Cam Ranh, Mũi Né: Niềm hy vọng mới của du lịch Việt Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những doanh nhân người Việt ở Nga, du khách Nga, và những Việt kiều thành đạt trở lại an dưỡng tại quê nhà là niềm hy vọng mới đối với ngành du lịch Việt Nam. Do đó, theo nhà báo Jordan Pouille của Le Monde, Việt Nam là kiểu mẫu điển hình cho sự thay đổi.
Cam Ranh, Mũi Né: Niềm hy vọng mới của du lịch Việt Nam
Những bungalow mang đậm nét truyền thống, những khu nghỉ dưỡng cao cấp đang được đẩy mạnh quảng bá. Ảnh: Internet

Điểm đến hấp dẫn du khách Nga

Người lái xe với đôi mắt đỏ lừ vì quá chén, đang lau chiếc xe Jeep của mình. Chiếc xe rung nhẹ theo tiếng nhạc điện tử chói tai phát ra từ bên trong. Anh ta đến đây từ "dòng suối cổ tích", tên gọi mỹ miều một con kênh nước bùn uốn lượn quanh một hẻm núi đất đỏ, nơi mà dân địa phương cũng như doanh nghiệp luôn tìm cách thu tiền từ khách du lịch. Khách hàng của anh ta, ba cô gái Nga trẻ ăn mặc thi‌ּếu vả‌ּi, đang háo hức để thử cảm giác mới mẻ - cưỡi lên những con đà điểu như trên các biển quảng cáo bằng nhiều thứ tiếng.

Chỉ với khoản tiền nhỏ, những đứa trẻ sẽ dẫn họ tới đỉnh một cồn cát hùng vĩ, được phóng đại là "Sahara Châu Á" trong các cuốn sách quảng bá du lịch. Vào khoảnh khắc trước 6h chiều, hoàng hôn buông xuống trên vịnh Cam Ranh với khoảng trời màu cobalt đậm đan những sọc hồng. Thêm một khoản phụ phí, khách du lịch có thể trượt xuống đụn cát để trở về xe Jeep.

Vào lúc chạng vạng, ngư dân Mũi Né, Phan Thiết chuẩn bị ngư cụ cho những con thuyền nhỏ để ra biển đánh bắt cá cơm và mực ống. Con cái của họ đi dọc bãi biển với túi gom thu nhặt chai nhựa để bán lại cho vựa ve chai.

Những làng chài ven biển vẫn chưa là điểm đến hấp dẫn và các đại lý du lịch phương Tây luôn chào mời các địa danh nổi tiếng khác như ruộng bậc thang, đồng bằng sông Cửu Long đẹp như tranh vẽ, vịnh Hạ Long, phố cổ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, các nhà khai thác du lịch và khách Nga lại đổ về đây. Người lao động Nga có 40 ngày nghỉ một năm và họ dùng những ngày đó để đến đây thư giãn, thoát khỏi mùa đông khắc nghiệt của nước này. (Mùa tuyết ở Mátxcơva kéo dài từ tháng 11 đến đầu tháng 4 sang năm).

"Thật kỳ lạ, mùa này chúng tôi có nhiều khách du lịch từ Kazan (thủ đô của Tatarstan trên sông Volga) và Naberezhnye Chelny (một thành phố công nghiệp cách phía đông Kazan 200km). Bạn có thể tưởng tượng, đối với nhiều người trong số họ, đó là lần xuất ngoại đầu tiên. Nên tất cả những gì họ làm ở đây chỉ là uống rượu, ăn và ngủ. Không thể thao. Ưu tiên hàng đầu là nghỉ ngơi"- Illya Suslov, ngoài 30 tuổi, đến từ Saint Petersburg- cho hay. Suslov mở dịch vụ kinh doanh lướt ván diều đầu tiên của khu vực, thu phí 75 USD/h. Khách hàng tiềm năng của anh không phải diện lắm tiền nhiều của mà là những người Nga tìm kiếm cảm giác mình là người giàu có và hợp thời trang.

Tình yêu đối với Việt Nam của Suslov đến từ những ngày lang thang trên đất nước này vào năm 2009. Thời điểm đó, Việt Nam - Nga thắt chặt quan hệ ngoại giao, quân sự cho phép Suslov và nhiều người khác được miễn thị thực nhập cảnh với thời hạn ngắn 2 tuần. "Tôi mê lướt ván diều, vì vậy tôi dừng chân ở Phan Thiết. Tôi thấy hạnh phúc. Tôi cảm thấy tự do, bởi vì mọi thứ đều có thể. Tôi quay trở lại Nga để bán xưởng thiết kế của tôi và quyết định sử dụng tiền tiết kiệm của mình để bắt đầu cuộc sống mới ở đây. Điều đó thực sự khiến tôi cảm thấy như mình đi ngược lại một phần văn hóa Nga", Suslov nói.

Andrei Krasovsky, đến từ Mátxcơva, chọn lập nghiệp tại chốn này trong hoàn cảnh tương tự. Anh làm chủ một nhà hàng hải sản có tên Déjà Vu, thuê sát bờ biển. "Tại Mátxcơva, tôi và mọi người sống như những con robot. Chúng tôi đi làm trong trang phục chỉnh tề với mục đích duy nhất để có được một chiếc xe tốt hơn. Tất nhiên, thật sự khó khăn khi mới đến. Không có gì cả, chỉ có một số ngư dân - những người rất thân thiện... và rắn", Krasovsky cho biết. Nhưng hiện Krasovsky đảm nhiệm việc quản lý nhà hàng với hơn 80 nhân viên. Vợ anh là người Việt Nam, làm quản lý tài chính cho nhà hàng. Họ rất mừng khi hai khách sạn lớn Seahorse và Unique xây dựng đối diện với nhà hàng của họ. Họ thuê bốn nhân viên nữ chuyên chào hàng, phát thực đơn cho du khách ngang qua.

Bùng nổ khách sạn

Những khách sạn ở Mũi Né và Phan Thiết là nơi đầu tiên phục vụ cho những người Nga trẻ, khá giả tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ. Trào lưu đến nghỉ dưỡng tại đây bắt đầu muộn hơn, sau khi các cuộc cách mạng lan rộng khắp Tunisia và Ai Cập. "Từ tháng 1.2011, tất cả các nhóm khách của Nga đi Tunisia và Cairo đều được chuyển hướng đến thành phố Hồ Chí Minh, hoặc thậm chí đến sân bay quân sự cũ bên bờ biển Cam Ranh"- Steve Raymond, người điều hành khu nghỉ dưỡng Pandanus ở Phan Thiết- cho hay.

Pegas Touristik là tập đoàn du lịch đầu tiên định tuyến lại cho khách Nga đến Việt Nam. Cứ 6 tháng trong năm, tập đoàn có bốn chuyến bay một ngày đến Cam Ranh - địa điểm cách khu nghỉ mát bên bờ biển Nha Trang 30km. Việt Nam đón 102.000 du khách Nga trong năm 2011, 172.000 người vào năm 2012 và 250.000 vào năm 2013. Quả thực con số tăng phi mã. "Nhiều người trong số đó đi nghỉ đến 3 lần ở nước ta trong vòng ba năm qua", tuần báo Le Courrier du Vietnam cho hay.

Để đáp ứng sự bùng nổ này, 250 khách sạn mọc lên ở Nha Trang, và 139 nhà nghỉ trải dài suốt 15 km bờ biển giữa Phan Thiết và Mũi Né. Pandanus, Terracotta, Swiss Village, Malibu, Green Coconut, Ocean Star và những khu nghỉ khác đều có bể bơi bên bờ biển, hồ sen và bungalow rải rác trên cồn cát. Tại Pandanus ở Mũi Né, một ban nhạc gia đình người Philippines hát nhạc của Lady Gaga trên sân khấu bên hồ bơi phục vụ du khách uống bia cho đến khi say mèm. Một tour 12 đêm nghỉ có chi phí 1.000 - 1.200 USD mỗi người, bao gồm vé máy bay. Khách sạn loại này đang mọc lên như nấm để phục vụ cho những du khách ít tiền hơn.

"Những du khách này không trở lại và các nhóm tiếp theo luôn đến từ một thị trấn nhỏ hơn của Nga so với nhóm trước. Tôi trông thấy một số người chấp nhận đi bộ hàng km để đến ngoại vi thành phố để hy mua được chai nước có giá rẻ hơn"- chủ khách sạn Erik Heimans, một người Bỉ nói tiếng Flemish- cho biết. Khách sạn của Heimans - Mui Ne Hills 1, 2 và 3 - đều chào các phòng tiện nghi với cùng giá 25USD/ đêm. Bể bơi của khách sạn rợp bóng cọ, dừa. Thực đơn tại nhà hàng của Heimans có cả bánh four-cheese pizza và mì Việt Nam. "Với mức giá này, ít ra tôi có thể kinh doanh quanh năm, trong khi những người còn lại phải đóng cửa ba tháng trong một năm", Erik Heimans nói.

Khoảng cách từ biển đến khu nghỉ là lý do Heimans giữ giá thấp. Cùng với đối tác Việt Nam, năm 2010, Heimans quyết định xây dựng khu nghỉ giá rẻ quay lưng lại với bãi biển, ở phía bên kia đường, gần nhà ngư dân. Vì vậy, du khách phải đi bộ 200m để ra biển, là khá xa với khách Nga, thậm chí với cả những du khách muốn tiết kiệm tiền. Heimans thu hút loại du khách khác: Đó là những người tận hưởng kỳ nghỉ riêng tư và muốn tiếp xúc ở một mức độ nhất định với dân địa phương. Ông cho thuê xe tay ga với 10 USD/ngày để khách tự du ngoạn. Nhưng họ sẽ gặp "đám trẻ lăm lăm những hòn đá to trong tay, đứng đợi phía trên cồn cát. Chúng đòi 10 USD nếu không sẽ bị quấy rầy. Chúng không phải là những đứa trẻ xấu, nhưng chúng tạo ra hình ảnh cực xấu đối với người nước ngoài. Do đó, trong mỗi phòng, chúng tôi đều có nhắc nhở yêu cầu du khách không để đưa tiền cho trẻ em địa phương", Heimans nói.

Vẫn còn nhiều rào cản

Mặc dù biển hiệu song ngữ ở khắp nơi, khách du lịch Nga vẫn thường gặp rào cản ngôn ngữ. Cả người bán hàng cũng như khách hàng đều chỉ biết vài từ tiếng Anh đơn giản. "Một lần, một phụ nữ giận đến tái mặt vì phải lặp đi lặp lại "giảm giá, giảm giá" với người bán túi xách - người không hiểu nổi cô nói gì. Cô tưởng rằng người Việt Nam có thể nói tiếng Nga và người phụ nữ này đang trêu mình"- Touna Nguyễn, người sở hữu nhà hàng Vostok-Zapad (Đông Tây)- buộc phải can thiệp để giữ mọi người bình tĩnh, kể lại. "Nhưng sẽ là sai lầm nếu phóng đại sự căng thẳng. Mối quan hệ của chúng tôi là chân thành... khi mà đôi bên cùng có lợi", Touna Nguyễn nói. Để tránh sự cố kiểu này, trường du lịch tại Nha Trang đã đưa về nhiều giáo viên người Nga từ Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.

Có nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng cũng như truyền thông. Đối diện khách sạn 4 sao, bên vỉa hè trên đường Nguyễn Đình Chiểu, nhiều nhà hàng và cửa hàng lưu niệm vứt đổ rác, vứt rác bừa bãi khiến chuột sinh sôi. Vài siêu thị nhỏ hiếm hoi ở đây bán khoai tây chiên Pringles, bia Heineken và thanh long với giá cao hơn 30% so với giá ở thủ đô.

Ngoài ra, còn có các vấn đề về quy định đối với kinh doanh khách sạn. Qua nhiều khảo sát với 400 người Nga tại Mũi Né, Phan Thiết cho thấy chỉ Việt Nam mới có chuyện quyền sử dụng đất thuộc nhà nước.

Những người thuê bất động sản và chủ khách sạn người nước ngoài buộc phải xoay sở nhanh chóng với những quy định lỗi thời của chính quyền địa phương để kịp thời cùng sự mở rộng quá nhanh của nền kinh tế dịch vụ. "Bạn phải chấp nhận việc mở khách sạn và sử dụng đội ngũ nhân viên mà không hy vọng gì sẽ có giấy phép", Heimans cho biết. "Tôi đã thấy người nước ngoài rất khó chịu với những trường hợp này dù họ đã làm việc cẩn thận, lên một kế hoạch kinh doanh chi tiết nhưng không thể đợi đến 6 tháng". Tại Việt Nam, chỉ 1/5 giao dịch bất động sản được công bố, khiến Nhà nước thất thu thuế nghiêm trọng.

Nếu việc kinh doanh khả quan, bạn phải tỏ ra "rộng rãi" với cán bộ công chức. Khách du lịch tại Phan Thiết có thể vui vẻ lượn phố bằng xe tay ga là vì chủ khách sạn đã phải "làm luật" cho mỗi chiếc xe là 50 USD/tháng cho công an sở tại.

Kỳ vọng mới

Xa hơn về phía nam, ở cuối vịnh, ngư dân Long Đức cảm thấy nhẹ nhõm khi tránh được đám du khách ồn ào. Nhưng gió biển lồng lộng quanh năm suốt tháng cuốn theo không biết bao nhiêu là rác về làng họ. Ở giữa làng, cách bãi biển một quãng đá, đã biến thành một bãi rác, những những người đàn ông thì ngồi chơi bài, còn vợ họ huýt sáo khi vá lưới. Con cái của họ không cần phải đi thu nhặt vỏ chai nhựa. "Xe motor, biển của người Nga. Thuyền lướt sóng đã xua đuổi cá mực, nên chúng dồn về đây. Vào ban đêm, chúng tôi có thể đánh bắt chúng đơn giản bằng đèn nhử"- ngư dân Hoang Nam cho biết khi đang phơi khô mực. Sau khi khô, chúng sẽ được bán làm mồi câu cá thu cho một đại lý.

"Du lịch Việt Nam luôn tụt hậu với sự đi xuống về chất lượng của cơ sở hạ tầng, đường sá và hệ thống đường sắt. Đó là lý do du khách không trở lại", Hai Nam Nguyen cho hay. Anh kỳ vọng lớn vào "việc tạo ra một thị trường du lịch Việt Kiều". Cộng đồng này hầu hết rời Việt Nam trong thập kỷ 70. Anh tin họ sẽ muốn được nghỉ ngơi yên tĩnh ở Mũi Né, Phan Thiết hay Nha Trang. "65% Việt kiều trẻ dưới 35 tuổi không trải nghiệm về những biến động lịch sử của đất nước", anh Nam nói.

Ước tính cho thấy có khoảng từ 2,7 đến 4 triệu Việt kiều (người Việt Nam ở nước ngoài), trong đó 150.000 người định cư ở Nga. "Người Việt tại Nga và Ukraina trở nên giàu có khi kinh doanh đủ các loại. Việt Nam đang chờ đợi họ"- ông Hai Nam Nguyen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở Pháp- nói.

Tổng cục Du lịch cũng đang trông đợi xa hơn nữa. Họ ủng hộ "đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cũng như cải thiện các sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng và thu hút khách du lịch". Bằng cách quảng bá các khu nghỉ dưỡng, Việt Nam có thể thu hút tới 1 triệu du khách Nga mỗi năm. Nhưng Ngư dân Việt Nam chưa nhìn thấy điểm cuối cùng của cỗ máy ồn ào này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật