trường, tăng thu nhập cho nông dân và hạn chế lãng phí lương thực, nhất là tổn thất sau thu hoạch.

Tổ chức này cũng kêu gọi lãnh đạo các nước đầu tư phát triển canh tác hộ gia đình nhằm đảm bảo nguồn lương thực và công ăn việc làm cho cộng đồng. Hiện trên thế giới có trên 500 triệu hộ gia đình nông dân, 98% là canh tác quy mô hộ gia đình chiếm khoảng 56% sản xuất nông nghiệp.

Ngày lương thực thế giới tại Việt Nam được tổ chức ở xã Hồng Phong (Đông Triều, Quảng Ninh) - địa phương điển hình về canh tác hộ gia đình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật