GDP năm 2014 có thể tăng trưởng hơn 5,8%

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Tình hình kinh tế nước ta tháng 9 và 9 tháng đầu năm tăng trưởng tương đối theo hướng bền vững. Trên đà này, có thể nói cuối năm nay, sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
GDP năm 2014 có thể tăng trưởng hơn 5,8%
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên chủ trì họp báo ngày 30/9.

GDP tăng trưởng 5,8% hoặc có thể cao hơn", Bộ trường, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều ngày 30/9.

Quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế

Theo đánh giá của Chính phủ, 9 tháng đầu năm 2014, nền kinh tế tiếp tục chuyển biến, đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế quý III cao hơn quý I và quý I. Tính chung 9 tháng, ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,25% so với tháng 12/2013, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua.

Tuy nhiên, trong phiên họp Chính phủ, Thủ tướng lưu ý mặc dù kinh tế tăng tưởng với tốc độ như vậy, đồng đều như vậy nhưng không được thỏ‌a mã‌n, chủ quan mà phải nhìn nhận hết những mặt tốt để phát huy, những yếu kém, những mặt chưa được để khắc phục, tạo đà cho năm 2015 thực hiện mục tiêu mà Trung ương, Quốc hội đã giao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tăng cường phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, tập trung vào một số nhiệm vụ.

Về ổn định vĩ mô, tiếp tục nhất quán mục tiêu đã đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình, điều hành chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ, hài hoà các chính sách vĩ mô (tiền tệ, tài khoá, đầu tư, thương mại, giá cả thị trường) để duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không chỉ trong năm 2014 mà còn cho những năm tiếp theo nhằm tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bền vững; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống; tiếp tục giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối; tăng dự trữ ngoại hối; bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại có biện pháp phù hợp xử lý hiệu quả nợ xấu, tham gia cùng doanh nghiệp trong xử lý nợ xấu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), có phương án xử lý hiệu quả đối với nợ xấu đã mua và tiếp tục mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trong sản xuất - kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện hiệu quả các giải pháp, chính sách huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết với các thỏa thuận FTA đang đàm phán và sắp ký kết nhằm tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế.

Về tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; các đột phá chiến lược, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động...

Không nên lạc quan về tỷ lệ thất nghiệp 1,84%

Trước câu hỏi của phóng viên về việc nước ta nhập vật tư nông nghiệp mỗi năm lên đến 12 tỷ USD cũng như việc hoa quả nhập khẩu tràn lan trên thị trường, điều này ảnh hưởng như thế nào đến nền nông nghiệp?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cây trồng; giải quyết các vấn đề: Sản xuất như thế nào? tiêu thụ ra sao... Ngoài ra, trong cơ chế thị trường, việc tương tác qua lại, trao đổi, giao lưu, mua bán hàng hóa là rất bình thường. Do đó, chúng ta phải làm để quản lý cho được chất lượng sản phẩm nhập khẩu cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước. "Chúng ta đang thực hiện nhiều biện pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Liên quan đến dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, dự án này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có vốn đầu tư gần 6 tỷ USD. Còn khi hoàn thành giai đoạn 2 (sau năm 2030), dự kiến sân bay Long Thành sẽ đón từ 60 - 80 triệu lượt hành khách/năm. Bộ Giao thông Vận tải đang kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia liên danh này, sau đó cổ phần hóa. Tới đây, khi Quốc hội thông qua, Bộ sẽ trình Chính phủ dự án thực hiện trong giai đoạn 2020- 2025.

Đối với thông tin được viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) công bố: "Tỷ lệ thất nghiệp của cả nước trong quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong 1 năm qua và Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới" đang được dư luận đặt nhiều câu hỏi về tính xác thực, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định: Việc điều tra, khảo sát được làm theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế cũng như có sự giám sát của các tổ chức độc lập nước ngoài. Tuy nhiên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng, về "sức khỏe" của thị trường lao động không chỉ có tiêu chí thất nghiệp mà còn có 18 tiêu chí khác. Do đó, chúng ta không nên lạc quan về con số 1,84%.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật