Cách giúp mẹ sau sinh nhiều sữa cho con bú

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Con tôi gần 5 tháng, lúc sinh nặng 1,9 kg, nay được 5,7 kg. Tôi ít sữa gần một tháng nay, phải tập cho bé bú bình nhưng con dứt khoát không bú.
Cách giúp mẹ sau sinh nhiều sữa cho con bú
Ảnh minh họa

Tôi theo dõi sức khỏe hằng ngày thì bé vẫn chơi vui vẻ bình thường, chỉ hay khóc đòi bú vì đói. Trước đó gần 2 tuần bé bắt đầu biết hóng hớt vào ban ngày nên mỗi lần bé chỉ bú 5-10 phút rồi ngậm vào nhả ra chơi trong khi sữa mẹ còn căng đầy. Mỗi lần vậy tôi ngừng không cho bé bú nữa nhưng lại không vắt sữa ra. Tình trạng này kéo dài 2 tuần và tự dưng tôi ít sữa dần. Có phải vì tôi cho bé bú nửa chừng và không vắt cạn sữa nên như vậy không?

Tôi đã uống 6 thang thuốc bắc lợi sữa, ăn những món lợi sữa nhưng sữa chưa có nhiều lại như xưa. Những món ăn lợi sữa tôi không ăn kéo dài, mỗi ngày một món thay đổi, như vậy có đúng không thưa bác sĩ? Nhờ bác sĩ chỉ giúp tôi cách có lại sữa nhiều.

Tôi đã phải tập bé ăn bột sữa gạo được một tuần để bé không bị đói vì không đủ sữa mẹ và không chịu bú bình. Một ngày tôi cho bé ăn 3 lần bột (sáng, trưa, chiều) và bú mẹ vào ban ngày. So với độ tháng này của bé ăn bột đến 3 lần một ngày có sao không? Tôi có thể bắt đầu chế biến bột mặn với rau, củ, thịt, trứng... cho bé được chưa? Như vậy có làm bé có bị táo bón không? (Trâm Anh)


Trả lời

Chào bạn,

Rất tiếc là bé nhà bạn đã bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, đến nay nếu là bé trai thì bé vẫn trong tình trạng suy dinh dưỡng, còn bé gái thì chỉ ở mức đe dọa suy dinh dưỡng. Trước đây 2 tuần bạn vẫn có 2 bầu sữa đầy nhưng hiện tại do sai lầm khi cho con bú nên đã làm sữa mẹ ít đi, vì sữa còn tồn trong bầu càng nhiều sẽ ức chế không tiết ra nữa hoặc tiết ít hơn.

Để khắc phục tình trạng này bạn nên tăng cường cho con bú mẹ vì chính động tác mút của bé sẽ kíc‌h thí‌ch tiết sữa, và mỗi lần bé bú cạn bầu sữa thì sữa càng mau về. Bạn chú ý cho bé bú mẹ mỗi lần 20-30 phút, trong khi cho bú, bé có thể vừa ăn vừa chơi là bình thường, nên chọn chỗ vắng người, tốt nhất chỉ có 2 mẹ con để bé chỉ ngoảnh ra ngó nghiêng, thấy không ai chơi hay nói chuyện thì sẽ quay lại bú tiếp. Cho bé bú hết bầu thứ nhất mới chuyển sang bầu thứ hai vì bú như vậy mới tận dụng được hết nguồn sữa béo cuối bầu để bé tăng cân. Trong khi bú nếu bé ngủ bạn không nên rút ti ra, vì bé thường vừa ăn vừa ngủ. Đến khi nào bé bú no, lúc đó bé tự nhả ti mẹ và ngủ ngoan.

Về chế độ ăn của mẹ: Để có thể tăng lượng sữa mẹ, hằng ngày bạn cần ăn đa dạng thực phẩm, ăn tăng hơn so với bình thường để có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng. Khẩu phần ăn cần đủ bốn nhóm thực phẩm: chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ…, chất béo (dầu, mỡ, bơ), chất đường bột (gạo, mì, khoai…), vitamin và khoáng chất (rau xanh và hoa quả tươi). Mỗi ngày bạn uống từ 2,5 đến 3 lít nước bao gồm sữa, nước quả, nước canh, nước lọc..., nên uống trước khi cho con bú và cả sau khi cho con bú. Buổi tối trước khi đi ngủ bạn có thể uống một ly sữa, ban đêm sau khi cho con bú cần uống ngay một ly nước để sữa mau về.

Ngoài ra bạn có thể ăn thêm một số món ăn truyền thống như cháo móng giò, khi ninh bạn cho thêm vài miếng đu đủ xanh vừa mau nhừ xương, vừa có tác dụng lợi sữa. Có thể ăn thêm cháo lạc, cháo hoặc chè vừng đen. Hằng ngày có thể uống thêm cả nước trà vằng cũng có tác dụng kíc‌h thí‌ch tiết nhiều sữa nữa.

Trước mắt nếu sữa mẹ quá ít không đáp ứng đủ, bạn vẫn ưu tiên cho bé bú mẹ trước và bú kiệt hai bầu rồi mà bé vẫn chưa no thì mới cho ăn thêm sữa ngoài, chú ý khi cho ăn thêm bạn nên bón cho bé bằng thìa, không cho bú bình vì bé bú bình dễ bỏ ti mẹ. Bạn có thể bón sữa bằng thìa, đổ sữa cho bé dưới lưỡi hoặc đổ về hai bên má, không nên đổ thẳng vào miệng vì nếu bé khóc dễ bị sặc.

Cần cho bé bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. Không nên cho bé ăn bột quá sớm vì bộ máy tiêu hóa của bé chưa hoàn chỉnh, bé chưa có đủ men tiêu hóa tinh bột sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng đến việc hấp thu các chất dinh dưỡng. Đặc biệt ăn bột sớm sẽ cản trở hấp thu canxi trong sữa, bé dễ nguy cơ còi xương. Mặt khác khi cho bé ăn bột bé sẽ có cảm giác no và không chịu ăn sữa nữa. Chỉ khi bé đủ sáu tháng tuổi mới cho bé ăn bổ sung và vẫn tiếp tục cho con bú mẹ nhé.

Bạn cũng nên cho con đi khám dinh dưỡng sớm để điều trị về tình trạng suy dinh dưỡng nhé.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật