Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều nay (2/10), Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả SX –KD của ngành Công Thương 9 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và chỉ đạo hội nghị
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo.

Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7% (cao hơn mức tăng 5,4% của cùng kỳ 9 tháng năm 2013 so với năm 2012).  Tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9 tháng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2013 và năm 2012 (năm 2012 và năm 2013 tăng trưởng lần lượt: 4,8% và 5,3%). Bên cạnh đó, thông qua mức tăng trưởng hàng tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng của ngành điện, có thể thấy sản xuất công nghiệp có dấu hiệu của sự phục hồi. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm: Thời điểm 1/1/2014 tăng 9,7%; 1/6/2014 tăng 12,8% nhưng đến thời điểm 1/9/2014 chỉ còn tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch XK 9 tháng ước đạt 109,63 tỷ USD (bằng 75,4% mục tiêu kế hoạch), tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với 13,59 tỷ USD). 9 tháng có 21 mặt hàng có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với cùng kỳ năm trước là rau quả và hạt tiêu. Tổng kim ngạch NK hàng hoá 9 tháng ước đạt 107,16 tỷ USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất siêu 9 tháng năm 2014 ước khoảng 2,47 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch xuất khẩu. Công tác quản lý thị trường, theo thống kê chưa đầy đủ, trong 9 tháng đầu năm 2014, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 130.000 vụ, xử lý 66.000 vụ vi phạm với tổng số thu nộp ngân sách 280 tỷ đồng.

Công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong 9 tháng đầu năm tập trung vào việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách nhà nước năm 2014.

Ngành Công Thương cũng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, điện, nước nhằm sẵn sàng cho các dự án đầu tư triển khai; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư nhằm tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã được xây dựng cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế về giao thông vận tải và logistics; nâng cao tính khả thi của các chiến lược và quy hoạch về phát triển kết cấu hạ tầng của đất nước.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo Thủ tướng kết quả SX -KD 9 tháng đầu năm.

Chính phủ cần ưu tiên khuyến khích đầu tư, xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nhằm hiện đại hoá, nâng cấp và xây dựng mới các kết cấu hạ tầng thương mại như hệ thống bến cảng, sân bay, nhà ga, hệ thống kho bãi... Tạo môi trường thuận lợi thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; bảo đảm lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư, không phân biệt thành phần kinh tế

DN ngành Công Thương nỗ lực nâng cao hiệu quả SX - KD

Tham luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, những mục tiêu năm 2014 của PVN đã về đích sớm. Tính đến ngày 2/10, sản lượng khai thác dầu thô của tập đoàn vượt hơn 1 triệu tấn so với kế hoạch năm. PVN cũng nộp ngân sách gần 126 nghìn tỷ đồng. Công tác tái cấu trúc DN thực hiện theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các hoạt động KH – CN được triển khai tích cực… Dù vậy, hoạt động kinh doanh còn gặp một số khó khăn như: Sản xuất điện chưa đạt kế hoạch; một số dự án còn gặp vướng mắc.

Theo ông Lê Minh Chuẩn  - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), 9 tháng đầu năm, tập đoàn đã tiêu thụ 26,2 triệu tấn than, trong đó than tiêu thụ cho nhiệt điện tăng 40% so với cùng kỳ. Ngoài ra, TKV tiêu thụ 350 nghìn tấn alumin, sản xuất 6,5 tỷ kWh điện; doanh thu đạt hơn 74 nghìn tỷ đồng… Trong tái cấu trúc DN, nhóm công ty thoái vốn ngoài ngành đã thoái vốn hơn 1.600 tỷ đồng (khoảng 82%); tiến hành cổ phần xong 3 DN. Trong quý IV, tập đoàn tập trung vào những nhiệm vụ trong tâm: Nỗ lực vượt kế hoạch SX- KD, đẩy nhanh việc tái cấu trúc DN, đầu tư các dự án, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay: 9 tháng đầu năm, hệ thống điện vận hành an toàn, liên tục, ổn định. Trong tái cơ cấu DN, EVN đã thoái vốn theo đúng lộ trình, cổ phần hóa các công ty phát điện; tổ chức các tổng công ty điện lực theo mô hình bán buôn cạnh tranh. Tập đoàn đã thực hiện hai đề án: Đề án tối ưu hóa chi phí kinh doanh, đề án quản lý lao động… trong đó, tập trung nhiều giải pháp nâng cao năng suất lao động như: Đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước để thực hiện cấp điện cho vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, dự án cấp điện cho các đảo và huyện đảo; ưu tiên bố trí các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho các dự án điện đồng thời, cho phép các dự án điện được vay vốn tín dụng ưu đãi trong nước phục vụ di dân tái định cư và chế tạo thiết bị trong nước. Bộ Công Thương ủy quyền cho HĐTV EVN thực hiện phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật đường dây và trạm của các công trình cấp bách.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu DN, theo ông Lê Tiến Trường – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ngành Dệt may đã thoái vốn được ở 21/37 đơn vị - tổng số tiền thoái vốn đã lên hơn 1.000 tỷ đồng.

Khẳng định giá xăng dầu đi vào cuộc sống, theo đúng chủ trương của Chính phủ, ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết: 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu đạt 7,2 triệu tấn. Năm 2014, dự kiến sản lượng bán lẻ tăng, xăng dầu bán buôn tương đương cùng kỳ nhưng bán cho các đại lý giảm khoảng 15%. Bên cạnh đó, giá cả ổn định nhưng xuất hiện một số vấn đề như buôn lậu xăng dầu, đặc biệt trên tuyến đường biển.Cũng trong 9 tháng qua, liên bộ Tài chính – Công Thương đã chỉ đạo DN minh bạch giá xăng dầu, tiết giảm chi phí, thực hiện nghiêm túc Nghị định 84.

Ông Bảo cũng kiến nghị đối với kinh doanh xăng E5, cần có cơ chế cụ thể để đảm bảo vấn đề môi trường, quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, những tiêu chuẩn của Bộ Khoa học – Công nghệ, Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công Thương sớm được ban hành. Khi triển khai Nghị định 83 tới đây, cần quy định xuất hóa đơn cho từng khách hàng (kiểm soát đầu ra) nhằm chống gian lận trong kinh doanh xăng dầu.

Hoàn thiện thể chế, chính sách

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực phấn đấu, tính nghiêm túc của ngành Công Thương trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Công Thương trong 9 tháng đầu năm trên tất cả các lĩnh vực. “Trong xuất nhập khẩu, chỉ tiêu đặt ra là 10%, nhưng hết tháng 9, xuất khẩu tăng 14,2%. Chúng ta đã cân đối được xuất nhập khẩu và có xuất siêu. Nếu năm nay xuất siêu thì liên tục 3 năm liền nước ta xuất siêu. Điều này chứng tỏ năng lực cạnh tranh của DN được cải thiện”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Bộ Công Thương, DN trong ngành.

Thủ tướng cũng tin tưởng triển vọng đạt và vượt kế hoạch năm 2014 của ngành Công Thương là khả thi.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tạo cơ chế, chính sách để đạt được mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo hướng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tập trung chỉ đạo SX - KD, thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN; bảo đảm ổn định than, điện, xăng dầu. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng như năng lực cạnh tranh; rà soát sửa đổi các quy định, thủ tục gây phiền hà, vướng mắc cho người dân và DN.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định với Thủ tướng ngành Công Thương sẽ nỗ lực hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2014; thực hiện tốt hơn chức năng quản lý, nâng cao khả năng cạnh tranh, cố gắng không nợ đọng văn bản quy phạm Pháp Luật; tiếp tục mở rộng thị trường trong và ngoài nước; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật