Phim Việt: Những cái chết đau đớn ngày ra rạp

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thai nghén, nặng nhọc khai sinh ra “đứa con”, chẳng ai muốn nó chịu cảnh không sống nổi một ngày khi ra rạp. Nhưng tình cảnh những bộ phim điện ảnh bị “hấp hối” khi đến với công chúng không phải là chuyện quá mới.
Phim Việt: Những cái chết đau đớn ngày ra rạp
Sống cùng lịch sử của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

Lãng phí tiền tỉ của Nhà nước là cụm từ nóng rẫy để nói về điện ảnh ở thời điểm này bằng thông tin ba bộ phim tiền tỉ được Nhà nước đầu tư là Sống cùng lịch sử, Đam mêMộ gió không bán nổi vài vé khi ra rạp.

Điện ảnh Việt và nỗi buồn “ngắc ngoải” khi ra rạp

Hấp hối, sống thực vật, cáo chung, đắp chiếu, bỏ vào kho, gian khó hành trình ra rạp… dường như không ít những từ mạnh được đặt cho số phận của những bộ phim Nhà nước đầu tư tiền tỉ trong những ngày phát hành với công chúng. Những bộ phim ấy, gánh trên vai tránh nhiệm tuyên truyền, trách nhiệm lịch sử…. nhưng nó lại không thể tròn vai khi gánh thông điệp đến với người xem khi không sống nổi ở rạp vài suất chiếu.

Nỗi buồn chung ấy, không phải chờ đến sự đánh động lớn của Sống cùng lịch sử, Đam mê hay Mộ gió. Nỗi buồn ấy, nó vương vất từ quá lâu, lây lan sang cả những bộ phim mang danh Nhà nước đầu tư, dù nó có rinh giải cao nhất giải thưởng của Hội, của Cục hay thậm chí tại cả Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội.

Đừng thấy lạ khi những bộ phim Nhà nước luôn được đặt lên bàn so găng với các phim của tư nhân trong hai mùa giải lớn là Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng. Lại càng không nên lạ kỳ khi những bộ phim Nhà nước được xướng tên ở hạng mục cao nhất khiến người nghe ố, á… vì chưa một lần được xem ở rạp. Thậm chí, có phim còn không có khả năng phát hành ra rạp.

Nhưng buồn hơn nữa, những phim sau khi rinh giải lớn, có tiếng vang nức nở trong lòng giới điện ảnh, lại cũng không sống khỏe khoắn ở rạp chiếu.

Khán giả Việt hẳn còn nhớ để đến với Liên hoan phim Oscar, để đảm bảo tiêu chí phim được chiếu thương mại liên tục ít nhất 7 ngày tại thị trường nội địa, phim Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã được khẩn trương cho phát hành cho hội tụ đủ tiêu chuẩn. Trước đó, phim Rừng đen của đạo diễn Vương Đức không đảm bảo điều kiện chiếu thương mại 7 ngày cũng đã không đủ cánh bay tới Oscar 81.

Những bộ phim từng gây được tiếng vang tại các liên hoan phim quốc tế như Tâm hồn mẹ (Đạo diễn Nhuận Giang), Đừng đốt (Đạo diễn-NSND Đặng Nhật Minh) hay Mùi cỏ cháy (Đạo diễn NSƯT Nguyễn Hữu Mười) dù đầu tư cả chục tỷ đồng nhưng chủ yếu chiếu phục vụ sự kiện hoặc miễn phí. Không ít các phim bước ra từ Liên hoan điện ảnh lớn, hầu như chiếu lưu động hoặc phục vụ miễn phí nhân hoạt động kỷ niệm lớn.

Trong khi đó, có không ít bộ phim đã phải nói không với chuyện ra rạp vì quá nhiều lý do dù nó cũng được Nhà nước đầu tư tiền tỉ. Trung úy của đạo diễn Hà Sơn được Hãng phim truyện Việt Nam đầu tư 2,6 tỷ sau khi gọt 40% cản‌ּh nón‌ּg và dán nhãn Cấm khán giả dưới 16 tuổi dù có cơ hội tới Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất nhưng lại nhọc nhằn con đường phát hành thương mại.

Nỗi đau của thiếu và yếu

Phim ra rạp “không kèn, không trống”. Người trong giới còn không hề biết, truyền thông bị bưng bít thông tin và đương nhiên khán giả càng mờ tịt. Ngay cả những cái tên được coi là “lão làng” của điện ảnh Việt đấy, nhưng nó không phải là bảo chứng cho những mệnh danh “đạo diễn triệu đô”, “sát thủ phòng vé”, dàn sao, chân dài…. Thì làm sao có cơ hội vượt qua được tầm hiểu biết của khán giả để dụ dỗ họ bỏ ra dù chỉ 40 nghìn, 50 nghìn vào xem phim.

Thay vì nói về giá trị nghệ thuật, chỉ ngay việc nó không thể đến với khán giả, cũng đã là bài toán đau đầu cho ngay cả những người làm phim để hoàn thành vai trò tuyên truyền chính trị của mình.

Đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp – người được biết tới với thành công của “Đập cánh giữa không trung” nức danh tại Venice bày tỏ “Nhiều đạo diễn giỏi, tác phẩm tốt nhưng phim làm ra không có đời sống về sau. Mọi người sẽ chỉ hăng say miệt mài khi sản xuất, còn khi kết thúc, mọi người đều không còn cảm giác đó. Không phải vì phim tệ, mà vì phim không thể ra rạp, không đối mặt được với số đông phim bom tấn. Người làm phim có số phận rất sến, bị vài lần như thế, họ sẽ xuống tinh thần”

Nói thế không phải để ngụy biện cho sự xếp kho của nhiều phim chính luận, phim đặt hàng của Nhà nước, dù rằng có thực tế nhiều phim làm kém tay hoặc rất dở. Tuy nhiên, đạo diễn chỉ là một mắt xích trong ekip sản xuất bộ phim. Trách nhiệm của họ là sinh ra một “đứa con” đầy đủ hình hài, đúng chuẩn kiểm duyệt. Nhưng còn việc phát hành tới đâu, thì chủ quản của nó là Hãng phim sẽ phải tính toán chuyện “đầu ra” cho đứa con tinh thần này.

Vốn dĩ tự sinh của sản phẩm phim được đầu tư kinh phí đã không mang áp lực của doanh thu phòng vé, của sự đua tranh thị hiếu khán giả. Hơn nữa, nó được đầu tư sản xuất cho một mục đích khác, mang tầm vĩ mô hơn, được lựa chọn từ hàng chục xập kịch bản chờ đợi chữ phê duyệt. Và rằng, kinh phí cho quảng bá của bộ phim luôn là con số ít ỏi, thậm chí, còn gần như không được quan tâm đến. Như tiết lộ của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân – người đang là tâm điểm dư luận khi sản phẩm của anh “Sống cùng lịch sử” không thể bán nổi vài vé thì kinh phí cho phát hành chỉ khoảng 50 triệu đồng. Quá ít ỏi cho chiến dịch truyền thông dài hơi từ khi phim bấm máy, tới tung poster, trailer….

Vậy, thương mại liệu có phải là yếu tố cuối cùng đánh giá thành công của một bộ phim. Không hẳn thế, vì không ít phim của nước ta hiện nay thực hiện sứ mệnh lịch sử là phim tuyên truyền. Cũng không ít phim nghệ thuật đi theo hướng làm phim độc lập cũng không sống khỏe mạnh ở rạp chiếu dù nó vi vu khắp các Liên hoan phim lớn trên thế giới và có sự đầu tư không ít của những Quỹ điện ảnh thế giới. Cho nên, dù có tiếng tăm trong và ngoài nước, dù truyền thông nhiệt liệt ủng hộ… nhưng những Bi ơi, đừng sợ; Chơi vơi; Mùa len trâu… cũng chẳng có sức sống vạm vỡ so với các phim thương mại khi được phát hành.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật