Học sinh vùng khó vẫn mỏi cổ chờ gạo

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trên thực tế, học sinh vùng khó chưa khi nào được nhận tiền hỗ trợ đúng hẹn, thậm chí có những em đã ra trường vẫn chưa nhận được chế độ.
Học sinh vùng khó vẫn mỏi cổ chờ gạo
Học sinh trường THCS Nam Nung, huyện Krông Nô, Đắk Nông thuộc diện được trợ cấp hàng tháng (Ảnh: MD)

Những năm gần đây, nhiều chính sách hỗ trợ học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn của Nhà nước đã giúp cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm bám trường, bám lớp. Tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm. Chất lượng giáo dục vùng cao từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, trên thực tế, ở một số nơi, việc giải quyết  trợ cấp cho học sinh còn chậm.

Năm học mới đã bắt đầu được gần 2 tháng, nhưng đến nay, nhiều học sinh ở huyện vùng cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 74 của Chính phủ.

Theo Nghị định này, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ chi phí học tập 70.000 đồng/một học sinh/ một tháng để mua sách vở, đồ dùng học tập; thời gian hưởng là 9 tháng trong năm học. Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh nơi đây chưa khi nào được nhận tiền hỗ trợ đúng hẹn, thậm chí có những em đã ra trường vẫn chưa nhận được chế độ.

Bà Zơ Râm Bưu ở thôn Pà Sua, huyện Nam Giang cho biết, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, nếu không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các con của bà chắc chắn sẽ không được đi học, vì thế bà mong muốn các khoản hỗ trợ đến kịp thời.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ hỗ trợ chế độ cho học sinh nghèo vùng đặc biệt khó khăn, trong đó cơ bản vẫn là cách thức chi trả và thủ tục hành chính rườm rà. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: Để được hưởng chế độ theo Nghị định 74, học sinh phải có hộ khẩu tại vùng đặc biệt khó khăn, bản sao hộ nghèo. Thế nhưng, ở miền núi Quảng Nam, hiện nhiều xã vùng sâu, vùng xa vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Để có được bản sao theo quy định, phụ huynh phải lội bộ hàng ngày đường để photo, công chứng giấy tờ.

Không riêng khoản hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh vùng cao bị chậm trễ, việc hỗ trợ gạo theo Quyết định 36 của Thủ tướng Chính phủ cũng nảy sinh nhiều bất cập. Theo quyết định này, bắt đầu từ năm học 2013-2014, học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hay địa hình cách trở không thể đi đến trường hoặc trở về trong ngày, sẽ được hỗ trợ 15 kg gạo/ một tháng.

Tuy nhiên, thay vì cấp phát gạo hỗ trợ cho học sinh theo từng tháng, nhiều nơi các em lại phải nhận gộp 2 đợt/1 năm. Nếu cấp phát hết cho học sinh thì khó quản lý, còn nếu để phát từng tháng cho các em theo quy định thì không có nơi dự trữ, bảo quản.

Thầy giáo ATing Tó, Hiệu trưởng trường Tiểu học TàBhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho rằng: “Đối với trường học không có kho chứa gạo, nếu số lượng gạo rất lớn mà cấp về một lúc thì rất khó khăn cho các trường. Nếu như ăn một lúc, học sinh không thể ăn hết cho nên rất khó khăn về việc quản lý”.

Để các chính sách này thực sự phát huy hiệu quả tích cực, các nguồn hỗ trợ của Chính phủ cần đến kịp thời với học sinh vùng đặc biệt khó khăn, tiếp sức cho con em đồng bào dân tộc thiểu số yên tâm bám lớp,bám trường

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật