Grand Prix Hungary và những lý giải dưới góc độ chiến thuật

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bài viết của phóng viên BBC James Allen sẽ cho độc giả biết vì sao Lewis Hamilton (đội Mercedes) không chiếm được vị trí thứ nhì của Valtteri Bottas (Williams) tại đường đua Hockenheim.
Grand Prix Hungary và những lý giải dưới góc độ chiến thuật
Ricciardo ăn mừng chiến thắng ấn tượng tại Hungary. Ảnh: Formula 1.

Từ tuần này, các đội đua có thể sử dụng những diễn biến tại Grand Prix Hungary vừa qua để làm bài kiểm tra lý tưởng dành cho những chiến thuật gia tương lai. Theo đó họ sẽ được cung cấp băng video của cuộc đua cùng những dữ liệu diễn ra khi đó để trả lời câu hỏi “Bạn sẽ làm gì trong tình huống này?”

Như thường lệ, những lựa chọn chiến thuật vẫn là yếu tố quyết định tới sự thành bại trong cuộc đua chiều Chủ nhật. Điều kiện thời tiết biến đổi khó lường, xe an toàn hai lần được triển khai đã khiến Grand Prix Hungary vừa qua diễn ra đầy kịch tính và rất hấp dẫn, trong tình hình đó các đội buộc phải đưa ra những quyết định chiến thuật một cách rất mau lẹ.

Trong mỗi tình huống, các đội đua có thể đưa ra nhiều phương án khác nhau. Tuy nhiên không dễ để lựa chọn hoặc là thực hiện thành công một trong số các phương án đó bởi vì tình hình khi đó rất phức tạp và không chắc đã diễn ra theo đúng mong muốn và dự đoán của các đội đua.

Sau đây chúng ta hãy cùng phân tích những lựa chọn được nhắc đến nhiều nhất và xem các chiến thuật đó được quyết định như thế nào?

Liệu Mercedes có thể lựa chọn một chiến thuật khác dành cho Lewis Hamilton?

Với việc các cổ động viên ngày càng quan tâm và hiểu biết hơn đến vấn đề chiến thuật, một câu hỏi được đặt ra sau khi Grand Prix Hungary kết thúc là có phải Mercedes đã lựa chọn chiến thuật sai lầm dành cho Hamilton? Tại sao đội đua nước Đức lại cho ngôi sao người Anh sử dụng lốp trung bình sau lần vào pit thứ hai ở vòng 38 khi cuộc đua còn tới 32 vòng phía trước? Liệu Hamilton có thể sử dụng hai bộ lốp mềm trong 32 vòng đua cuối cùng?

Hamilton không thể vượt Alonso do không lường được chiến thuật của đối thủ. Ảnh: Formula 1.

Việc Mercedes quyết định thay lốp trung bình cho Hamilton tại vòng 32 đã giúp Rosberg có cơ hội rút ngắn khoảng cách với người đồng đội. Tới khoảng vòng 50, ngôi sao người Đức đã tiến sát tới Hamilton nhờ sử dụng chiến thuật bá pit trong khi người đồng đội duy trì bộ lốp trung bình cho tới cuối cuộc đua. Khi đó, ngôi sao người Anh đã phản đối sự dàn xếp của đội nhà bằng cách không cho Rosberg vượt qua hòng không để mất thêm điểm trước người đồng đội trong cuộc đua tới chức vô địch mùa giải.

Sự dàn xếp của Mercedes vừa vô ích và cũng không cần thiết khi từ đầu mùa đội đua nước Đức đã khuyến khích các tay đua cạnh tranh sòng phẳng. Cả Hamilton và Rosberg đang cạnh tranh chức vô địch vì thế họ chẳng việc gì phải dễ dàng để đối thủ vượt qua, kể cả trong trường hợp hai người đang sử dụng hai chiến thuật khác nhau.

Chúng ta sẽ cùng xem ảnh hưởng của sự khởi đầu lộn xộn tới cuộc đua của Rosberg sau. Trước hết cần phải khẳng định tình huống Hamilton nhanh chóng vượt qua Jean Eric Vergne (Toro Rosso) đã quyết định tới sự thành công trong chiến thuật của ngôi sao người Anh, điều mà Rosberg đã không làm được. Nhờ sự giải quyết nhanh gọn chiếc STR-09, Hamilton đã không bị vướng chân và thoải mái tăng tốc. Điều này đã giúp ngôi sao người Anh kéo dài tuổi thọ của lốp tới vòng 38.

Lúc này, Ferrari quyết định đưa Fernando Alonso vào thay lốp để tránh bị Hamilton nhảy cóc. Sự lựa chọn của đội đua Italy buộc Mercedes phải có đối sách thích hợp bằng việc đưa ngôi sao người Anh vào thay lốp một vòng sau đó. Điều này cũng giúp Hamilton vẫn chạy phía trước Rosberg sau khi thay lốp.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao Hamilton không chuyển sang dùng lốp mềm mà lại dùng lốp trung bình? Mercedes đã lựa chọn lốp trung bình vì khi đó Alonso chuyển sang dùng lốp mềm. Việc sử dụng chiến thuật hoàn toàn giống đối thủ phía trước sẽ khiến Hamilton có rất ít cơ hội để vượt qua đối thủ.

Trong các buổi đua thử và lẫn cuộc đua cho tới thời điểm đó, chưa có tay đua nào có thể duy trì một bộ lốp mềm trong suốt quãng đường 32 vòng đua. Nhưng đó lại là điều mà Alonso phải thực hiện nếu muốn về đích mà không cần về pit thêm. Sau các buổi đua thử, các đội đều tiên đoán bộ lốp mềm chỉ có tuổi thọ tối đa là 21 vòng đua. Nếu điều kiện tại Hungaroring mát mẻ hơn thì bộ lốp mềm cũng chỉ có thể duy trì tới 25 vòng đua. Nếu rơi vào tay của một người giữ lốp tốt thì cũng chỉ đẩy lên tới 28, 29 vòng. Vì thế tuổi thọ 32 vòng quả là không tưởng. Chính điều này đã làm nổi bật kỹ năng giữ lốp đầy hiệu quả của Alonso.

Kỹ năng giữ lốp hiệu quả giúp Alonso có được vị trí thứ nhì tại Hungaroring. Ảnh: Formula 1.

Khi đó, Mercedes chắc chắn nghĩ rằng họ không thể chạy suốt 32 vòng với bộ lốp mềm vì thế họ để Hamilton chuyển sang dùng lốp trung bình. Vì thế, họ tin rằng Hamilton sẽ có được sự linh động về chiến thuật hòng vượt qua Alonso ở cuối cuộc đua nếu sử dụng lốp trung bình. Theo đó ngôi sao người Anh có thể dễ dàng vượt qua đối thủ khi Alonso phải thay lốp một lần nữa ở cuối cuộc đua. Nếu không Hamilton vẫn có thể nhảy cóc qua đối thủ nếu bám sát được Alonso và sau đó chuyển sang bộ lốp mềm để vượt qua đối thủ.

Từ thời điểm đó, Hamilton không còn đủ khả năng tự quyết được ngôi nhất chặng. Trong khi đó, Ricciardo đã hoàn toàn đủ sức chiến thắng với tay lái xuất sắc, pha trộn giữa sự kiên nhẫn chờ đợi thời cơ và thực hiện thành công mục tiêu khi có cơ hội. Chiến thuật hoàn hảo của Ricciardo được sự trợ giúp bởi lần xuất hiện đầu tiên của xe an toàn. Việc xe an toàn được triển khai đã giúp tay đua trẻ của Red Bull sớm vượt lên cả Rosberg, Bottas, Vettel lẫn Alonso. Ricciardo củng cố thêm lợi thế nhờ tốc độ có được trong khoảng thời gian giữa hai lần xuất hiện của xe an toàn, ngoài ra việc ở phía sau Vergne cầm chân các đối thủ rất lâu cũng đã giúp tay đua người Australia rất nhiều.

Dù Mercedes có cho Hamilton sử dụng hai bộ lốp mềm thay vì một bộ lốp trung bình thì anh cũng không thể vượt qua được Ricciardo bởi khi đó tay đua của Red Bull đã tạo ra được khoảng cách rất lớn với nhóm sau. Vì thế cho dù Hamilton có thay đổi chiến thuật đi chăng nữa thì anh cũng chỉ đủ sức đua tranh vị trí thứ nhì với Alonso và Rosberg.

Hamilton đã đánh bại được Rosberg nhưng việc Ferrari quyết định để Alonso hoàn thành nốt cuộc đua với bộ lốp mềm đã khiến Mercedes mắc sai lầm. Hamilton đã không thể vượt đối thủ người Tây Ban Nha do việc bộ lốp trung bình khiến chiếc W05 thất thiệt về tốc độ so với chiếc F14T dùng lốp mềm của Alonso.

Sau khi mọi thứ đã kết thúc, thật dễ để nhận thấy Mercedes đã mắc sai lầm. Tuy nhiên, tại thời điểm đó nếu đội đua nước Đức biết được Alonso đủ sức chạy hết quãng đường 32 vòng còn lại với bộ lốp mềm thì Mercedes đã để Hamilton sử dụng lốp mềm từ vòng 39 và đủ sức tấn công rồi dễ dàng vượt qua Alonso ở những vòng đua cuối cùng.

Tất cả những lý do trên đủ sức đưa Grand Prix Hungary năm nay trở thành một bài tập kinh điển để các chiến thuật gia tương lai thử sức. Bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó khi mà bạn bị bó buộc bởi thông tin hạn chế chứ không phải là những thông tin bạn biệt sau cuộc đua.

Ngoài việc Mercedes mắc sai lầm, một đội đua khác cũng có quyết định thất bại. Đó là Williams khi họ để Felipe Massa sử dụng tới hai bộ lốp trung bình ở 47 vòng đua cuối cùng. Điều này có thể được lý giải là do sự thiếu tự tin của Williams.

Tại vòng 23, Massa chạy ở vị trí thứ hai ngay sau Ricciardo khi cả hai cùng vào pit. Cuộc đua lúc này còn 47 vòng ở phía trước. Red Bull quyết định để Ricciardo sử dụng hai bộ lốp mềm trong khoảng thời gian đó, một chiến thuật lý tưởng. Williams không phải là một đội đua có khả năng giữ lốp tốt ngoại trừ vài ngoại lệ như Bottas.

Williams quyết định để Massa thay lốp sớm là bởi vì họ dè chừng Raikkonen, người đang chạy phía sau và cũng có khả năng sắp thay lốp. Vì thế để tránh bị tay đua Ferrari qua mặt, Massa buộc phải thay lốp sớm khi bộ lốp mềm mới được sử dụng có 15 vòng, trong khi thông thường phải đến 22 vòng các tay đua mới phải thay lốp mềm tại Hungaroring.

Do không tin Massa có thể hoàn thành 47 vòng đua với 2 bộ lốp mềm nên Williams đã để tay đua người Brazil sử dụng lốp trung bình. Lựa chọn này đã khiến Massa không thể tái lập được khoảng cách trước đó sau lần xuất hiện thứ hai của xe an toàn. Trong thực tế, dù có thay đổi chiến thuật thì Massa cũng khó có thể làm tốt hơn vị trí thứ năm sau Rosberg.

Bốn tay đua xuất phát đầu lỡ mất cơ hội vào pit khi xe an toàn xuất hiện như thế nào?

Vụ tai nạn của Ericsson đã làm xoay chuyển cục diện cuộc đua. Ảnh: Formula 1.

Các đội đua F1 đều được cung cấp những video và những dữ liệu công nghệ rất chi tiết tại các chặng đua. Điều này cho phép họ có thể phân tích kỹ càng từng chi tiết của các tình huống tới độ phân giải 1/1000 giây. Tình huống đã xảy ra tại cuối vòng tám là rất ít khi gặp trong môn thể thao F1. Nó liên quan chủ yếu tới bốn chiếc xe dẫn đầu khi đó là Rosberg, Bottas, Vettel và Alonso.

Khi chiếc xe của Marcus Ericsson (Caterham) gặp tai nạn, Rosberg đang ở Turn 13, phía cuối của đường đua. Tín hiệu cờ vàng đã được các trọng tài đưa ra tại vị trí Turn 13, tuy nhiên nó là không đủ để các đội khẳng định là xe an toàn sẽ xuất hiện ngay sau đó. Chỉ ít giây sau đó, màn hình TV cho thấy mức độ hư hỏng và vị trí của chiếc CT05 sau tai nạn, nó đã cho thấy rõ khả năng xe an toàn sẽ được triển khai.

Khi đó, chiếc W05 của Rosberg đã chạy quá lối vào pit, vì thế tay đua người Đức buộc phải đợi tới vòng sau mới có thể quay về pit. Bottas, Vettel, Alonso chạy chậm hơn Rosberg tầm 10 giây nên vẫn có thể vào pit thay lốp. Tuy nhiên, Williams, Red Bull và Ferrari không đủ thời gian để kịp gọi ba tay đua trên về pit. Trong khi các tay đua còn lại rất nhanh chóng tận dụng thời gian xe an toàn xuất hiện để trở về pit thay lốp.

Tuy nhiên, vận đen thực sự chỉ đến với bốn tay đua này sau đó. Không như thường lệ, lần này các xe an toàn xuất hiện rất nhanh chóng trên đường đua để đón đầu các tay đua dẫn đầu. Rosberg suýt nữa đã vượt qua được sự đón lõng của xe an toàn chỉ trong ít giây. Vì thế Bottas, Vettel và Alonso cũng rơi vào tình trạng tương tự Rosberg khi sớm bị xe an toàn cản trở.

Thông thường, xe an toàn sẽ chạy trên đường đua ở mức 80% so với tốc độ trung bình của cuộc đua. Tuy nhiên, lần này xe an toàn chỉ chạy ở mức 55% để nhường đường cho xe cấp cứu vượt qua để kịp đến hiện trường tai nạn. Vì thế bốn tay đua dẫn đầu càng bị mất nhiều thời gian do bị xe an toàn giữ chân. Sau khi thay lốp xong ở vòng kế tiếp, Rosberg tụt xuống thứ tư. Trong khi đó, Bottas, Vettel và Alonso lần lượt rơi xuống vị trí thứ 11, 7 và 8.

Nhiệm vụ của xe an toàn là đưa đoàn đua có tốc độ giống nhau, tuy nhiên lần này mọi thứ lại không diễn ra như vậy. Sau khi bị chỉ trích do xe an toàn không xuất hiện tại vụ va chạm của Sutil ở Hockenheim, các trọng tài có vẻ đã thay đổi và phản ứng rất nhanh. Trong khi đã hưởng lợi bởi quyết định ở tuần trước, lần này Rosberg lại bị thiệt thòi ở chặng đua lần này do sự xuất hiện của xe an toàn.

Bỏ qua sự tác động của con người, xác suất xảy ra hiện tượng như Hungary là rất nhỏ vì thế còn rất lâu nữa chúng ta mới có thể gặp lại tình huống tương tự.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật