Doanh nghiệp Việt kháng kiện chống bán phá giá tôm

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cho rằng mức thuế áp cho tôm Việt Nam là bất hợp lý, đại diện hơn 30 doanh nghiệp phải chịu thuế chống bán phá giá đã thống nhất kháng kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ.
Doanh nghiệp Việt kháng kiện chống bán phá giá tôm
Số tiền các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp vì POR 8 vào khoảng 35 đến 40 triệu USD

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tôm nước ấm của Việt Nam cho đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR 8) từ 1/2/2012 đến 31/1/2013. Theo đó, 30/32 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong thời gian trên chịu thuế chống bán phá giá là 6,37%. 2 doanh nghiệp còn lại là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98% và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng  9,75%. Mức thuế chung cho các doanh nghiệp khác là 25,76%.

Cho rằng DOC đã áp mức thuế chống bán phá giá không hợp lý khi sử dụng phương pháp tính toán riêng biệt đối với tôm Việt Nam, trao đổi với báo, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đơn vị này vừa thống nhất sẽ gửi kháng kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ (CIT).

 

Theo VASEP, với POR 7 - năm 2013, khi đó DOC đã kết luận các doanh nghiệp tôm của Việt Nam không bán phá giá, không gây thiệt hại gì cho Mỹ, và thuế bằng 0% cho tất cả 32 doanh nghiệp của Việt Nam. Năm nay, với POR 8, DOC lại kết luận các doanh nghiệp Việt Nam đều bán phá giá với mức thuế rất cao, có thể nói là cao nhất trong 8 chu kỳ tính thuế của DOC.

Ông Hòe đánh giá, mức thuế quá cao và không hợp lý bởi được tính toán thiếu cơ sở khoa học, không thống kê và tính thực tiễn cũng gây nhiều tranh cãi trong việc áp dụng ở Luật Chống bán phá giá Mỹ.

Trong cách tính POR 8 này, DOC lấy số liệu Việt Nam so sánh với nước thứ 3 là Bangladesh. Giai đoạn được tính là năm 2012-2013, nhưng DOC lại lấy số liệu năm 2003 của Bangladesh. Các số liệu không được cập nhật sẽ ảnh hưởng đến kết quả tính toán biên độ phá giá, thuế chống bán phá giá.

Theo VASEP, mức thuế này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cạnh tranh mặt hàng tôm của Việt Nam tại Mỹ. Các doanh nghiệp bắt buộc phải tăng giá để có tiền nộp thuế POR 8, do đó khả năng cạnh tranh về giá sẽ bị giảm so với các nước có mức thuế thấp hơn. Việc tăng thuế cũng ảnh hưởng tới sự cân bằng tài chính của các doanh nghiệp. Số tiền các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp vì POR 8 vào khoảng 35 đến 40 triệu USD.

"Chúng tôi sẽ kháng cáo kết quả này lên CIT, hy vọng CIT sẽ xem xét và phán quyết mức thuế tốt hơn cho các doanh nghiệp. Hiện nay, luật sư và các doanh nghiệp đang chuẩn bị các hồ sơ cho việc kháng cáo này", ông Hòe nói và cho biết thêm VASEP luôn khuyến cáo các doanh nghiệp nên phân bổ đều các thị trường xuất khẩu, không tập trung quá nhiều vào một thị trường chủ lực, cụ thể là thị trường Mỹ. Một số thị trường rất tiềm năng theo Vasep hiện nay là Nga, Đông Âu... nhu cầu về tôm đang tăng lên, sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam

Tính đến 15/8, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 700 triệu USD, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2013.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật