Trung Quốc, Ấn Độ đối đầu không khoan nhượng

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm binh lính Trung Quốc và Ấn Độ đang có cuộc đối đầu không khoan nhượng ở khu vực biên giới tranh chấp.
Trung Quốc, Ấn Độ đối đầu không khoan nhượng
Binh lính Ấn Độ tại khu vực biên giới

Điều này đã khiến Tham mưu trưởng Lục quân của Ấn Độ buộc phải hủy một chuyến công du nước ngoài để trực tiếp giám sát tình hình và có những chỉ đạo kịp thời.

Khoảng 800 binh lính Trung Quốc và 1.500 binh lính Ấn Độ đang cố thủ ở các cứ điểm trên cao nguyên Himalaya. Giới chức quân sự ở thủ đô New Delhi và Kashmir hôm qua (23/9) đã lên tiếng tố cáo, quân đội Trung Quốc đã dựng một khu trại vào sâu trong lãnh thổ của Ấn Độ 3km từ cách đây hơn một tuần. Nơi Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm là thuộc vùng Chumar của cao nguyên Ladakh.

Binh lính Ấn Độ cũng đã dựng căn cứ riêng của họ ở gần đó và họ đã nhận được lệnh không được rút lui.

Khi được hỏi về cuộc đối đầu không khoan nhượng hiện nay ở khu vực biên giới tranh chấp với Ấn Độ, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, cách hiểu của hai bên về đường biên giới không giống nhau. “Biên giới giữa hai nước cho đến hiện nay vẫn chưa được vạch ra một cách rõ ràng”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vừa được phát đi. Cơ quan này cũng nói thêm rằng, quân đội Trung Quốc tôn trọng các thỏa thuận mà họ đã ký với phía Ấn Độ.

"Cả hai bên, nếu có vấn đề xảy ra ở khu vực biên giới, có thể tìm kiếm một giải pháp thích hợp thông qua con đường tham vấn và đối thoại", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay.

Ấn Độ đã triển khai khoảng 1.500 quân ở khu vực Chumar trong khi phía Trung Quốc đang dàn 800 binh lính ở đây, một quan chức chính phủ Ấn Độ cho hay.

Cuộc đối đầu mới nhất trên diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc chuyến thăm đến New Delhi hồi tuần trước nhằm “ve vãn” lôi kéo Ấn Độ về phía mình. Trong chuyến công du gây chú ý đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ đầu tư hàng chục tỉ USD cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ấn Độ, binh lính hai bên được cho là đã rút đi.

Tuy nhiên, việc quân đội Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục đối đầu căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp chỉ vài ngày sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đã cho thấy, giữa hai cường quốc hàng đầu Châu Á dường như không thể xóa bỏ bất đồng bất chấp nỗ lực xích lại gần nhau của hai bên.

Tình hình cấp bách, Tham mưu trưởng lục quân Ấn hủy chuyến công du nước ngoài

Tình hình ở biên giới Trung-Ấn được cho là căng thẳng và cấp bách đến mức Tham mưu trưởng lục quân của Ấn Độ - Tướng Dalbir Singh đã buộc phải hủy chuyến công du dự kiến kéo dài 3 ngày đến nước láng giềng Bhutan để ở lại trực tiếp giám sát diễn biến vụ việc và có những chỉ đạo kịp thời, một quan chức chính phủ ở New Delhi cho biết.

Giới tướng lĩnh quân sự của Trung Quốc và Ấn Độ được cho là đã có cuộc họp ở khu vực biên giới trong ngày hôm qua (23/9) để tìm cách giải quyết tình hình. Kể từ khi vụ việc này xảy ra, đã có 3 cuộc họp như vậy diễn ra..

Trước đó, trước thềm chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình đến New Delhi, binh lính Trung Quốc đã bị cáo buộc thực hiện một cuộc xâm nhập vào khu vực lãnh thổ nằm ở biên giới của phía Ấn Độ. Thủ tướng Modi khi đó đã tuyên bố thẳng thừng rằng, New Delhi sẽ áp dụng một lập trường cứng rắn trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực biên giới. New Delhi được cho là sẽ cùng tham gia vào nỗ lực của các nước Châu Á khác như Nhật Bản, Philippines trong việc đẩy lùi tham vọng về lãnh hải, lãnh thổ của Bắc Kinh.

Trung Quốc phải luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để giành chiến thắng trong “một cuộc chiến tranh khu vực” và các lực lượng vũ trang Trung Quốc phải bảo đảm rằng họ tuân theo một cách chặt chẽ các quyết định được đưa ra từ giới lãnh đạo trung ương, tờ Tân Hoa Xã – cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc hôm 22/9 đã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu như vậy với giới lãnh đạo quân sự.

Những phát biểu hùng hồn và cứng rắn trên của ông Tập Cận Bình đã được báo chí Ấn Độ đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Điều đáng chú ý là những phát biểu đó được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố ở thủ đô New Delhi rằng Trung Quốc không phải là một nước hiếu chiến, thích chiến tranh. Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Ẫn Độ Modi đã kêu gọi sớm giải quyết vấn đề biên giới với Trung Quốc. Cả hai bên đã tổ chức 17 vòng đàm phán kể từ đầu những năm 1990 nhưng cho đến nay có rất ít tiến triển đạt được.

Những vụ xâm nhập nhỏ thường xuyên diễn ra ở khu vực Đường Kiểm soát Thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Đây là đường biên giới trên thực tế hiện giờ giữa hai nước và nó kéo dài khoảng 4.00km ở dọc Himalayas. Tuy nhiên, rất hiếm khi có chuyện một trong hai nước dựng trại vào sâu trong vùng lãnh thổ tranh chấp.

"Khi cả hai bên đang tăng cường lực lượng ở khu vực biên giới, điều đó dẫn đến khả năng sẽ có thêm nhiều cuộc đối đầu như hiện nay xảy ra", ông Dipankar Banerjee, Giám đốc viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở New Delhi, nhận định.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ lâu đã bị phủ bóng đen bởi những nghi kỵ, hoài nghi lẫn nhau về cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Himalaya – nơi hai nước từng có một cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Ấn Độ cáo buộc, Trung Quốc đang tăng cường xâm nhập bất hợp pháp vào biên giới của họ. Theo New Delhi, trong hai năm qua, số lần Trung Quốc xâm phạm biên giới Ấn Độ tăng vọt và điều đó chứng tỏ Bắc Kinh đang ngày càng trở nên quyết tâm hơn trong tham vọng lấn chiếm lãnh thổ của Ấn Độ. Cụ thể, số lần Trung Quốc bị tố xâm nhập biên giới của Ấn Độ từ đầu năm đến tháng 8 vừa rồi đã lên tới 334 lần. Trung Quốc tất nhiên luôn bác bỏ cáo buộc trên bởi Bắc Kinh đang đòi chủ quyền một phần lãnh thổ của Ấn Độ ở khu vực biên giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật