Dạy những gì học sinh cần chứ không dạy những gì giáo viên có

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là tâm niệm của cô Nguyễn Kim Loan – Phó hiệu trưởng Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk Nông) - khi được hỏi về kinh nghiệm trong việc dạy học môn tiếng Anh.
Dạy những gì học sinh cần chứ không dạy những gì giáo viên có
Một tiết học tiếng Anh theo chương trình tiếng Anh đề án

tiết học “4 trong 1”

Là một giáo viên dạy tiếng Anh giỏi của tỉnh Đăk Nông, với 15 năm trong nghề cô Loan đã trở thành một nữ nhà giáo tiêu biểu, là tấm gương sáng trong phong trào đổi mới sáng tạo phương pháp giảng dạy của ngành Giáo dục tỉnh Đăk Nông.

Phương châm dạy học của cô là “dạy những gì học sinh cần chứ không dạy những gì giáo viên có”. Đặc biệt đối với môn tiếng Anh - một môn đòi hỏi học sinh phải nắm vững bốn kỹ năng Nghe - Nói - Đọc – Viết;

Do vậy cô cho rằng: Giáo viên không nên rập khuôn theo một lối dạy duy nhất hoặc dạy theo 100% chương trình của sách giáo khoa, mà thay vào đó là một phong cách dạy sáng tạo, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.

Qua tìm hiểu được biết, trong nhiều năm qua, cô Loan là một trong số ít giáo viên của tỉnh Đăk Nông nói riêng và của ngành Giáo dục nói chung đã mạnh dạn thay đổi phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh.

Theo đó, cô đã thực hiện một tiết học “4 trong 1” đó là lồng ghép cả bốn kỹ năng trên trong mỗi một tiết học thay vì dạy từng kỹ năng độc lập như trong sách giáo khoa đã thiết kế.

“Tôi đặc biệt nhấn mạnh hai kỹ năng nghe và nói thông qua quá trình giảng bài, lồng ghép những tình huống thực tế vào từng đơn vị bài học.

Đồng thời hạn chế các em sử dụng tiếng Việt hoặc Việt hoá tiếng Anh trong mỗi tiết học. Mục đích cuối cùng là để học sinh cảm thấy dễ nhớ, dễ hiểu và dễ vận dụng vào thực tế giao tiếp” – Cô Loan bộc bạch.

“Hãy lắng nghe và thấu hiểu học sinh…”

Cô Nguyễn Kim Loan

Một điều khá thú vị mà theo như cô Loan chia sẻ là: Khi áp dụng phương pháp mới này vào bài giảng đã tạo được hiệu ứng tích cực từ phía các em học sinh.

Các em chăm chú nghe giảng và hứng thú với tiết học hơn so với việc bám sát 100% bài tập trong sách giáo khoa.

“Nếu giáo viên cứ trung thành tuyệt đối với sách giáo khoa thì không thể nào đánh giá được thực lực của học sinh trong từng tiết học” – Cô Loan cho hay.

Tuy nhiên, nói là vậy nhưng để làm được điều này cũng không hề đơn giản.

Cô Loan trải lòng: Để thiết kế được bài tập thực tế, phù hợp với học sinh và không bị rập khuôn theo sách giáo khoa đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, tâm huyết và trách nhiệm với nghề.

Với các em học sinh, giáo viên phải dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu và phân loại người học để có phương pháp giảng dạy phù hợp…

Ngoài ra giáo viên phải chuẩn bị chu đáo, cẩn thận giáo án trước khi lên lớp, thậm chí là phải dự đoán được những tình huống phát sinh có thể xảy ra ở từng đối tượng học sinh.

Chính vì vậy kinh nghiệm của cô Loan là: “Phải lấy học sinh làm trung tâm và hãy đặt mình vào vị trí của các em để lắng nghe, để thấu hiểu các em cần gì, muốn gì trong mỗi bài giảng.

Như thế giáo viên sẽ biết mình phải làm gì và điều chỉnh như thế nào sao cho các em dễ dàng tiếp thu bài giảng tốt nhất và hiệu quả nhất”.

Vẫn còn những khó khăn…

Cô Loan cùng các em học sinh trong một buổi tham dự hội thảo về đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh do Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông tổ chức

Khi được hỏi về khó khăn lớn nhất khi áp dụng phương pháp mới vào các tiết học tiếng Anh của mình, cô Loan tâm sự: “Khó khăn lớn nhất hiện nay và cũng là rào cản lớn ở thời điểm này đó là: Làm thế nào để học sinh có được động lực và chất xúc tác thực sự giúp các em có được đam mê khi học tiếng Anh.

Bởi thực tế hiện nay hầu hết các em sinh sống và làm việc ở vùng sâu, vùng xa, một môi trường hoàn toàn thuần Việt, do đó nhận thức toàn diện của các em về tầm quan trọng cũng như tác động của tiếng Anh đối với cuộc sống vẫn còn hạn chế.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn làm cho tiến trình giảng dạy môn tiếng Anh khó phát huy được hiệu quả như mong muốn đó là khâu kiểm tra và đánh giá. Bấy lâu nay cả giáo viên và học sinh vẫn có thói quen học để thi và thi gì thì học nấy.

Mặt khác, định hướng của Bộ GD&ĐT đã rất rõ ràng đó là: Phải dạy đủ bốn kỹ năng nhưng khi thi học kỳ, thậm chí là thi đại học chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc thi viết. Điều này cũng tác động không nhỏ đến động lực và mục tiêu học tập của các em.

Thực tế đó đã không tạo cho các em có được một tâm thế tốt để học các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh – một kỹ năng được coi là then chốt khi học môn học này.

Không ngừng đổi mới và sáng tạo

Xuất phát từ thực tế khách quan, cô Loan cho rằng để học sinh nắm vững bốn kỹ năng thì việc giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy và học môn tiếng Anh là điều kiện tiên quyết và quan trọng hơn bao giờ hết. Nhất là hiện nay Bộ GD&ĐT đang triển khai Đề án Ngoại ngữ Quốc gia năm 2020.

Chính vì vậy mà cô luôn ý thức được rằng, phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo không ngừng trong từng tiết học tiếng Anh.

“Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục vận dụng kiến thức trong sách giáo khoa một cách linh hoạt, sinh động và lồng ghép những tình huống, những câu chuyện, tiểu phẩm gần gũi nhất, thực tế nhất nhằm giúp các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh.

Điều quan trọng là để các em cảm thấy môn học này không quá khó, không quá xa vời với thực tiễn đời thường. Hy vọng Đề án Ngoại ngữ sẽ mang lại nguồn sinh khí mới làm thay đổi cách dạy, cách học, cách nghĩ và cách đánh giá như hiện nay”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật