Đêm diễn đặc sắc “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau hai đêm diễn trời mưa tầm tã, tối qua (30/8), khán giả đã có thể đến rạp một cách thoải mái. Trời đã không còn mưa, hay “trời đã chiều lòng người”? Khán giả đến với rạp đông hơn, không khí cũng sôi nổi, hào hứng hơn.
Đêm diễn đặc sắc “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
Ở trên Trời, Nam Tào - Bắc Đẩu ngày ngày giở sổ, làm nhiệm vụ quyết định sự sống - cái chết của con người dưới trần gian.

Đêm diễn thứ 3 trong loạt 5 đêm diễn kịch Lưu Quang Vũ đã tiếp tục diễn ra thành công tốt đẹp với vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Đây là một câu chuyện dân gian đã quen thuộc đối với người dân Việt Nam, tuy vậy, qua sự thể hiện của các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam, vở diễn đã được thể hiện sinh động, hấp dẫn, gây được những tiếng cười hài hước, những xúc cảm, hưng phấn mới trong khán giả.

Cho đến nay, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” vẫn là vở kịch hiện đại hiếm hoi của Việt Nam từng tiếp cận với sân khấu quốc tế.

Vở diễn từng giành được huy chương vàng tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1990 và là vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam được mang ra nước ngoài công diễn. Các nhà nghiên cứu sân khấu quốc tế từng đánh giá rất cao giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của vở diễn.

“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết vào năm 1983, dựa theo truyện cổ dân gian cùng tên, vở diễn mang trong mình những ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Ông đã viết thêm cái kết cho vở kịch của mình, để nó trở thành một vở bi kịch. Vở kịch của ông mang đến một thông điệp: Mọi thứ nên tuân theo quy luật của tự nhiên, mọi sự kháng cự với quy luật đều trở nên kệch cỡm.

Ngoài ra, trong vở “Hồn Trương Ba, da Hàng thịt”, từ một truyện cổ dân gian, Lưu Quang Vũ cũng muốn nói đến công cuộc đổi mới của nước nhà (hồi thập niên 1980), NSND - đạo diễn Phạm Thị Thành, người đầu tiên dàn dựng kịch Lưu Quang Vũ và cũng là người dựng kịch của ông nhiều nhất, đã từng chia sẻ thông điệp mà Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm trong vở kịch này.

Đó là, đổi mới thể chế của một nhà nước phải đi đôi với cơ chế thực tế của xã hội hàng ngày; không thể chỉ nói suông mà phải có cơ chế đi cùng thì mới song song tiến lên được.

Hình ảnh đêm diễn “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” diễn ra tối ngày 30/8 tại Cung Hữu nghị Việt Xô:

Cuộc sống của Nam Tào - Bắc Đẩu chẳng thú vị gì, “ở dưới trần gian, có việc gì, người ta còn biết kêu Trời”, còn như họ đã ở trên Trời rồi, có việc gì thì “còn biết kêu ai”. Đế Thích - tiên cờ của nhà Trời - cũng chung cảnh buồn chán khi đã cả 3 vạn năm, chẳng có ai trên nhà Trời đấu cờ với ông nữa.

 

Dưới hạ giới, có ông Trương Ba vốn nổi tiếng chơi cờ hay, ông có một cuộc sống tuy nghèo khó, vất vả, nhưng vui vẻ, hạnh phúc bên vợ con lúc tuổi già.

 

Một ngày nọ khi Trương Ba đang chơi cờ với người bạn già thì có một ông lão ăn mày vào giải nước cờ mà Trương Ba đã tưởng là có thể dồn người bạn vào thế bí.

 

Nước cờ thần tiên đó khiến Trương Ba biết rằng lão ăn mày hẳn không phải người thường, thì ra, đó chính là Đế Thích - tiên cờ của nhà Trời. Đế Thích ưu ái tặng Trương Ba một thẻ hương quý, chỉ cần thắp hương lên, ông có thể gặp Đế Thích bất cứ khi nào gặp chuyện chẳng lành.

 


Không ngờ, ở trên Trời, Nam Tào - Bắc Đẩu đã gạch nhầm tên Trương Ba khiến ông sớm ra đi đột ngột ngay sau khi gặp Đế Thích.

 


Vợ con, làng xóm bàng hoàng trước sự ra đi quá chóng vánh của ông Trương Ba - một con người nhân hậu, đáng kính.

 

Một hôm, vợ Trương Ba vô tình thắp nén hương quý mà Đế Thích từng tặng ngày trước lên ban thờ chồng, bà ngỡ ngàng khi thấy “vụt một cái, đã lên đến nhà Trời”. Bà gặp được Nam Tào - Bắc Đẩu, và định… xử tội hai ông.

 


Đế Thích ra can ngăn và bày cách để giúp Trương Ba sống lại, thế là chuyện “hồn Trương Ba, da hàng thịt” bắt đầu.

 


Cũng ở gần nhà Trương Ba, có anh hàng thịt vừa mới qua đời.

 


Hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt để được tiếp tục sống.

 


Đứng trước hình dạng mới, Trương Ba không khỏi bàng hoàng, đau đớn.

 


Trở về sống với vợ con trong nhân dạng mới, Trương Ba khiến người nhà cảm thấy xa lạ, tình cảm khó được như xưa.

 

Lại thêm cảnh vợ anh hàng thịt tranh chồng với vợ Trương Ba. Phần xác, phần hồn khó mà tách biệt. Là chồng của ai cũng thật khó phân định.

 

Lý trưởng đến quấy nhiễu bắt Trương Ba phải là chồng của cả… hai bà. Lúc phải sang nhà vợ anh hàng thịt, giúp chị ta mở lại quầy hàng thịt lợn, lúc lại trở về sống bên vợ con Trương Ba.

 


Trương Ba trong thân xác anh hàng thịt đã không tránh khỏi những phút xao lòng trước sự mời gọi của vợ anh hàng thịt.

 

Từ ngày mang thân xác anh hàng thịt, tâm tính Trương Ba cũng thay đổi, những nước cờ của Trương Ba không còn thanh cao, thoát tục như trước mà nhỏ nhen, bần tiện, đáng khinh.

 

Buồn đau trước phần xác và phần hồn không ăn nhập, đem lại nhiều bất hạnh hơn là niềm vui, Trương Ba khốn khổ, tự dằn vặt chính mình.

 

Trương Ba lại thắp hương gọi Đế Thích xuống trần, xin Đế Thích cho mình… được chết, để chấm dứt cảnh “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

 

Trương Ba ra đi, để lại niềm thương tiếc trong lòng vợ con, nhưng đó sự ra đi yên bình, thanh thản và ít nhất, trong lòng những người thân thiết, ông vẫn được yêu thương, kính trọng.

 


Diễn viên Nhà hát kịch Việt Nam ra chào khán giả sau khi vở diễn kết thúc.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật