Nơi đảo xa, chúng tôi mang hai sứ mệnh...

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những ngày đất nước đang rộn ràng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cảm xúc như ùa về khi tôi được biết các bác sĩ quân y trên quần đảo Trường Sa vừa mới thực hiện thành công một ca mổ viêm ruột thừa nguy hiểm
Nơi đảo xa, chúng tôi mang hai sứ mệnh...
Cơ số thuốc trên các điểm đảo luôn được chuẩn bị sẵn sàng để cứu chữa cho chiến sĩ và ngư dân.

Trong những ngày đất nước đang rộn ràng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cảm xúc như ùa về khi tôi được biết các bác sĩ quân y trên quần đảo Trường Sa vừa mới thực hiện thành công một ca mổ viêm ruột thừa nguy hiểm, giành lại sự sống cho một ngư dân. Những kỷ niệm, ấn tượng về hình ảnh người bác sĩ quân y trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa vài tháng trước lại hiện hữu. Ðược gặp các anh, nghe các anh kể chuyện chữa bệnh ở Trường Sa mới cảm nhận, thấu hiểu và tự hào về những người thực hiện một nhiệm vụ nhưng mang hai sứ mệnh cao cả.

Bác sĩ tại đảo Trường Sa Lớn băng bó vết thương cho chiến sĩ.

Trở thành bác sĩ “đa khoa” nhờ kinh nghiệm

Giữa biển khơi xanh thẳm, bốn bề sóng gió, cuộc sống của quân dân trên quần đảo Trường Sa diễn ra bình yên và tươi đẹp. Hiện nay, tại tất cả các đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa đều có các y, bác sĩ làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho chiến sĩ và ngư dân. Tuy nhiên, chỉ có các đảo nổi như: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Trường Sa Đông, Phan Vinh, An Bang... thì mới có bệnh xá với những dãy nhà khoảng 2 - 3 phòng. Mỗi bệnh xá thường có từ 2 - 4 bác sĩ, đặc biệt khi ra công tác ở Trường Sa, các bác sĩ tại các điểm đảo đều trở thành bác sĩ “đa khoa”. Khi được hỏi tại sao lại nói là “đa khoa”, Đại úy, BS. Nguyễn Duy Ngọc (công tác ở bệnh viện Quân y khu 7) cười tươi cho chúng tôi biết: Chúng tôi phải khám và điều trị tất cả các bệnh từ thông thường đến phức tạp như đau xương khớp, huyết áp, tim mạch và kể cả trực tiếp cầm dao mổ... Chỉ mới đây thôi, vào sáng ngày 23/8, các y bác sĩ trên đảo Trường Sa Lớn phối hợp với đội ngũ bác sĩ của bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) thực hiện thành công ca mổ ruột thừa trực tuyến cho một bệnh nhân sau 40 giờ bị viêm, ruột thừa bị tràn dịch và hoại tử phần thân. bệnh nhân được phẫu thuật, cứu sống kịp thời là ông Trương Văn Liêm (51 tuổi, ngụ tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là ngư dân đánh bắt trên tàu cá BĐ - 96587TS. Trước đó, khoảng 8 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh xá đảo Trường Sa Lớn tiếp nhận ngư dân Liêm trong tình trạng đuối sức kèm triệu chứng quặn đau ổ bụng. Nhận thấy tình trạng bệnh của ông Liêm phức tạp, các y bác sĩ của bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cấp báo nhờ hỗ trợ của bệnh viện Quân y 175. Qua triển khai cầu hình ảnh trực tuyến bằng hệ thống Telemedicine kết nối với đảo Trường Sa Lớn, các bác sĩ bệnh viện Quân y 175 chẩn đoán, xác định ông Liêm bị viêm ruột thừa giờ thứ 40, triệu chứng lâm sàng không rõ ràng. Dưới sự theo dõi và hướng dẫn chi tiết của các bác sĩ bệnh viện Quân y 175, êkíp mổ tại bệnh xá đảo Trường Sa Lớn do BS. Huỳnh Thanh Bình và BS. Quách Văn Vĩ đã thực hiện thành công ca mổ trong 1 giờ. Được biết, từ đầu năm đến nay, bệnh xá đảo Trường Sa Lớn đã tiếp nhận và mổ thành công 5 ca viêm ruột thừa, trong đó có 3 ca mổ cho ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt trên biển.

Đại úy, BS. Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, mặc dù anh em quân y trong bệnh xá đều là những người đã được đào tạo trong bệnh viện, nhưng khi mới ra đảo, thấy điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, anh em chúng tôi cũng lo lắm. Nhưng rồi chúng tôi cũng quen dần, vừa khám vừa trao đổi, rút kinh nghiệm và quan trọng nhất phải nỗ lực vì sức khỏe quân, dân và ngư dân.

Trong hơn 1 năm làm nhiệm vụ trên đảo, BS. Ngọc cùng đồng đội đã cứu chữa cho nhiều bệnh nhân và mỗi ca là một câu chuyện đáng nhớ. Không thể quên ca chữa bệnh đầy sóng gió cho anh Phạm Tiến (46 tuổi, ngư dân ở Quảng Ngãi), BS. Ngọc kể, lần đó, khi đang câu cá ngừ đại dương cách đảo Trường Sa Đông 60 hải lý, khi đang thả câu thì cần câu bị gãy, anh Tiến bị cần móc đập vào làm gãy vai phải. Hôm đó, thời tiết trên biển rất xấu, mưa to, sóng đánh lớn, tàu cấp cứu đến đảo nhưng mất nhiều giờ mà xuồng chở anh Tiến cứ trôi xung quanh, không thể vào được trong đảo. Toàn bộ anh em, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông được huy động ra ngoài, tìm mọi cách đưa bệnh nhân vào bờ. Sau gần 3 tiếng đồng hồ, cuối cùng, các chiến sĩ cũng đưa được bệnh nhân vào đảo. Lúc vào đến bệnh xá, bệnh nhân trong tình trạng sốc, mất máu nhiều. BS. Ngọc và các anh em trong bệnh xá triển khai cấp cứu, chống sốc, tiêm kháng sinh, ngừa uốn ván, đến khi bệnh nhân tỉnh lại mới tiến hành chữa trị, phẫu thuật xương cánh tay phải, cắt lọc và cố định lại chỗ xương bị gãy.

Chia sẻ kinh nghiệm khám chữa bệnh của mình, BS. Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trong điều kiện trang thiết bị thiếu thốn, không có máy siêu âm, máy xét nghiệm..., việc khám chữa cho bệnh nhân quan trọng nhất là dựa vào đôi tay, kinh nghiệm lâm sàng và chẩn đoán của bác sĩ. Mỗi bệnh nhân bị bệnh khác nhau, triệu chứng bệnh cũng khác nhau, không ca nào giống ca nào nên trong quá trình cứu chữa, anh em trong bệnh xá phải khám xét kỹ lưỡng và dựa vào những điều mắt thấy, tai nghe để tư duy và chẩn đoán bệnh.

Ðiểm tựa nơi đầu sóng

Nhớ lại điểm đầu tiên của hành trình đến với Trường Sa của chúng tôi là đảo Trường Sa Lớn, băng qua những con đường bê-tông và bám theo những lối rẽ, đan cắt nhau như phố phường, các khu bưu điện, bệnh xá, nhà văn hóa, trụ sở UBND thị trấn Trường Sa lần lượt hiện ra với diện mạo tươi mới, quy củ. Công tác tại một tờ báo của ngành y nên tôi tìm ngay đến bệnh xá trên đảo để thăm hỏi các y bác sĩ, tìm hiểu, trò chuyện và mong thu thập được thật nhiều tư liệu, những câu chuyện hay để phục vụ cho bài viết. Vừa đặt chân vào bệnh xá của đảo cũng là lúc các y bác sĩ đang sơ cứu cho một chiến sĩ bị thương ở gót chân. Những cử chỉ, hỏi thăm ân cần, thao tác dứt khoát, người bác sĩ trẻ đã nhanh chóng cầm máu, sát trùng và băng bó vết thương khá sâu cho người chiến sĩ trẻ không may bị thương. Đại úy, BS. Huỳnh Thanh Bình - Trưởng bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cho biết, bệnh xá nằm xa đất liền nên gặp khó khăn cả về con người lẫn thiết bị y tế. Tuy nhiên, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo cũng như ngư dân đánh bắt xa bờ, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên của bệnh xá đã tích cực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đến nay, bệnh xá Trường Sa đã tổ chức khám bệnh định kỳ 1 tháng/lần cho người dân trên đảo, trẻ em cũng được chăm sóc sức khỏe học đường đầy đủ. BS. Bình cho biết thêm, những năm qua, bệnh xá Trường Sa đã được Nhà nước, Bộ Y tế quan tâm đầu tư nên cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị đã được cải thiện rõ rệt, trong đó có hệ thống bảo quản vaccin, hệ thống Telemedicine, kết nối trực tuyến để các bệnh viện trong đất liền hỗ trợ bệnh xá ở đảo hội chẩn trong những trường hợp ca bệnh phức tạp. Nhờ đó, bệnh xá Trường Sa đã thực hiện thành công ca mổ đẻ thông qua hệ thống Telemedicine. Ngoài ra, hệ thống chụp Xquang di động cũng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, trước đây, những trường hợp gãy xương chủ yếu là khám lâm sàng nhưng nay thông qua chụp Xquang đã chẩn đoán chính xác hơn, xử lý thuận lợi hơn. Đặc biệt, Trường Sa Lớn là đảo trung tâm của quần đảo Trường Sa nên ngư dân đánh bắt xa bờ cũng thường xuyên đến đây thăm khám, chữa trị khi có vấn đề sức khỏe hay bị tai nạn trên biển.

Tiến hành phẫu thuật cho một ngư dân qua hệ thống Telemedicine.

Tình cảm mang ra, niềm tin mang về

Có đi Trường Sa mới thấy, có đến Trường Sa mới hiểu sự hùng vĩ của thiên nhiên, sự bao la của biển cả và hơn tất thảy là tinh thần chiến đấu và ý chí kiên cường của các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ chủ quyền, biển đảo Việt Nam. Cảm xúc dường như vẫn còn nguyên vẹn, TS. BS. Nguyễn Xuân Trường - Chánh Văn phòng Bộ Y tế chia sẻ, ra thăm Trường Sa, ấn tượng nhất đối với chúng tôi là giữa xa xôi nghìn trùng, xung quanh chỉ có trời, biển và sự xâ‌m lấ‌n của kẻ thù, song những cán bộ sĩ quan, chiến sĩ luôn lạc quan, ý chí vững vàng và sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh súng đạn, khí tài chiến đấu, người chiến sĩ trên đảo vẫn được thường xuyên theo dõi tin tức qua đài, vô tuyến, vẫn có tiếng đàn ghi ta, sáo trúc vang lên trong những buổi sinh hoạt văn nghệ, đặc biệt là những vườn rau thanh niên xanh mướt, những chuồng chăn nuôi lợn, chó, gà..., những thiết bị đánh bắt cá để bổ sung, cải thiện các bữa ăn và tăng cường sức chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. Là những cán bộ y tế, chúng tôi đã tới thăm và kiểm tra công tác đảm bảo sức khỏe sẵn sàng chiến đấu của chiến sĩ và nhân dân trên đảo Trường Sa. Tại tất cả các điểm đảo, nhà giàn, các phương án đảm bảo y tế phục vụ luôn được đảm bảo cho việc khám chữa bệnh chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo và ngư dân đang ngày đêm bám biển đánh bắt cá trên các ngư trường trên quần đảo.

Kỷ niệm chuyến đi Trường Sa thì như mới chỉ ngày hôm qua với những ngày ăn, ngủ trên sóng, trên các điểm đảo quả thật là một sự trải nghiệm vô cùng quý giá, xin chọn hình ảnh những gương mặt trẻ thơ, hồn nhiên đến lớp, ê a đánh vần trong tình yêu thương của thầy cô giáo và chăm sóc sức khỏe của các y bác sĩ trên các đảo làm cái kết cho bài viết. Từ Trường Sa đầy nắng và gió, từ mảnh đất khô cằn, khắc nghiệt, những đứa trẻ đáng yêu kia sẽ là những mầm xanh tiếp tục đâm chồi, nảy lộc, vươn cao khẳng định sức sống nơi đảo xa...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật