Bất ngờ hóa đơn tiền điện đột ngột giảm mạnh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau khi tăng mạnh hồi tháng 6, hóa đơn tiền điện tại nhiều hộ dân tại Hà Nội lại đột ngột giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết mát mẻ hơn và chu kỳ tính tiền điện trong tháng 7 chỉ có 30 ngày (trong khi tháng 6 là 31 ngày).
Bất ngờ hóa đơn tiền điện đột ngột giảm mạnh
Hóa đơn tiền điện tháng 7 nhiều hộ gia đình đã giảm mạnh so với tháng 6 do thời tiết. Ảnh minh họa

Chu kỳ tính ghi số điện tháng 7 ít ngày hơn tháng 6

Lâu nay, tiền điện luôn là mối quan tâm lớn của nhiều gia đình. Có lẽ chính vì vậy mà, việc tăng hay giảm hóa đơn tiền điện cũng khiến nhiều hộ thắc mắc và đặt câu hỏi “tại sao?”.

Trả lời câu hỏi của PV tại buổi họp báo của Bộ Công Thương vừa diễn ra chiều ngày 4/8, về việc trong tháng 7 vừa qua, hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình đột ngột giảm mạnh so với tháng 6, ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc hóa đơn tiền điện tăng hay giảm phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Bởi, khi thời tiết nắng nóng thì lượng điện tiêu thụ của các hộ sẽ nhiều lên và trời mát sẽ ít lại. Điển hình, thời tiết trong tháng 7 vừa qua đã mát hơn tháng 6, nên nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ làm mát của các hộ gia đình giảm.

Theo phân tích của ông Phúc, khi nhiệt độ ngoài trời chênh với nhiệt độ trong nhà khoảng 5 độ C, cho dù cùng dùng thiết bị làm mát (máy điều hòa) như nhau, nhưng mức độ tiêu thụ điện năng sẽ khác nhau ở các thời điểm khác nhau. Khi nhiệt độ ngoài trời giảm, tiêu thụ điện phục vụ làm mát trong phòng sẽ giảm.

Liên quan đến câu chuyện hóa đơn tiền điện tăng, giảm thất thường trong thời gian vừa qua, ông Phúc cũng cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của người tiêu dùng về những bất thường trong hoá đơn, Cục đã chỉ đạo EVN Hà Nội kiểm tra lại tất cả các hoá đơn tăng gấp đôi hoặc giảm một nửa, và cho công nhân đi kiểm tra lại số điện với những hoá đơn tăng, giảm bất thường trước khi phát hành hoá đơn mới.

Theo kết quả kiểm tra tại EVN Hà Nội, trong tháng 7, số hóa đơn có mức tiền điện giảm 1,5 lần tới dưới 2 lần so với tháng 6 là 183.000 trường hợp; còn nếu mức giảm từ 2 lần trở lên thì có 75.000 trường hợp. Trước đó, thời điểm tháng 6 cũng có tới 79.000 trường hợp có hóa đơn tiền điện giảm so với tháng 5 tới 1,5 lần, còn giảm tới 2 lần thì có 42.000 trường hợp. Đến thời điểm tháng 7, vẫn có 110.000 trường hợp có hóa đơn tiền điện tăng 1,5 lần; 55.000 trường hợp tăng 2 lần.

Cùng với những nguyên nhân trên, theo ông Phúc, việc hóa đơn tiền điện tháng 7 giảm hơn tháng 6 là do thời gian chốt số tiền điện giữa tháng 6 và tháng 7 có chênh nhau 1 ngày . Theo đó, tháng 6 có 31 ngày, còn tháng 7 có 30 ngày.

Cũng theo thông tin Cục phó Cục Điều tiết Điện lực, trong tháng 7, EVN cũng tiến hành công khai quy trình ghi số điện và thực hiện gửi tin nhắn cho tất cả các khách hàng biết về số điện hàng tháng trước khi in hoá đơn để đảm bảo thông tin đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc này mới chỉ thực hiện được với khoảng 40% khách hàng do nhiều gia đình chưa cung cấp đủ số điện thoại liên lạc.

Chưa có phương án tăng giá điện

Cùng với việc hóa đơn tiền điện tăng giảm bất thường, thì câu chuyện có hay không việc tăng giá điện trong thời gian tới cũng được nhiều người quan tâm.

Chia sẻ về việc điều chỉnh giá điện trong thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, theo quy trình, muốn tăng giá điện thì EVN phải đề xuất với Bộ Công Thương về việc tăng giá. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay (4/8), Bộ vẫn chưa nhận được đề xuất nào từ EVN, nên chắc chắn trước mắt sẽ không tăng giá điện.

Liên quan đến tình hình cung cấp điện trong tháng 8, Bộ Công Thương cho biết, dự kiến tổng nhu cầu tiêu thụ điện toàn hệ thống quy đổi về sản lượng điện sản xuất đầu cực máy phát điện bao gồm cả điện nhập khẩu trong tháng 8 năm 2014 đạt 12,983 tỷ kWh, tăng 12,54% so với cùng kỳ năm 2013.

Theo tính toán cập nhật của EVN, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống trong tháng 8/2014 dự báo đạt khoảng 13,205 kWh, tăng 14,37% so với cùng kỳ năm 2013. Công suất cực đại của hệ thống điện quốc gia trong tháng 8/2014 dự kiến đạt 21.660 MW, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 26/7/2014, tổng công suất đặt toàn hệ thống là 30.978 MW. Như vậy nguồn điện hệ thống điện quốc gia đủ đáp ứng nhu cầu công suất cực đại của hệ thống.

Cũng theo Bộ Công Thương, sang tháng 8, các hồ thủy điện miền Bắc sẽ bước vào mùa lũ chính vụ, tại miền Trung và miền Nam tình hình thủy văn các hồ thủy điện nhiều khả năng được cải thiện, nên khả năng phát điện của các nhà máy thủy điện sẽ được nâng cao đáng kể. Cùng với đó, các nhà máy nhiệt điện than được giảm huy động theo diễn biến lưu lượng nước về các hồ chứa thuỷ điện, các nhà máy tuabin khí được huy động theo khả năng cấp khí của hệ thống cung cấp khi Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, các nhà máy nhiệt điện chạy dầu có thể được huy động để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao hoặc khi xảy ra sự cố các nhà máy điện lớn.

Bộ Công Thương cho biết, việc cung ứng điện tháng 8 năm 2014 của toàn hệ thống điện quốc gia về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra (ví dụ: sự cố lớn ở các nhà máy điện, sự cố lưới điện 500-220 kV, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao đột biến do nắng nóng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật