Nghề “shopping thuê” kiếm hàng nghìn USD tại Trung Quốc

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Li cho CNN biết anh kiếm được hơn 6.000USD/tháng từ việc mua đồ hiệu ở Pháp rồi gửi về cho khách hàng tại Trung Quốc.
Nghề “shopping thuê” kiếm hàng nghìn USD tại Trung Quốc
Ảnh minh họa
Không giống như những thiếu nữ đôi mươi lập nghiệp tại New York hoa lệ, Zhang Yuzhu hầu như không phải lo nghĩ về sinh hoạt phí.
Là một sinh viên vừa tốt nghiệp tại Trung Quốc, cô dành thời gian lang thang tại những cửa hàng sang trọng, mua các loại đồ hiệu ở New York.
Cô từng bỏ ra 45.000USD mua chiếc túi chiếc túi Birkin của Hermes, được mệnh danh là “hình mẫu thiêng liêng” của các loại túi xách.

Tuy nhiên, số tiền này không phải là tiền túi của Zhang.

Cô là một trong những người làm nghề “shopping thuê” của Trung Quốc, công việc chính là mua các sản phẩm cao cấp, đắt tiền tại nước ngoài và gửi về cho khách hàng tại quê nhà.

Đây là một ngành kinh doanh mới nổi nhưng đã bùng nổ, đạt tổng giá trị 12 tỷ USD năm 2013, theo Trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử Trung Quốc.
Những sinh viên vừa tốt nghiệp như Zhang Yuzhu có thể kiếm thêm tiền nhờ mua hàng hiệu chuyển về cho khách hàng tìm được qua mạng xã hội.
“Mua mỗi chiếc túi xách Chanel, tôi kiếm được 200 – 300 USD, túi Hermes thì lãi hơn”, Zhang tiết lộ.
Khách hàng của Zhang sẽ mua được túi xách rẻ hơn qua kênh này vì tránh được mức thuế cao cắt cổ của Trung Quốc đối với các sản phẩm xa xỉ.
Theo lời cô, hàng mua tại Mỹ rẻ hơn 30% so với đồ mua tại Trung Quốc.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 29% tổng lượng giao dịch toàn cầu, theo số liệu của công ty tư vấn Bain & Company, và những đợt mua hàng như thế này đang được thực hiện ngày càng nhiều tại nước ngoài, hầu hết bởi khách du lịch, và do một số người làm nghề như Zhang.

Rất nhiều sinh viên Trung Quốc đang học tập tại New York, London, Paris và Tokyo cũng đang dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh đặc biệt này, đến nỗi báo cáo của Bain kết luận doanh số hàng xa xỉ bán ra của Trung Quốc đang ngày càng dựa dẫm vào kiểu “giao dịch song song” này.

Chiếc túi Hermes Birkin "thần thánh" được nhiều người Trung Quốc ưa chuộng.

Zhang tìm khách hàng qua những mạng xã hội Trung Quốc như WeChat và Weibo, cô gửi ảnh sản phẩm mới nhất lên đó mỗi tháng một lần.
Các khách hàng sẽ chuyển trước tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng, bao gồm cả tiền hoa hồng cho người mua.
Thỉnh thoảng, Zhang giảm giá đặc biệt cho khách hàng bằng cách mua hàng tại Oregon – bang miễn thuế bán hàng tại Mỹ.
Trong tháng cao điểm, cô nhận được đơn đặt hàng từ 50 khách, mua đủ các thứ đồ hiệu của Chanel, Hermes, Prada, Dior và Bottega Veneta.
Một “đồng nghiệp” của Zhang – anh Li sống tại Paris, cho biết anh kiếm được hơn 6.000USD/tháng từ việc mua đồ hiệu ở Pháp rồi gửi về cho khách hàng tại Trung Quốc.
Có bằng MBA trong tay, nhưng Li vẫn chưa có kế hoạch đổi nghề.
“Tôi là fan cuồng của đồ hiệu, và tôi nghĩ nghề shopping thuê dễ làm, dễ kiếm tiền hơn những nghề khác”, anh nói.
Tuy nhiên, Li cho biết việc làm ăn khá bất ổn. Mặc dù là khách hàng VIP tại nhiều cửa hàng của Hermes, anh chưa bao giờ được mua hàng giảm giá.
“Bạn chẳng bao giờ được Hermes giảm giá, trừ khi là khách siêu VIP”, anh cho biết.
Thêm vào đó, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng ảnh hưởng nhiều tới việc làm ăn của anh.
Khách hàng chi tiêu ít hơn trước vì những món quà đắt tiền như đồng hồ tặng quan chức đã bị chính phủ cấm.

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ của người dân Trung Quốc vẫn ở mức cao bậc nhất thế giới.

Tính đến năm 2025, cứ 2 giao dịch mua hàng cao cấp trên toàn thế giới thì 1 trong số đó là của Trung Quốc, và hầu hết được thực hiện tại nước ngoài, ông Erwan Rambourg – tác giả nhiều đầu sách nghiên cứu tiêu dùng Đại Lục dự đoán.

“Đồ đạc cao cấp giúp người Trung Quốc hòa nhập về cả mặt xã hội và tính chuyên nghiệp”, Li nói.
Mua hàng hay là buôn lậu?
Với một lượng tiền lớn được trao tay dưới sự giám sát của hải quan, kiểu kinh doanh này đã thu hút sự chú ý của các cơ quan chức năng Trung Quốc.
Kể từ đầu tháng Tám, Tổng cục hải quan Trung Quốc đã ban bố quy định yêu cầu mọi cá nhân thực hiện các “giao dịch thương mại điện tử vượt biên giới” phải cung cấp danh sách các sản phẩm xuất nhập khẩu cho hải quan.
“Những người không tuân thủ luật lệ sẽ bị buộc tội phạm pháp hoặc thậm chí buôn lậu”, Lu Zhenwang – giám đốc điều hành công ty thương mại điện tử Wanqing Consultancy, trụ sở tại Thượng Hải cho biết.
“Rất ít người chấp nhận rủi ro kiểu này”, ông cho biết.
Tuy nhiên, cả Zhang và Li nói rằng họ tạm thời chưa “rửa tay gác kiếm” sau quy định mới trên.
“Bạn có thể gọi đây là hành động buôn lậu, nhưng bạn chẳng thể chứng minh được. Sản phẩm này được mua một cách hợp pháp”, Li nói.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật