Vì sao Tổng thống Ukraine giải tán Quốc hội?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vừa ký sắc lệnh giải tán Quốc hội nước này vào tuần sau. Nguyên nhân nào khiến Quốc hội nước này phải… giải tán sớm?
Vì sao Tổng thống Ukraine giải tán Quốc hội?
Một phiên họp của Quốc hội Ukraine

Ngày 21/8, phát biểu trên đài phát thanh Tự Do của Ukraine, ông Oleg Medvedev, cố vấn của Tổng thống Petro Poroshenko cho biết người đứng đầu Ukraine vừa ký một sắc lệnh giải tán Quốc hội nước này trong tuần tới. Tuy nhiên chưa cho biết thời điểm cụ thể.

Tổng thống Poroshenko cũng phát biểu trước báo giới nước này về việc sắp hết thời hạn 30 ngày cho Quốc hội thành lập một liên minh cầm quyền mới và việc giải tán Quốc hội của Tổng thống là phù hợp với hiến pháp. Cuộc bầu cử Quốc hội sớm sẽ diễn ra vào ngày 26/10/2014.

Trước đó, liên minh cầm quyền "Sự lựa chọn châu Âu" trong Quốc hội Ukraine đã chính thức tan rã sau khi hai đảng lớn là Udar (cú đấm) và đảng Svoboda rút khỏi liên minh. Sự tan rã này đặt ra thách thức nếu không thành lập được liên minh mới, Quốc hội sẽ phải giải tán và bầu cử lại.

Quốc hội Ukraine giải tán vào thời điểm nước sôi lửa bỏng, khi chiến sự ở miền Đông đang đến giai đoạn gay cấn, các biện pháp trừng phạt và trả đũa giữa EU, Ukraine với Nga ngày càng khốc liệt. Việc thiếu đi Quốc hội thời điểm này cho thấy một sự bất ổn rất lớn trong chính trị của chính quyền Kiev.

Nguyên nhân bất ổn chính trị Ukraine

Trong cục diện của Ukraine, Tổng thống Poroshenko đang ngày càng tỏ ra quyết tâm trong việc giải quyết vấn đề bằng vũ lực, khác với những lời hứa mà ông đưa ra để ve vãn cử tri về một giải pháp chính trị hòa bình trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2014.

Phải nhìn nhận rằng Poroshenko đã từng thực hiện lời hứa ấy, nhưng theo một cách áp đặt khi ông đơn phương đưa ra lệnh ngừng bắn hồi cuối tháng 6/2014. Theo những gì vị Tổng thống này mong muốn, người ly khai sẽ phải giải giáp lực lượng vũ trang, và để được ngồi vào bàn nghị sự với Kiev, miền Đông sẽ phải từ bỏ tư tưởng ly khai của mình, đổi lại nhận được một số quyền lợi mang tính... tình thế.

Tất nhiên người ly khai không đồng thuận những gì mà Tổng thống nêu ra. Và đến lúc đó, ông vua chocolate này thể hiện uy quyền của một ông vua thực sự khi mang cả đại quân vũ trang tận răng triển khai chiến dịch tấn công người miền Đông với cái tên "chống khủ‌ng b‌ố."

Bản thân Poroshenko đã ra yêu sách 14 điểm với người ly khai, mà Nga gọi đây là cuộc thanh trừng sắc tộc theo chủ nghĩa phá‌t xí‌t. Và cũng vị Tổng thống này cho phép cảnh sát ở miền Đông được nổ súng tự do vào những người đối lập.

Quân đội Ukraine tràn về các tỉnh miền Đông để đàn áp lực lượng đòi ly khai Cục diện của Ukraine đã phát triển theo một chiều hướng mà ngoài tầm kiểm soát của tất cả các bên. Phe ly khai chiến đấu kiên cường với lối đánh du kích, và giấc mơ giải quyết khẩn trương bằng chiến tranh chớp nhoáng của Poroshenko cũng tan theo khói súng.

Chính sự nhùng nhằng trên chiến trường đã khiến không có một giải pháp nào được đưa ra trên bàn đàm phán bốn bên giữa Nga, Đức, Pháp, Ukraine từ tháng 6/2014 cho đến nay. Khi thực địa không đủ sức tạo sức ép, các bên liên quan buộc phải vào cuộc bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Ukraine cũng đã hùa theo được EU khi ngày 14/8, Quốc hội nước này giành được sự đồng thuận tối thiểu (244 phiếu thuận/ 226 phiếu tối thiểu) để áp dụng "lệnh trừng phạt" lên nước Nga. Theo đó, Ukraine đóng băng đươc tài sản của Nga trên đất nước này, không cho rút vốn, cấm quá cảnh hàng không hàng hải, hủy hợp tác tài chính, quốc phòng...

Nhưng đáp lại, Nga không phải không biết trả đũa. Việc đương đầu với Nga thời điểm này của Kiev chẳng khác gì châu chấu đá xe. Với lệnh cấm vận nhập khẩu lương thực và dừng xuất khẩu năng lượng, Kiev rơi vào tình trạng khốn đốn vô cùng. Từ công nghiệp, nông nghiệp, thương mại của Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề.

Một đất nước không làm ra của cải sẽ khiến các nghị sĩ - và cũng là những nhà tài phiệt quay ra cắn xé nhau. Đây là một trong những nguyên nhân bất hòa trong nội bộ Quốc hội Ukraine.

Tổng thống Poroshenko (bên trái) trong quân phục ra chiến trường úy lạo binh sĩ Sức ép dành cho Nga từ phương Tây - lực lượng chống lưng cho Kiev không mang lại hiệu quả, đồng thời những lời hứa mà EU hay Mỹ dành cho Ukraine cũng không có điểm nào đi vào thực tế. Những khoản viện trợ 1,5 tỷ USD cho giải quyết tình hình trước mắt, 11 tỷ USD cho tái thiết đất nước đều vẫn trên chót lưỡi đầu môi.

Những người làm chính trị tại Ukraine buộc phải tính toán lại thiệt hơn. Hứa hão của nước ngoài và bế tắc nội bộ khiến các Đảng của Ukraine bắt đầu chỉ trích lẫn nhau, điều này cũng dẫn đến bất hòa.

Tiếp đến, cuộc chiến ngày càng kéo dài trong bối cảnh mùa đông sắp đến sẽ là ác mộng cho Kiev. Bởi họ không đủ sức duy trì chiến phí, không đủ năng lượng để sưởi ấm và sản xuất, nói cách khác, bát cơm và túi tiền của Kiev đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự bất hòa đã lên đến đỉnh điểm khi các nghị sĩ của Ukraine chỉ trích nhau từ cái “bụng phệ” cho đến “gương mặt khả ố”. Và dành cho nhau những cú đấm ngay trong phiên họp thường kỳ của Quốc hội.

Vì sao Tổng thống Poroshenko quyết giải tán Quốc hội?

Phải nói rằng khi những nghị sĩ không đạt được quyền lợi, việc đầu tiên họ làm sẽ là chỉ trích và quy trách nhiệm cho Tổng thống. Việc thứ hai họ làm là liên kết và tranh quyền đoạt vị cho Đảng của họ. Và thứ ba, nếu Đảng của Tổng thống yếu thế, sức ép từ phe đối diện sẽ buộc Poroshenko phải từ chức và có một sự soán ngôi.

Người dân của thành phố Donetsk rời khỏi hầm trú ẩn khi đạn pháo và bom của quân đội Ukraine ngừng dội xuống Trước nguy cơ bất hòa ngày càng rõ rệt, Tổng thống Petro Poroshenko buộc phải hành động. Cần phải biết rằng liên minh cầm quyền “Sự lựa chọn châu Âu” vừa bị giải thể hồi tháng 7/2014 là tập trung của những đảng phái chính trị liên minh với nhau từ thời đảo chính cựu Tổng thống Yanukovych.

Trong khi Poroshenko là một chính trị gia độc lập. Và Hiến pháp quốc gia này không trao nhiều quyền lực cho Tổng thống. Giải tán liên minh cầm quyền cũng là một hành động thể hiện chiến thắng chính trị của Poroshenko theo hướng tiên phát chế nhân.

Bước thứ hai, dẹp tan một Quốc hội rệu rã, chờ đợi cuộc tổng tuyển cử tháng 10, Poroshenko hy vọng trong thời gian đó có thể thay đổi cục diện chiến trường, thậm chí dành chiến thắng và sau đó là nhận được sự ủng hộ của một Quốc hội mới.

Để củng cố quyền lực của mình, Tổng thống Ukraine buộc phải một lúc chơi nhiều mặt trận, từ ngoại giao, chiến trường, cho đến chính trường.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật