Từ chuyện Hào Anh đến bé 4 tuổi bị đánh đập và kẻ tốt... ‘vô tâm’

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đôi khi những hành động ủng hộ tiền cho các bé gặp hoàn cảnh khó khăn bằng cách thương hại chứ không phải tình thương thật sự sẽ gây nên những cái giá đáng tiếc sau này.
Từ chuyện Hào Anh đến bé 4 tuổi bị đánh đập và kẻ tốt... ‘vô tâm’
Hào Anh trở thành người ăn chơi vô độ và bất hiếu với bố mẹ

Qua sự việc ủng hộ tiền cho Hào Anh (một đứa bé từng bị chủ hành hạ đánh đập dã man như thời trung cổ) để rồi khi có tiền Hào Anh ăn chơi vô độ và thậm chí đuổi mẹ ra khỏi nhà và mới đây là câu chuyện bé 4 tuổi Đỗ Thị Kim Ngân bị bố mẹ đánh đập đến chấn thương sọ não lan truyền trên báo chí khiến nhiều nhà hảo tâm đến ủng hộ tiền bạc đã khiến cho một cư dân mạng đưa ra những quan điểm của mình về những hành động này. Nội dung cư dân mạng này muốn truyền tải là phải chăng việc ủng hộ tiền này có thể gây ra những hành động tiêu cực cho các bé sau này. Có tiền Hào Anh trở thành một người ăn chơi, đứa con bất hiếu, được ủng hộ tiền bà Ngoại bé Ngân lên nhận cháu và cái kết của bé Ngân sau này sẽ ra sao? Việc ’cho cá nhưng không cho cần câu’, cho tiền bằng sự thương hại chứ không bằng tình yêu thật sự với các bé có hoàn cảnh khó khăn thì sẽ gây ra kết quả ngược lại.

Nội dung đầy đủ của cư dân mạng muốn truyền tải:

KẺ TỐT... VÔ TÂM!

Khi “phong trào” quyên góp ủng hộ cô bé 4 tuổi Kim Ngân bị B.H đang rộ lên, thật khó để viết những dòng này, bởi tôi biết mình sẽ nhận được vô số “gạch đá”. Nhưng có phải chăng, chúng ta đang “vung vãi” lòng tốt của mình một cách vô tâm và vô tình tạo nên những bi kịch cho chính những người mà chúng ta muốn cứu giúp? Khi mà bài học về cậu bé khốn khổ Hào Anh vẫn còn nóng hổi?

Đầu tiên, tôi muốn nói rằng việc gom góp ủng hộ những hoàn cảnh đáng thương trong xã hội là một việc nên làm. Nhưng liệu cách làm của chúng ta đã luôn đúng? Và những hành động thiện tâm của chúng ta liệu có luôn mang tới một kết quả tốt đẹp? Từ câu chuyện của Hào Anh và câu chuyện của bé Kim Ngân mới đây, tôi cho rằng câu trả lời là “không” và một phần lỗi trong câu chuyện này, nằm ở những kẻ tốt... vô tâm.

Khi chuyện về “những hành động hư hỏng, mất dạy” của Hào Anh bắt đầu tràn lan trên báo, anh bạn bác sĩ tâm lý của tôi nói rằng anh không hề ngạc nhiên. “Hành động hiện tại của Hào Anh là sản phẩm của chính những người đã giúp đỡ cậu bé. Họ cho rằng một đống tiền quyên góp của mình sẽ giúp cậu sống tốt hơn, điều đó phần nào đúng nhưng không đủ. Cái Hào Anh cần nhất là những sự trợ giúp về tâm lý, chứ không phải là tiền bạc.”

Nói nôm na như ngành y mà tôi từng học, chúng ta chỉ mới “cắt ngọn” chứ không “trừ tận gốc” cho nên bệnh sẽ luôn tái phát mỗi khi có cơ hội. Ở trường hợp của Hào Anh, những sang chấn tâm lý mà em đã gặp phải cách đây 4 năm chỉ có thể được chữa tận gốc bằng những sự chỉ bảo và yêu thương, không phải bằng sự thương hại (dẫn đến chiều chuộng) và xoa dịu bằng một đống tiền. (Chưa kể sự chiều chuộng và số tiền lớn “bỗng nhiên” có được đó còn góp phần làm Hào Anh hư hỏng.)

Trở lại với câu chuyện của bé Kim Ngân, khi trường hợp T.Tâm của bé được báo chí đưa tin. Đã có hàng trăm diễn đàn, hàng ngàn lời kêu gọi giúp đỡ dành cho bé. Điều đó tốt thôi, nếu người ta không tìm cách (và dường như chỉ chăm chăm)... quyên góp tiền cho bé. bi kịch (có lẽ) bắt đầu từ đây...

Hình ảnh cô bé 4 tuổi cầm trong tay những đồng tiền của các nhà hảo tâm không hiểu sao khiến cho tôi cảm thấy lo lắng, bất an và ngao ngán. Điều mà một cô bé 4 tuổi bị cha mẹ B.H cần nhất lúc này có phải chăng là tiền? Hay những đồng tiền của các nhà hảo tâm sẽ đẩy bé vào một bi kịch khác? Câu trả lời đó có lẽ không ai dám chắc, chỉ biết rằng ngay lúc này bà ngoại của bé đã xuất hiện, đòi giữ tiền ủng hộ và giành quyền nuôi bé với chị Nhàn – người đã cứu và tỏ ý nhận bé làm con nuôi, từ khi bé chưa nhận được sự chú ý của xã hội và giới truyền thông.

Bé Ngân nhận được tiền ủng hộ của mọi người

Tôi chẳng dám nói rằng bà ngoại bé Kim Ngân có ý đồ đen tối với số tiền quyên góp mà bé Kim Ngân sẽ được nhận. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến câu chuyện của Hào Anh và phần nào là câu chuyện của “thần đồng điện ảnh” một thời của Mỹ, Macaulay Culkin – người tưởng như có một tương lai sáng lạn với gia tài bạc tỷ khi hãy còn là một đứa trẻ. Nhưng những tranh giành trong việc quản lý tiền bạc của cậu đã làm tan vỡ gia đình và gián tiếp khiến Macaulay sa ngã khi lớn lên. Sẽ là quá khập khiễng khi so sánh Kim Ngân với Macaulay Culkin bởi hoàn cảnh của cả hai không giống nhau. Nhưng có ai dám chắc sự tranh chấp của người lớn trong việc quản lý tiền bạc của con trẻ, hay những số tiền khổng lồ “bỗng nhiên có được”... sẽ không đẩy những đứa trẻ rơi vào vòng bi kịch?

Chúng ta chứng kiến một mảnh đời bi thương và chúng ta trong vô thức muốn đưa ra một hành động cứu giúp, đó là một hành động đúng. Nhưng chúng ta không nên biến mình thành những “kẻ tốt... vô tâm”. Đừng đưa ra một hành động tốt chỉ vì muốn chứng tỏ với lương tâm của mình rằng ta đã không vô tâm trước nghịch cảnh, vì muốn xoa dịu chính bản thân mình rằng ta đã làm một việc tốt mà không màng tới việc hành động tốt của ta sẽ dẫn tới hậu quả gì. Bởi một hành động tốt đưa đến một kết quả tồi có lẽ cũng không khác một hành động tồi là bao.

“Đừng cho con cá, hãy cho một chiếc cần câu” có lẽ cũng chính là vậy. “Của cho không bằng cách cho”, nếu chúng ta không đưa ra một sự giúp đỡ đúng, đôi khi chúng ta còn góp phần đẩy nạn nhân đi sâu thêm vào bi kịch. Đó là điều mà tôi muốn nói...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật