Đánh chìm hàng không mẫu hạm

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các học giả, chuyên gia quân sự và báo chí từng tốn bao giấy mực để bàn về những mối nguy hiểm mà hàng không mẫu hạm phải đối mặt.
Đánh chìm hàng không mẫu hạm
Tàu sân bay của Hải quân Mỹ

Đây cũng là những quan tâm hoặc lo ngại của những nước sở hữu tàu sân bay và đối thủ tiềm tàng của họ.

Và một câu hỏi lơ lửng trong giới quân sự Mỹ, nước có đội tàu sân bay lớn và hùng mạnh nhất thế giới: tàu sân bay có quá lớn để không bao giờ bị đánh chìm?

Nhưng câu trả không chỉ có một đáp án và đáp án ấy còn tùy thuộc yếu tố chiến thuật, chiến lược. Chúng cũng luôn là mối quan tâm của các nhà làm chính sách Mỹ chừng nào họ còn muốn duy trì đội hàng không mẫu hạm của mình.

Theo giới quân sự, để đối đầu với mọi nguy cơ cùng lúc, việc tàu sân bay vẫn giữ được an toàn là điều không thể. Tàu sân bay, do đó, cũng không phải là không thể bị tổn thương.

Chiếc hàng không mẫu hạm mới lớp Ford của Mỹ là ngôi nhà nổi của hơn 4.000 thủy thủ, trị giá khoảng 12 tỷ USD. Nhưng trong bối cảnh sự phát triển và nở rộ các loại vũ khí chống xâm nhập/chống đổ bộ, tàu sân bay liệu có còn phát huy tác dụng như thời gian qua và khả năng một tàu sân bay hiện đại bị đánh chìm ra sao?

Cần nhớ rằng hơn 4.000 lính Mỹ chết ở Iraq trong hơn 8 năm tham chiến vừa qua. Con số thương vong này đóng vai trò to lớn trong việc “nội địa hóa” các lực lượng, nói các khác là Mỹ phải chuyển qua can thiệp vào Iraq một cách gián tiếp thông qua các lực lượng địa phương.

Vậy hãy tưởng tượng chỉ chưa tới một giờ, từng ấy quân sỹ bị tiêu diệt trên một tàu sân bay. Đó hoàn toàn là một thảm họa quốc gia và sẽ tạo ra áp lực rất lớn để người ta, cụ thể ở đây là Mỹ, phải ngưng chiến.

Công chúng Mỹ rõ ràng là không quen chịu đựng những tổn thất lớn như thế. Số lính Mỹ t‌ử von‌g trong một sự kiện can thiệp đơn lẻ ở mức đó xảy ra lần gần nhất là trong chiến tranh Triều Tiên năm 1950.

Tàu sân bay có thể bị đánh chìm ra sao?

Với những ai còn nghi ngờ khả năng tàu sân bay bị đánh chìm, hãy cân nhắc điều này: không gì có thể thực sự bất khả xâm phạm hay không thể bị tổn thương.

Chuyện những con tàu khổng lồ ở thời đại của chúng như Titanic hay Bismarck, sự biến mất của kỷ nguyên pháo hạm khổng lồ đã chứng minh điều ấy.

Theo một đánh giá về quân sự thế giới trong năm 2013 của viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc đã trải qua một số cuộc thử nghiệm hạn chế và đã được triển khai cho lực lượng Pháo binh Đệ nhị (Đệ nhị Pháo binh bộ đội), thuộc quân đội Trung Quốc, quản lý các loại hỏa tiễn công ước và vũ khí hạt nhân của nước này.

Biên tập viên cao cấp của Tạp chí National Interest (Mỹ) phân tích rằng, Hải quân Mỹ có tổng cộng 30 tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tiên tiến Aegis. Cho dù Mỹ triển khai tất cả tàu có hệ thống Aegis trên khắp thế giới thì họ không thể triển khai đủ số lượng tên lửa đánh chặn cần thiết.

Trong khi đó, sự hiện diện của tàu sân bay cùng đội tàu chiến hộ tống ngoài khơi khu vực nào đó bấy lâu nay luôn là “phong cách” và điểm nhấn của quân đội Mỹ mỗi khi can dự vào khu vực nào đó.

Khả năng ngày càng hiện diện về chuyện tàu sân bay bị tấn công bằng tên lửa có thể là dấu chấm hết cho vai trò cường quốc quân sự mà người Mỹ xem là số một thế giới. Một sự kiện như thế, với sức mạnh lan tỏa tức thì của truyền thông thời đại kỹ thuật số, sẽ dẫn đến những thay đổi về chính trị, chiến lược ở quy mô toàn cầu.

Tất nhiên các quan chức quân sự Mỹ đều hiểu rằng hầu hết các quốc gia muốn theo đuổi những lợi ích riêng, độc lập với “luật chơi” do Mỹ đề ra đều tìm cách cưỡng lại sức mạnh của Hải quân Mỹ.

Và sau cùng, Hải quân Mỹ là lực lượng quan trọng hàng đầu trong việc duy trì an ninh cho hệ thống kinh tế toàn cầu. Mỹ sẽ không thể đảm bảo được sự can thiệp như thường thấy nếu tàu sân bay của họ không thể được an toàn.

Nếu ác mộng tồi tệ nhất của Hải quân Mỹ xảy ra và các đối thủ của Mỹ tăng cường khả năng đe dọa tàu sân bay, Hải quân Mỹ sẽ tái cơ cấu ra sao để đảm bảo sức mạnh của mình?

Ý tưởng về một nhóm tàu tấn công có hàng không mẫu hạm dựa trên việc ném bom vào các mục tiêu bằng các loại máy bay xuất phát từ tàu sân bay. Đây là một phần quan trọng trong khái niệm hoạt động thời kỳ mới của Hải quân Mỹ được gọi là hải - không chiến (Air-Sea Battle-ASB).

ASB tập hợp lực lượng từ mọi binh chủng: không quân, lục quân, hải quân, không gian vũ trụ và không gian ảo với mục tiêu đánh bại các đối thủ có năng lực chống tiếp cận/chống đổ bộ tinh vi.

Bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ?

Tuy khả năng xảy ra đụng độ giữa Mỹ và một số cường quốc là khá thấp, các đối thủ của Washington vẫn đang không ngừng đầu tư cho vũ khí chống tàu và với những bước tiến của công nghệ như hiện nay, không ai có thể dự báo trước công nghệ quân sự của họ sẽ còn đi đến đâu trong 5 hay 10 năm tới.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng nếu quá tự tin vào tàu sân bay cũng đồng nghĩa với việc bỏ trứng vào một giỏ.

Tuy nhiên, không phải người Mỹ nào cũng đặt hết niềm tin vào tàu sân bay. Trong một bài báo gần đây trên Tạp chí Time, nhà chiến lược hải quân, cựu thuyền trường Bernard Cole đã đưa ra những phân tích, đại ý cho rằng sự ưa chuộng tàu sân bay của quân đội Mỹ giờ đây đang bộc lộ những điểm yếu: đắt đỏ khi vận hành, khó tiếp cận mục tiêu và ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước các loại tên lửa tầm xa có khả năng tấn công chính xác…

Tất nhiên, khi người Mỹ đã nhận ra điểm yếu thì họ cũng không ngồi yên. Khắc chế hoặc bị khắc chế luôn là cuộc chạy đua của giới quân sự toàn cầu. Dù gì thì cho đến nay, tàu sân bay vẫn là một trong những biểu tượng của sức mạnh quân sự và giấc mơ sở hữu hàng không mẫu hạm vẫn được nhiều quốc gia đeo đuổi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật