Thoát kiếp lênh đênh lại phải sống chung với người chết

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Những dãy nhà tường sò, mái ngói lẩn khuất sau những nấm mộ to nhỏ nhấp nhô. Những nấm mộ được xây dựng đồ sộ khang trang, hoa văn tinh xảo lấn át hết những ngôi nhà lụp xụp, đơn sơ. Từ ngày đến khu tái định cư này, 72 hộ dân thôn vạn chài Thanh Mỹ (Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) với gần 400 con người thoát kiếp lênh đênh nhưng lại phải sống chung với người chết.
Thoát kiếp lênh đênh lại phải sống chung với người chết
Trẻ con xóm chài chơi bên cạnh những khu mộ. Ảnh: Q.T
Lên bờ nhập tịch “xóm ma”

Khu tái định cư của làng chài thôn Thanh Mỹ lọt thỏm trong khuôn viên nghĩa trang của địa phương. Không chỉ xóm chài mà cả xã biển này được bao quanh bởi những đầm phá, bãi ngang ven biển nhưng đời sống của họ đời này qua đời khác vẫn rất khó khăn. Điều đáng ngạc nghiên ở đây là người dân sống trong những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ, trái lại, những mộ phần lại được xây dựng hoành tráng, đẹp đẽ.

Len lỏi qua rừng mộ trùng điệp đó, chúng tôi đến nhà của những người dân vạn chài. Đang là giữa trưa, khu nghĩa địa vắng hoe bởi đa số người dân sống ở đây còn ra khơi. Gió ngoài biển thổi vi vu qua rặng phi lao chắn sóng, kèm theo vô số bia, di ảnh người âm nằm ngổn ngang bên cạnh mỗi bước chân càng khiến cho khách lần đầu đặt chân tới có cái cảm giác rờn rợn. Trưởng thôn vạn chài Trần Hội cho biết: “Nghĩa trang có trước rồi người dân mới đến ở sau. Ở lâu rồi thành quen, có chi mà phải sợ. Nhất là khi điện đường đã kéo về chiếu sáng khắp khu dân cư”. Trưởng thôn vạn chài nói “không sợ” là nói về người lớn. Và, anh nói điện đã chiếu sáng thì cũng chỉ sáng con đường liên thôn chạy dọc nghĩa trang, còn lại những ngõ ngách, những căn nhà cuối dãy vẫn tối om. Nhưng với bọn trẻ, những em mới lên 3 lên 5 tuổi, đêm hôm chẳng dám ra khỏi nhà. Còn chưa kể đến nỗi sợ khác là vấn đề nước sinh hoạt và các vấn đề liên quan đến vệ sinh.

Trần Hội là dân vạn chài đích thực, sau khi khu tái định cư được thành lập, anh được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Theo anh Hội, những năm 2000 ở đây chỉ mới có 5- 6 nhà “liều mình” sống chung với người chết. Hồi đó, những hộ dân này được cho là “ma nhập” mới “liều” như thế. Rồi từ 2007 mới bắt đầu có thêm hộ mới chuyển về từ những con thuyền ngoài biển vào.

Vì sao lại “quy hoạch” dân vạn chài sống cùng với nghĩa trang? Phó chủ tịch UBND xã Phú Diên, Lê Đức Thông cho biết: “Xã hết quỹ đất, không thể để họ sống trong rừng phòng hộ. Chỉ còn khoảng đất trống này. Trong khi, chủ trương của chúng tôi là phải đưa người dân lên bờ để ổn định cuộc sống. Không thể để họ lênh đênh trên thuyền đời này qua đời khác thế được”. Ông Thông cũng cho biết, trước đây ở vạn đò, các em đang tuổi đi học, cứ đầu năm học mới là bỏ học vào Nam làm thuê. Xã phải cử người vào TPHCM và các khu công nghiệp lân cận thuyết phục các em trở về tiếp tục đến trường. Chính quyền địa phương còn có hẳn chương trình radio phát ròng rã cả tháng liên tục với nội dung hạn chế tình trạng trẻ em lao động sớm ở làng chài. Nhưng ở lại, cư dân ngày một đông đúc. Thế là kế hoạch tái định cư mở ra.
Trẻ “mất tích” vì ngủ quên trên mộ

Một góc khu tái định cư, bên cạnh là ngôi mộ đang xây dở dang.


Khu tái định cư cho người dân vạn chài ngay tại nghĩa trang nằm sau những rặng cây chắn sóng. Len lỏi giữa rừng mộ là những ngôi nhà còn đơn sơ thiếu thốn. Ở cuối nghĩa trang là ngôi nhà của vợ chồng anh Thương, chị Liễu. Đôi vợ chồng này có tới 8 người con. Bố mẹ đi vắng, Kiến (tên đứa chị) phải trông một đàn em. Năm nay Kiến mới 10 tuổi, những đứa em của Kiến chân đất, đầu trần, chỉ mỗi một manh áo cộc, quần đứa có đứa không, có đứa nước mũi còn thò lò không ai lau rửa. Trẻ con trong xóm, túm năm tụm ba chơi đùa, đứa thì lê la trèo lên các phần mộ thấp ở ngay sát nhà để chơi. Hỏi Kiến có sợ khi sống cạnh nghĩa địa không, cô bé 10 tuổi này lắc đầu, nhưng lại nói: “Buổi tối mới sợ”. Kiến kể, có hôm đến bữa trưa “điểm danh” thì thiếu một em, cả xóm chạy đôn chạy hết hồ này, giếng nọ tìm chẳng thấy. Mãi quá nửa buổi chiều mới phát hiện ra em ngủ quên phía sau một khu mộ.

Dân vạn chài con đông. Rất nhiều gia đình 7- 8 con như vợ chồng anh Thương. Đáng thương nhất là gia cảnh của em Trần Thị Đông. Ngôi nhà nhỏ của Đông nằm ngay cổng nghĩa trang. Năm nay Đông 14 tuổi, 10 năm trước Đông mất bố, sau đó 2 năm thì mất mẹ. Gia đình Đông có 8 anh chị em, 3 chị đầu đã lấy chồng. Hiện tại, mỗi tháng Đông chỉ được 180.000 đồng tiền hỗ trợ hộ nghèo của địa phương. Cô bé 14 tuổi này nếu không có sự trợ giúp của các anh chị đang đi làm thuê trong Nam hàng tháng gửi mỗi người đôi ba trăm nghìn thì không biết lấy gì mà sống. Hỏi chuyện gia đình, Đông lí nhí, mắt buồn rầu: “Em ở ri (thế này) cũng quen rồi”.

Bước ra khỏi khu tái định cư của làng chài, chúng tôi gặp một cụ già vẻ mặt khắc khổ. Cụ bảo có 6 người con, mỗi ngày các con đưa cho vợ chồng cụ 15.000 đồng. Số tiền không được đưa đều cũng chỉ vì gia cảnh con cụ vẫn còn khó khăn. “Mỗi ngày vài đứa đưa tiền, vợ chồng tui già yếu không mần được nhưng phải có ít nhất 3 chục ngàn để đủ mua cá, rau về thổi cơm”, cụ nói.

Giấc mơ lên bờ của xóm vạn chài dẫu đã thành hiện thực, song cuộc sống giữa “thành phố ma” này xem ra vẫn còn quá nhiều khó khăn.
Khổ vì đông con

“Chúng tôi tuyên truyền nhiều rồi, nhưng vì phần lớn thời gian họ lênh đênh trên sông nước, thêm nữa là nhận thức về việc này của người dân còn rất đơn giản. Mỗi gia đình từ 5 đứa con trở lên không phải hiếm ở đây. Sinh con đông, lại không có thời gian chăm sóc chúng, vấn đề trẻ bỏ học giữa chừng rất phổ biến. Đầu năm các cháu đi học hết, nửa chừng chán lại bỏ”.

Ông Trần Hội, Trưởng thôn vạn chài Thanh Mỹ
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật