Góc cạnh kinh tế của một đề án giáo dục

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014-2015” với tổng kinh phí chừng 4.000 tỉ đồng nếu nhìn từ góc cạnh kinh tế, có thể rút ra được những bài học gì về đầu tư công?
Góc cạnh kinh tế của một đề án giáo dục
Ảnh minh họa

Số liệu công khai thu chi ngân sách TPHCM cho thấy tổng chi ngân sách địa phương năm 2013 ước tính trên 46.200 tỉ đồng, gồm 17.500 tỉ đồng chi cho đầu tư phát triển. Trong các khoản chi thường xuyên thì chi cho sự nghiệp giáo dục chỉ có chừng 6.800 tỉ đồng.

Thử hỏi trong bối cảnh đó, đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TPHCM năm học 2014-2015” với tổng kinh phí chừng 4.000 tỉ đồng làm sao mang tính khả thi? Cho dù có khoản mục “xã hội hóa”, tức phụ huynh sẽ tự bỏ tiền mua máy tính bảng nhưng kinh phí chủ yếu cũng từ ngân sách. Có lẽ ít người biết tổng chi quản lý hành chính của toàn TPHCM năm 2013 cũng vào khoảng chừng đó mà thôi!

Một đề án chỉ cho ba khối lớp 1, 2 và 3 mà đã gần bằng toàn bộ mức chi thường xuyên cho cả ngành giáo dục và bằng mức chi cho bộ máy hành chính thì làm sao được thông qua. Vấn đề đáng lưu tâm là qua đề án này, nhìn từ góc cạnh kinh tế, có thể rút ra được những bài học gì về đầu tư công hay công tư phối hợp?

Một đề án phi kinh tế

Nói ngắn gọn đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhằm trang bị máy tính bảng cho hơn 327.000 học sinh tiểu học, trang bị máy móc thiết bị tương tác cho 6.800 phòng học, rồi phần mềm, sách giáo khoa điện tử, đào tạo... với tổng kinh phí chừng 4.000 tỉ đồng. Thế nhưng do xuất phát điểm làm ngược quy trình nên các con số được đưa ra trong đề án cứ chỏi nhau như thể người soạn muốn làm sao chi cho hết khoản tiền khổng lồ nói trên.

Ví dụ đề án nói sẽ phỏng vấn, xin ý kiến cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh và đề ra mức kinh phí cho khâu này là 1 tỉ đồng! Để 1 tỉ đồng nghe hợp lý, người biên soạn cho biết sẽ phỏng vấn 10.000 người, tốn 100.000 đồng mỗi người, vị chi đúng tròn 1 tỉ đồng!

Ngược lại, nội dung quan trọng nhất là xây dựng chương trình sách giáo khoa điện tử lại chỉ có kinh phí 1 tỉ đồng!

Phi lý nhất là đề án dự trù sẽ trang bị cho mỗi trường một phòng họp trực tuyến (không biết để làm gì) chủ yếu gồm camera, micro, phần mềm, sơ sơ chỉ có 1,1 tỉ đồng/phòng. Cả thành phố có 451 trường tiểu học, vậy sẽ tốn chừng 500 tỉ đồng để các hiệu trưởng họp trực tuyến với nhau hay với sở.

Với kinh phí đào tạo, có lẽ mọi người sẽ nghĩ phần lớn nhất ắt dành cho giáo viên trực tiếp giảng dạy? Không phải, mục chi lớn nhất là cho các hiệu trưởng đi tập huấn bốn tuần ở một nước “tiên tiến” nào đó như Nhật Bản hay Hàn Quốc, tốn chừng 250 triệu đồng/người. Có lẽ sẽ chẳng có sở tài chính nào đồng ý phê duyệt các khoản chi như thế này.

Nói đến đề án này, báo chí thường chú ý đến chi tiết bắt phụ huynh tự mua sắm cho con em họ mỗi học sinh một máy tính bảng, giá dao động từ 3-5 triệu đồng bất kể ở nhà đã có sẵn máy tính bảng hay chưa. Nhưng đề án không có dòng nào giải thích vì sao đã số hóa sách giáo khoa thành phần mềm dùng trên máy tính bảng, vậy còn trang bị bảng tương tác rất đắt tiền cho các lớp để làm gì? Mối liên quan giữa máy tính bảng và bảng tương tác là gì, hỗ trợ cho nhau như thế nào hoàn toàn không được đề cập.

Đáng nói hơn là đã dùng máy tính bảng thế mà đề án vẫn ghi học sinh cần trang bị thêm bút chấm đọc điện tử như thể bán thêm được loại máy gì thì cứ bán!

Đề án chỉ là những dòng chữ khô khan miêu tả các loại trang thiết bị tương tác với giá từ 262-566 triệu đồng/phòng, chẳng khác nào catalog chào hàng của một hãng bán máy.

Làm ngược, làm xuôi

Việc Sở GD-ĐT làm một đề án để đổi mới giáo dục, giới thiệu các thành tựu công nghệ thông tin vào việc dạy và học là chuyện đương nhiên phải làm nhưng nhìn từ góc độ làm một dự án kinh tế, quy trình sẽ ngược hẳn những gì sở đang triển khai.

Đầu tiên nhà quản lý phải nghiên cứu thử trên thị trường hiện nay đã có những ai “số hóa” sách giáo khoa hay đang có những ứng dụng nào hỗ trợ việc dạy và học bằng phần mềm chạy trên các nền tảng thông dụng như iOS hay Android. Thực tế các sản phẩm này đã có khá nhiều, mức độ thành công có khác nhau nhưng với sự khích lệ của Sở GD-ĐT chắc chắn nhiều tổ chức sẽ cho ra đời các sản phẩm dần dần hoàn chỉnh. Phần việc này do xã hội lo, sẽ không tốn đồng ngân sách nào.

Tiếp đó, sở phải thành lập một ban nghiên cứu, dùng thử, đánh giá, tuyển chọn những phần mềm đáp ứng được các tiêu chí khắt khe do mình đề ra, công bố kết quả rộng rãi và khuyến khích các trường, lớp, thầy cô giáo và phụ huynh cho học sinh tiếp cận các sản phẩm này. Song song đó, sở sẽ tổ chức các lớp thí điểm ở một số trường chọn theo từng địa bàn khác nhau về mức sống, quy mô học sinh... trong đó phần việc quan trọng nhất là đào tạo giáo viên để họ tận dụng được thành tựu công nghệ phục vụ cho việc dạy và học.

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, công nghệ không dạy cho học sinh, chỉ có người thầy mới dạy cho các em còn công nghệ chỉ đóng vai hỗ trợ sao cho việc dạy đạt hiệu quả cao hơn. Vậy vai trò của nhà quản lý giáo dục ở đây là biên soạn một mô hình thật sự đổi mới việc dạy và học nhờ vào sự hỗ trợ của công nghệ và cách ứng dụng như thế nào để không lạm dụng công nghệ quá đáng như lo ngại của nhiều phụ huynh. Đáng tiếc, đây là phần thiếu vắng trong đề án của Sở GD-ĐT mặc dù nhan đề lại nhấn mạnh đúng như thế.

Đến đây đã có thể kết luận, một đề án nếu soạn theo quy trình đúng đắn sẽ không quá chú trọng vào máy móc, giá cả. Phần quan trọng nhất của đề án sẽ xoay quanh con người - người thầy sẽ được nâng cao năng lực nhờ máy móc như thế nào; học sinh nhờ máy móc sẽ học được những kỹ năng mới như thế nào... Đó cũng chính là tính kinh tế của đề án.

Thử nghĩ mà xem, nếu tiến hành đúng theo lộ trình này, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành giáo dục có các phần mềm hoàn chỉnh chạy trên máy tính bảng. Bây giờ kinh phí, nếu có, sẽ tập trung cho việc đào tạo giáo viên trực tiếp giảng dạy; mua phần mềm theo giá sỉ để cung cấp cho học sinh (học sinh chỉ việc đem máy tính bảng ở nhà lên để được cài đặt phần mềm hay sách giáo khoa điện tử); mua một số máy tính bảng cho những học sinh không đủ điều kiện (bằng cách gọi thầu công khai, rộng rãi).

Ở những nước giàu có, họ cũng làm theo con đường đó chứ không ai sẵn tiền trang bị các phòng học với màn hình tương tác 75 inch với giá 469 triệu đồng, camera quan sát lớp học giá 36 triệu mỗi chiếc và hệ thống âm thanh chỉ gồm cái tăng âm, micro, loa có giá đến 25 triệu đồng!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật