Muốn phát triển điện gió phải có chính sách thu hút đầu tư

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù Việt Nam đã đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư vào điện gió nhưng đến nay kết quả còn rất khiêm tốn.
Muốn phát triển điện gió phải có chính sách thu hút đầu tư
Ông Phạm Cương- Chủ tịch kiêm Giám đốc PV POWER RE.

Để tìm hiểu rõ về hạn chế này, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn ông Phạm Cương- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Tái tạo Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV POWER RE).

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực điện gió, ông có thể cho biết kết quả đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam trong những năm qua?

Hiện nay cả nước ta có gần 50 nhà đầu tư đang xem xét các dự án đầu tư vào điện gió, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và miền Tây Nam bộ. Nhưng trên thực tế, tính đến nay mới có 3 nhà đầu tư thực hiện dự án và tất cả đều đang rất khó khăn về tài chính.

Theo lộ trình phát triển đến năm 2020, để đạt tổng công suất nguồn điện gió là 1.000MW là rất khó, bởi thực tế hiện nay chúng ta mới xây dựng được 52MW. Kết quả đạt được của điện gió tại Việt Nam trong những năm qua còn rất khiêm tốn, chưa phát huy được tiềm năng của thiên nhiên về năng lượng gió. Nguyên nhân chính do chưa có cơ chế chính sách, giá bán điện gió phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Được biết, nhiều nhà đầu tư còn e ngại khi đầu tư vào điện gió ở Việt Nam với lý do mức giá bán thấp, khả năng hoàn vốn lại kéo dài, ông có thể cho biết quan điểm về vấn đề này?

Với vai trò là nhà đầu tư đã thành công và đưa Nhà máy Phong điện Phú Quý vào phát điện thương mại gần hai năm qua, tôi cho rằng, để thực hiện được một dự án điện gió phải qua rất nhiều bước, đặc biệt là các dự án không nối lưới quốc gia. Trong khi, với giá bán điện gió chỉ có 7,8 Cent/1kWh theo Quyết định 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như hiện nay thật chưa hợp lý. Với giá bán này thì khả năng thu hồi vốn là rất khó, đây chính là “rào cản” làm cho các nhà đầu tư chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió, bởi theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng thế giới (WB), về mặt lý thuyết thì tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam có thể lên tới trên 500.000 MW.

Tuy nhiên, trên cơ sở các nhà chuyên môn về năng lượng tiến hành khảo sát, phân tích tính khả thi một cách kỹ lưỡng thì Việt Nam  có thể khai thác thương mại đến 25.000 MW. Đặc biệt tại những khu vực Nam Trung bộ, như Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh miền Tây Nam bộ như: Sóc trăng, Bạc Liêu... có thể lắp đặt các trang trại gió với khả năng khai thác từ 2.000 - 2.500 Tmax/năm (số giờ vận hành Tmax).

Để thu hút được các nhà đầu tư tiềm lực đầu tư vào điện gió tại Việt Nam, theo ông Chính phủ cần có chính sách khuyến khích như thế nào?

Theo tôi, để thu hút được các nhà đầu tư vào điện gió thì Chính phủ cần phải có sự quan tâm đến lĩnh vực “phong điện” một cách thỏa đáng và có các chính sách hỗ trợ rõ ràng. Như giá bán điện gió cần được tính rõ ngay từ khâu lập dự án đầu tư, vì lĩnh vực điện gió có tính đặc thù và rủi ro cao. Nếu làm được vậy thì nhà đầu tư mới có thể hạch toán được giá thành sản xuất điện, làm cơ sở giải quyết bài toán kinh tế cho doanh nghiệp (DN).

Bên cạnh đó, Chính phủ, Bộ Tài chính cần hỗ trợ các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực này, thông qua việc thẩm định dự án để bảo lãnh cho các DN được vay từ nguồn quỹ phát triển môi trường, với lãi suất ưu đãi từ 1-2%/năm.

Đặc biệt, giá điện gió cần phải điều chỉnh tăng hơn hiện nay, bởi theo tính toán chính xác, tối thiểu thì giá điện gió phải từ 9,5 cent/kwh cho các nhà đầu tư trong nước và 10,5 cent/kwh cho các nhà đầu tư nước ngoài. Với giá bán điện này nhà đầu tư cũng chưa có lãi nhưng bước đầu cũng có thể thu hút, khuyến khích các DN muốn quan tâm đầu tư cho lĩnh vực phong điện tại Việt Nam.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật