Những “quả đấm thép”: Lật tẩy “thánh nhân” ở Tam Xuân, Quảng Nam

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một tối tháng 11 năm 1997, ông cậu ở Nha Trang đột ngột gọi cho tôi thông báo: “Mai ra Đà Nẵng, mi đưa tau với em đi vô Quảng Nam, tìm thầy Tứ chữa bệnh nghe”. Lấy làm lạ, tôi đùa: “Quảng Nam mênh mông rứa, biết đường mô tìm?”. Ông gắt: “Báo CATP đăng phóng sự mấy kỳ về ông thầy chữa tứ chứng nan y thần diệu, trong ni họ kéo ra rần rần...”. Đến đây, nhận thấy sự việc không “ba lơn” được, hôm sau tôi lật đật chạy đi tìm tờ báo. Bước vào quầy bán báo, chị chủ cười toe toét: “ Vụ Thầy Tứ phải không ?”. Nói rồi chị với tay đưa tôi 3 tờ photocopy bài báo, nhắn thêm: “Mai nhớ đến sớm để đón đọc kỳ tới ly kỳ hơn”.

Loạt phóng sự điều tra trên gồm nhiều kỳ, kể chuyện một vị “thần tiên” có tục danh là thầy Tứ, quê xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Sau một thời gian học đạo ở tận Campuchia, “thầy” về quê cứu nhân độ thế. Và đặc biệt ông chỉ dùng “chưởng” cách không để chữa bệnh. Loạt phóng sự điều tra trên khiến bàn dân thiên hạ ùn ùn kéo nhau đến Tam Xuân. Trực cảm, tôi nhận thấy sự kiện này có gì đó bất tường minh, nhưng có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Vì vậy tôi tổ chức ngay nhóm phóng viên vào Quảng Nam, tiến hành tổ chức điều tra, viết bài.

Gặp chúng tôi ngay cổng UBND xã Tam Xuân, ông Chủ tịch xã vò đầu, bứt tai kêu trời vì mỗi ngày cả trăm người, bằng mọi phương tiện tìm đến địa phương. Ông bực dọc: “Tui lạy mấy ông nhà báo, viết thì cũng cho có lý, chứ hắn (thầy Tứ - tên thật là Đỗ Vạn Thông) trốn nghĩa vụ quân sự, bỏ đi lưu linh lạc địa, bây giờ về bày trò mê tín dị đoan, chữa bệnh mà cứ tả như thánh, như tướng rứa thì còn chi là sự thiệt”. Rời trụ sở xã, chúng tôi đi một vòng quanh xóm giềng của thầy thì ai cũng bĩu môi, chửi mấy “thằng” nhà báo “nói láo ăn tiền” (!?). Nghe xót quá, nhưng cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì, không điên tiết sao được khi một vùng quê yên tĩnh bỗng dưng bị xáo trộn dữ dội vì cả ngàn người bệnh từ cả nước kéo về gây ra cảnh mất trật tự. Lều trại giăng giăng khắp nơi từ trong nhà, tràn ra ngoài ruộng, ăn ở cũng đó mà vệ sinh cá nhân cũng đó, làm ô nhiễm, xú uế vô kể....

Tôi quyết định diện kiến “thầy”. Nghe đệ tử báo có nhà báo vào thăm, ngay lập tức thầy đon đả mời ngay vào uống nước (có lẽ thầy có cảm tình với báo chí sau mấy kỳ báo đăng trên CATP). Trên bàn cao, ảnh một thầy Tứ toạ thiền trong tư thế kiết già, ghép ngồi trên một đoá sen to, sau lưng là cây bồ đề toả bóng trông như Phật tổ. Quan sát, tôi biết cảm giác mình đã không sai. Tuy vậy để vạch mặt trò bịp bợm này, chúng tôi mời “thầy” phô diễn thần công “chưởng” vào một trong hai phóng viên. “Thầy” gạt phắt vì “hôm nay chưa triệu hồi được thần bảo mệnh”. Và từ thời điểm đó trở đi, chúng tôi trở thành “đối tượng” của thầy.

Sau nhiều ngày gặp gỡ, thu thập chứng cứ từ các cơ quan và tổ chức trực tiếp phỏng vấn; đặc biệt là việc tìm được bộ hồ sơ bệnh án các “bệnh nhân”, tự nhận mắc bệnh ung thư, được thầy chữa lành bệnh đang lưu tại bệnh viện Quảng Nam, chúng tôi viết 4 kỳ phóng sự điều tra “Vạch mặt thánh nhân”. Báo đăng hôm nay, hôm sau “thầy” bỏ trốn mất tiêu, để lại cả ngàn con bệnh ngơ ngác. Và rồi “bệnh viện” tự phát cũng tự nhanh chóng giải toả, trả lại sự bình yên cho một vùng quê.

Vài hôm sau Công an huyện Núi Thành tìm được “thầy” trốn trong một am nhỏ, phía sau núi. Với sự chứng kiến của báo chí và chính quyền, Công an cho phép “thầy” Tứ thực nghiệm “chưởng” trên 5 ngư‌ời tìn‌h nguyện để chữa bệnh. Và kết quả cho thấy đây chỉ là trò bịp bợm.

Tìm hiểu mới biết, có một phóng viên trẻ, còn non nghề thấy việc “hay hay”, viết bài gửi báo. Tòa soạn vội vàng đăng ngay, mà không kiểm chứng. Kết quả báo chí không chỉ mất uy tín, mà còn dẫn đến sự tốn kém của người dân, gây xáo trộn đời sống bình yên ở một vùng quê.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật