Những đội bóng “ma”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Câu chuyện liên quan đến đội The V. Ninh Bình khiến người ta không biết đội bóng này còn “sống” hay đã “chết”.
Những đội bóng “ma”
Không ai biết V.Ninh Bình có tiếp tục tồn tại hay không

Khái niệm này để chỉ các đội bóng chưa hoàn toàn bị xóa sổ dù không còn thi đấu. Đội bóng vẫn tồn tại (chưa có quyết định giải thể), vẫn có đơn vị chủ quản (cũng chưa giải thể) nhưng lại không biết đang thuộc về hạng đấu nào của bóng đá Việt Nam. Như trường hợp The V.Ninh Bình, hiện các cầu thủ vẫn còn bị nợ 6 tháng lương, thưởng trong khi bầu Trường (Chủ tịch CLB The V.Ninh Bình Hoàng Mạnh Trường) thì lại đang đòi 9 cầu thủ liên quan đến vụ bán độ phải trả lại tiền lót tay cho ông. Thực tế là đội này không tồn tại, bầu Trường cũng không khẳng định ông sẽ tiếp tục làm bóng đá, chỉ có điều đội này chưa “chết” được vì chưa giải quyết chuyện tài chính.

Đầu năm 2014, cũng xảy ra trường hợp của đội K.Kiên Giang. Về lý thuyết, đội này vẫn có suất dự V-League 2014 nhưng không tham gia, coi như tự động “chết”. Vấn đề là không ai biết bóng đá Kiên Giang nếu có tồn tại thì sẽ bắt đầu từ hạng nào của làng cầu Việt Nam. Theo quy định, một đội bóng địa phương thì sẽ đương nhiên bắt đầu từ hạng ba (hạng tư được xếp vào mảng phong trào). Đội K.Kiên Giang chưa “khai tử” vì vẫn chưa giải quyết chuyện lương bổng của cầu thủ mùa bóng năm 2013.

Một kiểu “đội bóng ma” khác là đang thi đấu ngon lành, bỗng nhiên không thi đấu nữa, tức là “xóa sổ” nhưng đột ngột, xuất hiện lại từ hạng ba. Như đội Lâm Đồng, ở mùa giải hạng nhất năm 2012 xin giải thể, không thi đấu tiếp trong năm 2013, nhưng đến năm 2013 lại xuất hiện ở giải hạng ba để sau đó thăng lên hạng nhì. Đã không đá nổi hạng nhất, tiếp tục duy trì đội bóng để làm gì? Tương tự là đội Bình Định, bỏ giải hạng nhất năm 2014 nay xin đăng ký đá lại từ giải hạng ba. Hay đội Bà Rịa - Vũng Tàu, Trẻ Khánh Hòa đoạt vé dự giải hạng nhất năm 2013 rồi không tham gia vì không có tiền, đến nay chưa biết có đá lại từ giải hạng ba hay không?

Chuyện “xin nghỉ” là quyền của các đội bóng nhưng sự thay đổi của họ lại làm ảnh hưởng nặng nề đến cấu trúc thi đấu của bóng đá Việt Nam. Chỉ vì chuyện “xin nghỉ” này mà suốt 2 năm qua, giải hạng nhất quốc gia chỉ còn 8 đội thi đấu, không tạo ra được chất lượng. Lẽ ra, những nhà quản lý phải có chế tài đối với những đội “xin nghỉ” này, ví dụ như không cho phép quay lại giải hạng ba sau vài năm để họ có thời gian chuẩn bị nội lực, đào tạo trẻ. Việc cho phép những đội này được thi đấu trở lại quá nhanh chẳng khác nào duy trì nhiều đội bóng “có xác mà không có hồn”, thi đấu không có mục tiêu thăng hạng, chỉ làm cho chất lượng bóng đá nội địa xuống cấp thêm, khi số lượng CLB có vẻ nhiều nhưng chẳng có bao nhiêu đội thật sự được đầu tư.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật