Chính bố đã gieo hận thù vào lòng tôi...

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sự tan vỡ của bố mẹ, cách bố đối xử với tôi, sự nhẫn nhịn của mẹ... tất cả đã khiến tôi có cái nhìn cay độc về cuộc đời và không mấy thiện cảm với đàn ông.
Chính bố đã gieo hận thù vào lòng tôi...
Chính bố đã gieo hận thù vào lòng tôi... (ảnh minh họa)
Bố mẹ tôi ly hôn năm tôi 8 tuổi. Những năm đó ở quê tôi nghèo tới mức nhà nào không có đàn ông lao động chính thì chỉ có nước chết đói. Vậy mà bố vẫn bỏ mẹ con tôi đi lấy một người đàn bà không mấy xa lạ, cô ta là bạn thân của mẹ. Bố và người đó đã có con riêng 3 tuổi, tức là bố đã phản bội mẹ tôi từ lâu.
Mẹ tôi không ngăn cấm bố qua lại với người đó, thậm chí còn muốn cưu mang con riêng của chồng nữa. Nhưng người đàn bà đó lại muốn độc chiếm bố tôi. Và một buổi chiều, bố hôn tôi tạm biệt và đạp xe đi. Từ đó, hiếm khi bố mới về nhà.


Tuổi thơ của tôi là cơn ác mộng mà tôi muốn quên nhất. (ảnh minh họa)

Mẹ tôi đâu có nói bố bỏ đi với người khác, chỉ nói là bố sang ở với em trai tôi. Vì mẹ tôi quá hiền lành và nhân hậu, bà không muốn gieo bất cứ một suy nghĩ độc ác hay xấu xa nào về gia đình riêng của chồng mình. Tôi thì còn bé, lon ton chạy theo mẹ mà suốt ngày hỏi chuyện về “bạn của mẹ” và cậu “em trai” chưa một lần gặp mặt bằng những gì thiện cảm nhất. Nhưng đáng tiếc, chính bố tôi lại là người gieo lòng thù hận cho tôi.
Buổi chiều trên đường đi học về, tôi gặp bố và em trai. Tôi mừng rỡ vừa khóc vừa chạy theo gọi vì nhớ, nhưng bố vẫn cắm cúi đạp xe vờ không nghe thấy. Đến khi tôi mải chạy theo mà ngã xuống ruộng, ông mới dừng lại. Ông chở tôi về nhà ông, đặt tôi ngồi xuống giường, lau mặt cho tôi rồi đặt vào tay tôi một bát cơm và gắt “ăn nhanh lên kẻo dì mày về”.
Tôi ngồi đấy sững sờ nhìn bố cõng em trai trên lưng và bón cháo cho nó. Rồi tôi bắt đầu khóc, từng giọt nước mắt chảy xuống bát cơm. Bố tôi lại gắt rồi nhẹ nhàng quay sang đùa giỡn với “cục vàng” của mình. Khi người đàn bà của ông về đến ngõ, ông giật bát cơm đang ăn dở trên tay tôi rồi đuổi tôi về bằng lối cửa sau.
Tám tuổi, tôi đã biết thế nào là nỗi đau đớn tột cùng. Đến bây giờ tôi vẫn mơ đi mơ lại khoảnh khắc bị bố giật phắt bát cơm trên tay rồi đuổi đi. Càng lớn nỗi đau đó càng thấm thía, tôi càng hận ông. Khi ông bệnh nằm một chỗ và bị thằng quý tử kia hắt hủi, tôi đã không đến thăm mặc dù vẫn xem ông là bố.
Nhưng đó chưa phải là nỗi đau duy nhất. Ngày 29 Tết, mẹ tôi gói bánh rồi đèo tôi mang sang nhà bố. Làm một người vợ danh chính ngôn thuận lại chịu nhục mang bánh sang nhà vợ lẽ của chồng, tôi chưa thấy ai hi sinh đến mù quáng như mẹ. Vậy mà khi đến đó, chính mẹ con tôi mới là người bị hắt hủi.
Mẹ và tôi lại ngồi thu lu một góc giường, bố tôi đi ra đi vào mắng mỏ, không hiểu vì sao ông mắng. Người đàn bà thứ hai của bố vẫn tiếp tục đóng vai tâm xà khẩu Phật, một hai quý hóa chị mang bánh sang cho, đáng ra em phải làm thế. Rồi bà ta nựng con trai trong lòng, mang áo quần mới mà bố tôi mua cho ra khoe.
Từ khi bố đi, mẹ con tôi sống rất chật vật, ăn còn có khi không đủ no nên dẫu có là ngày Tết cũng lấy đâu ra tiền mua đồ mới. Ngắm nghía những chiếc áo xinh xinh của em trai, tôi đờ đẫn vì khao khát và ganh tỵ. Tôi cũng là con của bố cơ mà… Tôi cũng ao ước được lần tay lên lớp vải còn thơm mùi mới, ao ước cũng được xúng xính áo quần ngày đầu năm lắm chứ, nhưng tôi hiểu rằng giấc mơ đó quá xa xỉ.
Rồi tôi thấy em trai tôi được cho ăn bánh, một loại bánh mà con nhà nghèo như tôi chưa bao giờ được thử. Khi đó tôi vẫn là trẻ con nên cứ nhìn rồi nuốt nước miếng ừng ực, nhưng sợ mẹ nên tôi không dám xin. Người đàn bà của bố cũng không mời mẹ con tôi một tiếng, cho dù chỉ là mời đưa.
Tôi thèm thuồng và đói, bỗng dưng thấy em trai vứt một chiếc bánh xuống đất. Với bản năng trẻ con, tôi nhảy xuống đất nhặt và cho vào mồm. Người đó hét lên “sao mày giành của em?”. Bố tôi đang bổ củi sau nhà, nghe thế không biết gì chạy vào đè tôi ra đánh rồi đuổi cả hai mẹ con về.
Sau lần đó, mẹ con tôi không sang nhà bố lần nào nữa. Và tôi cũng nuôi hận thù với bố. Hay nói đúng hơn, chính bố đã gieo hận thù vào lòng tôi.
Tuổi thơ của tôi là cơn ác mộng mà tôi muốn quên nhất. Sự tan vỡ của bố mẹ, cách bố đối xử với tôi, sự nhẫn nhịn của mẹ... tất cả khiến tôi có cái nhìn cay độc về cuộc đời và không mấy thiện cảm với đàn ông.
Nhưng tôi sẽ không hèn hạ như bố, tôi sẽ không vì hạnh phúc cá nhân mà đánh cắp tuổi thơ của con mình. Trong cuộc sống hôn nhân hiện tại luôn có những nỗi đau đi quá giới hạn. Thực tế cuộc sống của chính tôi, mới kết hôn 4 năm nhưng nhiều khi tôi muốn chết, muốn ly hôn với người chồng tồi tệ. Nhưng nhìn vào con, nhìn vào tuổi thơ dang dở của mình, tôi lại không nỡ làm thế.
Người lớn ly hôn để thỏ‌a mã‌n cái tôi của mình, nhưng trẻ con mới là những nạn nhân câm lặng nhất. Vết thương thường không dễ lành, hoặc nếu có, sẽ vẫn còn sẹo. 29 năm đã trôi qua nhưng sao trong tôi vẫn còn bao nỗi ám ảnh dai dẳng khi bố mẹ ly hôn đến thế này?
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật