Nhiều người Việt… siêu giàu

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một số tổ chức tài chính quốc tế cho rằng Việt Nam là quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất.
Nhiều người Việt… siêu giàu
Nhiều doanh nhân nổi tiếng từ thị trường chứng khoán Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, sức mua suy yếu, cộng đồng doanh nghiệp (DN) gặp nhiều rủi ro… nhưng số lượng người Việt siêu giàu với tài sản tính bằng triệu USD ngày càng nhiều.

Nổi tiếng từ chứng khoán

Trong một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), số người siêu giàu tại Việt Nam đã tăng 3 lần trong một thập kỷ. Theo đó, cứ khoảng 1 triệu người sẽ có hơn 1 người siêu giàu, dù con số này là bình thường so với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương với Việt Nam. Trước đó, tháng 9-2013, Ngân hàng Thụy Sĩ cũng đưa ra con số hơn 200 người Việt siêu giàu, có tài sản trên 30 triệu USD trở lên. Một số tổ chức tài chính quốc tế khác còn cho rằng Việt Nam là quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất.

Những năm gần đây, nhiều doanh nhân nổi tiếng từ thị trường chứng khoán. Thông qua sàn chứng khoán, giới truyền thông có thể ước tính được giá trị tài sản mà một số người làm chủ đang nắm giữ.

Theo đó, thống kê mới nhất từ Tạp chí tài chính Forbes, tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup (mã cổ phiếu VIC) đã tăng lên 1,7 tỉ USD. Với con số này, vị trí của ông Vượng trên bảng danh sách những người giàu nhất thế giới cũng vươn lên thứ hạng 1.073. Cuối năm 2013, thống kê trên sàn chứng khoán cho thấy ông Vượng vẫn là nhân vật dẫn đầu trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán với tổng giá trị tài sản tính theo số lượng cổ phiếu VIC đạt gần 20.000 tỉ đồng. Tuy vậy, thời điểm cuối năm 2013, giá của VIC đang ở mức trên 70.000 đồng/cổ phiếu, nay đã giảm còn khoảng 54.000 đồng/cổ phiếu, tài sản ông Vượng đã giảm hơn 20%.

Liên quan đến tỉ phú này, còn 2 người đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 5 trên sàn chứng khoán gồm bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng, nắm hơn 49 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 3.239 tỉ đồng) và bà Phạm Thúy Hằng (em bà Hương) nắm giữ 32,77 triệu cổ phiếu VIC, giá trị 2.163 tỉ đồng.

Người đứng thứ 2 trên sàn chứng khoán là ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), nắm giữ khoảng 6.513 tỉ đồng vào cuối năm 2013. Đến thời điểm này, tài sản ông Đức tăng thêm hơn 30% vì cổ phiếu HAG đã tăng từ 18.000 đồng/cổ phiếu lên 24.000 đồng/cổ phiếu…

Trong khi đó, dù đứng ở vị trí top 10 theo thống kê tài sản với giá trị khoảng 1.295 tỉ đồng ở 2 công ty đang niêm yết nhưng thời gian qua, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), nợ ngân hàng hàng ngàn tỉ đồng mà như ông thừa nhận, phải đến năm 2016 mới xử lý hết nợ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi), cho rằng việc thống kê người giàu trên sàn chứng khoán chỉ phỏng đoán bởi có DN nhìn bề nổi là vậy nhưng mắc nợ ngân hàng, cổ phiếu đem cầm cố. Cũng có nhiều người giàu nhưng DN của họ không hề niêm yết, thậm chí DN không đại chúng nên càng khó biết.

Còn TS chuyên gia kinh tế Alan Phan nói: “Khó biết được tổng số tài sản của một người đang nắm giữ khi mà DN của họ không muốn tiết lộ”.

Chưa hẳn là tốt

Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê Đăng Doanh, nhận xét siêu giàu cũng chỉ là một khái niệm có tính chất định hình. Đáng lo là cùng với những đại gia ngày càng giàu lên thì xã hội phân hóa giàu - nghèo càng tăng rõ rệt. “Nông dân, ngư dân giàu lên là điều đáng mừng nhưng những người không làm gì bỗng chốc giàu lên nhờ sốt giá bất động sản hoặc “đánh quả” hay quan chức lương ba cọc ba đồng khi có chuyện thì lộ khối tài sản khổng lồ… mới là điều rất đáng lo ngại” - TS Doanh nói.

Trong câu chuyện của mình, TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, phân tích người giàu và tích lũy tư bản cho sự phát triển là tốt nhưng giàu lên nhờ cái gì thì rất khó đánh giá. Ở góc độ pháp lý, việc các đại gia siêu giàu có hợp pháp hay không là cuộc tranh luận không lời đáp. Nhìn dưới góc độ kinh tế, câu chuyện về người Việt siêu giàu là thông tin đáng mừng. Khi người dân giàu lên, đồng nghĩa với tổng cầu sẽ tăng, tiêu dùng mua sắm nhiều hơn… Tuy nhiên, nếu người giàu không dùng tiền hướng vào sản xuất mà chỉ mua đồ xa xỉ nhập khẩu, mua sắm ở nước ngoài sẽ không có tác động nào đến kinh tế trong nước.

“Người giàu và siêu giàu phải hiểu rằng muốn phát triển bền vững thì cả đất nước phải đi lên, chứ không chỉ một bộ phận người có tiền” - TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Siêu đại gia không giàu trên sàn chứng khoán

Với những đại gia không “có mặt” trên sàn chứng khoán, khối lượng tài sản cũng kếch xù không kém. Khó để thống kê hết khối tài sản khổng lồ từ bất động sản đến du thuyền, siêu xe của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu. Còn nếu tính luôn người gốc Việt có quốc tịch nước ngoài thì ông Hoàng Kiều, Chủ tịch Tập đoàn RASS, trước đây có khối tài sản không thua gì ông Phạm Nhật Vượng. Theo cập nhật ngày 17-9 của Forbes, ông Hoàng Kiều sở hữu 2,8 tỉ USD, là người giàu thứ 627 thế giới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật