Nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 17/9, tại hội nghị bên lề về phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12, PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, có nhiều bệnh truyền nhiễm khiến không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang bối rối như dịch Ebola, MERS-Cov…
Nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi
Kiểm tra hệ thống đo thân nhiệt từ xa tại Sân bay quốc tế Nội Bài ngày 1/7/2014. Ảnh: Nhật Linh

Thứ trưởng Long chia sẻ: “Trong các bệnh mới nổi nguy hiểm chúng ta đặc biệt lưu ý đến MERS-Cov, Ebola, nhất là virus cúm A/H7N9 trong mùa đông xuân tới”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho biết, nhiều nước ASEAN như Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, điều kiện tự nhiên thích hợp cho các bệnh truyền nhiễm đe dọa. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn đang xảy ra đối với nhiều quốc gia trong khu vực như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, sốt rét kháng thuốc…

Các quốc gia ASEAN vẫn đang tiểm ẩn nhiều nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm từ các khu vực khác như: Hội chứng viêm đường hô hấp Trung Đông do virus Corona MER-CoV, Ebola, HIV/AIDS, cúm A/H7N9, bại liệt….

Các bệnh truyền nhiễm mới nổi đang tiếp tục đe dọa sự phát triển bền vững, gây trở ngại cho phát triển kinh tế, đồng thời cũng tạo áp lực cho hệ thống y tế của các nước thành viên ASEAN và đe dọa an ninh y tế toàn cầu nói chung. Việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm mới nổi này là thách thức rất lớn.

Nhiều bệnh không chỉ Việt Nam mà nhiều nước cũng đang bối rối như bệnh Ebola, nhưng khả năng về chẩn đoán không phải tất cả các nước đều chẩn đoán được. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới chỉ cho 9 labo trên toàn cầu có thể khẳng định được ca nhiễm Ebola.

TS Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương (WHO) khẳng định, Việt Nam là nước một nước điển hình trong kế hoạch ứng phó và tăng cường các bài học ứng phó của các nước khác trong phòng chống dịch bệnh. Ông nhấn mạnh: “Hôm nay các nước có thể học từ bài học của Việt Nam để đạt mục tiêu quốc tế là an ninh sức khỏe”.

Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, nguy cơ của ca bệnh Ebola đầu tiên đến Việt Nam là thấp vì khoảng cách xa và sự lây truyền qua đường hàng không là thấp…

Theo các chuyên gia truyền nhiễm quốc tế, bệnh có thể lây truyền từ người sang người thông qua máu, dịch tiết của c‌ơ th‌ể.

Đặc điểm của bệnh là lây lan nhanh, rộng, hiện đã có trên 4.000 ca mắc và trên 2.000 ca chết đã được báo cáo với WHO.

Số lượng thực tế còn cao hơn và sẽ tăng lên nữa. Số lượng các ca bệnh chiếm 47% trong 2 tháng qua, tức là tăng rất nhanh và sẽ tiếp tục gia tăng. Đại diện của WHO cho rằng Ebola là khác biệt vì mức độ dịch lớn nhất từ trước tới nay và không thể dự báo được, nhân viên y tế có nguy cơ mắc cao nhất.

WHO đã có các cuộc họp về vấn đề này và đưa ra lộ trình: chấm dứt dịch bệnh Ebola trong 6-9 tháng và ngăn chặn lan sang các quốc gia khác. Áp dụng tình trạng khẩn cấp; chuẩn bị sẵn sàng ở các nước.

Một bệnh đáng ngại nữa là virus MERS-Cov có thể lây qua giao lưu đi lại giữa các nước. Việc ngăn chặn sự lây nhiễm qua con đường này là hết sức khó khăn. Trường hợp ở Malaysia nhiễm virus này là đi hành hương về và bị lây nhiễm.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Trong một vài thập kỷ gần đây có xuất hiện một số căn bệnh truyền nhiễm mới nổi. Như năm 2003 cả thế giới đều đối phó với căn bệnh hết sức nguy hiểm là SARS, sau này là H5N1, MERS-Cov, H7N9 của Trung Quốc, Ebola. Chúng tôi có cảm nhận là tần suất xuất hiện của dịch bệnh nguy hiểm mới nổi có vẻ gần hơn và nhiều hơn trong vài thập kỷ gần đây. Tất nhiên đây chỉ là quan sát trên thực tiễn, có thể trước đây có những bệnh chúng ta không rõ căn nguyên, ngày ngay nhờ khoa học ta phát hiện ra căn nguyên của những bệnh truyền nhiễm đó”.

Phát biểu tại hội nghị, trưởng đại diện Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam cho biết, 75% bệnh mới nổi từ động vật lây sang người như bệnh cúm do đó cần nỗ lực ưu tiên phòng chống.

Ngoài ra kháng kháng sinh cũng là vấn đề khó trong dự phòng bệnh, ảnh hưởng đến hệ thống y tế toàn thế giới vì tốn kém 20 tỷ USD để xử lý. Để phòng bệnh hiệu quả, đại diện CDC cho rằng cần tiêm chủng, phòng chống nhiễm khuẩn, phát hiện sớm nguồn lây bệnh và xử lý.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật