Quà của cha

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau năm năm đi du học trở về, bước vào tuổi gần ba mươi, tôi nghiễm nhiên thành …người lớn tự bao giờ. Và đã thành người lớn thì ít được nhận quà, nhất là quà của cha. Nhưng hôm nay, tôi nhận được một món quà vô giá.
Quà của cha
Ảnh minh họa

Vị ngọt quê hương.

Sau khi về nước, ba bốn năm nay vào làm cho một tập đoàn lớn khá bận bịu, khẩn trương nên hầu như không mấy khi tôi nghĩ đến đề tài về quê xứ ngoài miền Bắc, kể cả có lúc về Hà Nội công tác, chỉ cách nhà chừng hơn trăm km. Chương trình công tác thường rất chặt chẽ.

Đầu mùa thu, theo kế hoạch từ vài tháng trước, Tập đoàn sẽ cho anh em đi du lịch bên Đông Âu nửa tháng. Đùng một cái, hai trong bốn nước có trong lộ trình du lịch lại xảy ra chiến tranh nên đến ngày đi phải hoãn lại, đổi sang hướng khác.

Có dăm ngày nghỉ chờ, cha tôi gợi ý hai cha con về quê vài ngày, tôi đồng ý.

Khi đồng ý, tôi cũng hơi…gượng gạo chứ trong tâm trí của tôi hình ảnh quê chỉ còn rất lờ mờ, lần về quê gần nhất cách nay cả hơn chục năm rồi, chỉ còn đó hình ảnh vài đứa bạn học chung đã lấy chồng, nghèo nghèo, khổ khổ.

Thật bất ngờ, quê tôi là một vùng tuy còn nghèo nhưng đổi thay rất nhiều. Cảm giác được ăn ngon, có những giấc ngủ sâu, những buổi đi chùa xem lễ, những lúc say sưa chụp những khuôn hình quê rất tự nhiên, nhiều tấm đẹp mê hồn …

Tôi cảm thấy đây chính là chuyến du lịch nhiều ý nghĩa, có thể thay thế chuyến du lịch bị lỡ rất thỏa đáng, tôi thấy việc thoát ra khỏi cái thành phố ồn ã của “nền văn minh bốn mét” về đây thật ngọt ngào, êm đẹp.

Tôi cảm ơn cha tôi đã dành cho tôi chuyến đi này.

Món quà thiêng liêng.

Trong một lần tiếp xúc với một cụ bà rất già nhưng minh mẫn, dễ thân, cụ cứ nắn tay, xoa đầu âu yếm tôi như đứa con trẻ. Cụ kể sức khỏe cụ có được như ngày hôm nay là nhờ tôi đấy!.

Tôi hơi ngạc nhiên thì nhà có khách, chuyển qua chuyện khác.

Đến một chỗ khác, bà y tá già kể chuyện ngày xưa đỡ đẻ cho tôi, bà mướt mồ hôi hột khi trạm xá nghèo, điện chưa có mà mẹ tôi lại đẻ ngược. Bà phải cho chồng đạp xe về đón cụ thầy dạy nghề cho bà cách đó hai xã tới giúp, và hai người mất gần ba giờ mỡi đỡ thành công. Cụ cũng cảm ơn tôi về món quà tôi gửi tặng và khen tôi hiếu hạnh, giỏi giang.

Cứ như thế, đến với mỗi nhà là một câu chuyện thú vị. Nhưng có hai điểm chung rất đáng lưu ý.

Một là trước khi đi vào Nam nhà tôi nghèo lắm, cha mẹ lại đẻ tới bốn đứa con, nếu không có vùng quê này, tình người này có lẽ cha mẹ tôi khó mà vượt qua được.

Còn cái thứ hai, khiến tôi rất ngạc nhiên là chuyện ai cũng cảm ơn tôi về những món quà do …tôi tặng, khi thì mảnh lụa đẹp may tấm áo mà người được tặng vẫn giữ đó nâng niu, quý trọng, khi thì vài con sâm dưỡng già, chỗ thì hộp thuốc bổ mà người được tặng còn giữ nguyên cái hộp.

Những câu chuyện cho thấy họ được…tôi tặng khi tôi ở Nhật Bản về nước sau năm năm du học.

Họ quý tôi vô cùng, họ thường lấy tên tôi để làm gương cho con cháu họ.

Tôi ậm ừ, ngạc nhiên và tối đến tôi hỏi cha tôi về chuyện này.

Nghe tôi hỏi, cha tôi trả lời, giọng trầm hẳn xuống.

- Con ạ, người quê mình nặng tình nặng nghĩa lắm.

Khi cha mẹ ra đi là rất nghèo. Các ông bà, bạn hữu luôn lo lắng cho nhà mình…chết đói, khốn khó ở đất khách quê người.

Khi con về nước, trúng dịp cha về quê, cha đã dành ba tháng lương hưu mua những món quà ấy để tặng bà con thân thích, nhất là những chỗ nhà ta mang ơn. Cái chính là để bà con ở quê yên tâm về nhà ta và mừng cho nhà ta có đứa con đã phương trưởng.

-Sao ba không hỏi con để con lo liệu?.

-Cha thấy khi ấy, trong va li lớn của con nguyên có mớ quà cho tụi trẻ nít, toàn những con thú nhỏ, socola, đồ chơi công nghệ…những thứ đó không phù hợp với người nhận.

Trong túi cha khi ấy còn hơn chục triệu lương hưu, cha mua hai chục phần quà vẫn chưa hết mà…

Tôi gục đầu vào vai cha khóc khe khẽ.

Tôi hạnh phúc vô cùng vì có cha!.

Cha là món quà lớn nhất mà Thượng đế dành cho tôi!.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật