EU tung “đòn” đau đớn đầu tiên nhằm vào Nga

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau một thời gian dài chần chừ, do dự, Liên minh Châu Âu (EU) cuối cùng cũng đã tung ra những đòn trừng phạt gây đau đớn đầu tiên nhằm vào Nga. Đây là bước đi mạnh mẽ nhất của EU đối với Moscow. Và để tăng thêm sức mạnh cho vòng trừng phạt mới, Mỹ cũng tuyên bố áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
EU tung “đòn” đau đớn đầu tiên nhằm vào Nga
Tổng thống Obama (ở giữa) và các quan chức hàng đầu của EU

Cả Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ hôm qua (29/7) đã đồng loạt thông báo áp dụng những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow dựa trên cáo buộc cho rằng điện Kremlin hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Loạt đòn trừng phạt mới này có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Nga.

28 quốc gia thành viên của EU đã lần đầu tiên thừa nhận trong tuyên bố phát đi ngày hôm qua rằng, họ đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Nga. Cụ thể, các đòn trừng phạt mới bao gồm việc “giới hạn khả năng tiếp cận của các tập đoàn tài chính nhà nước Nga đối với các thị trường tài chính của EU; cấm vận vũ khí với Nga; cấm xuất khẩu sang Nga các mặt hàng có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự lẫn quân sự và hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với những công nghệ nhạ‌y cả‌m, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ”.

Những biện pháp nhằm vào các “khu vực” cụ thể của Nga nói trên là bước đi mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất của EU đối với Moscow, các thành viên EU cho biết. Giới lãnh đạo Châu Âu đang gia tăng áp lực lên chính phủ Nga trong suốt nhiều tháng qua bằng một loạt biện pháp trừng phạt như mở rộng danh sách các cá nhân và công ty Nga bị cấm đi lại và bị phong tỏa tài sản. Tuy nhiên, nhiều nước Châu Âu vẫn chần chừ, do dự, không muốn tung ra những “đòn” trừng phạt nhằm vào các khu vực then chốt của nền kinh tế Nga vì họ đều hiểu rằng, các biện pháp đó có thể làm đau chính EU do Nga là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của liên minh này.

Vài giờ sau khi EU thông báo về các biện pháp trừng phạt mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng tuyên bố trong bài phát biểu vào buổi chiều qua ở bên ngoài Nhà Trắng rằng, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa thêm 4 cái tên vào danh sách những thực thể của Liên bang Nga bị trừng phạt bởi Washington, trong đó có Ngân hàng Moscow, Ngân hàng Nông nghiệp Nga, Ngân hàng VTB OAO và Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của nhà nước Nga.

Ngoài ra, Tổng thống Obama còn cho biết, Mỹ cũng sẽ “phong tỏa việc xuất khẩu những mặt hàng và công nghệ cụ thể cho ngành năng lượng Nga”, “mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng” đồng thời “tạm ngừng những khoản tín dụng nhằm khuyến khích xuất khẩu sang Nga”.

“Bởi vì chúng tôi phối hợp chặt chẽ các hành động với Châu Âu nên các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi thông báo ngày hôm nay sẽ có ảnh hưởng lớn hơn”, ông Obama cảnh báo.

Mỹ trước đó đã áp đặt một số biện pháp trừng phạt về kinh tế đầu tiên nhằm vào Nga, bao gồm việc trừng phạt tập đoàn dầu mỏ lớn nhất của Nga – Rosneft và tập đoàn tài chính Vnesheconombank, với lý do là để cảnh cáo Nga về cái mà họ cho là sự dính líu của nước này vào tình hình bất ổn ở nước láng giềng Ukraine.

Tuy nhiên, đòn trừng phạt mới nhất trên được đưa ra sau khi xảy ra vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines rơi ở miền đông Ukraine, khiến toàn bộ 298 người đi trên đó t‌ử nạ‌n. Mỹ và phương Tây khăng khăng cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Họ cũng cho rằng lực lượng ly khai đã bắn rơi máy bay MH17 và vì thế họ tin rằng, Nga cũng có lỗi trong chuyện này.

"Nếu Nga tiếp tục đi theo con đường hiện tại, nước này sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm nhiều hậu quả”, Tổng thống Obama hôm qua đã cảnh báo như vậy. "Các hành động của Nga ở Ukraine và những biện pháp trừng phạt mà chúng tôi áp đặt sẽ khiến nền kinh tế yếu kém của Nga thêm èo uột hơn", ông chủ Nhà Trắng nói thêm.

Trong khi đó, ở thủ đô Brussels của Bỉ, Thủ tướng Đức Angela Merkel – người từng rất miễn cưỡng tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì mối quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa Nga với Đức, tuyên bố, các đòn trừng phạt mới của EU nhằm vào Moscow là “không thể tránh khỏi”.

Trước đây, EU chỉ giới hạn áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức bị báo buộc liên quan trực tiếp đến tình hình khủng hoảng chính trị ở Ukraine. EU luôn tìm cách tránh những biện pháp trừng phạt gây đau đớn đối với nền kinh tế Nga vì lo sợ hậu quả “gậy ông đập lưng ông”.

Tuy nhiên, ngày hôm qua, EU đã lần đầu tiên phối hợp với Mỹ để tung ra những biện pháp trừng phạt gây đau đớn đầu tiên đối với Nga với hy vọng rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ thay đổi lập trường trong vấn đề Ukraine. Mặc dù vậy, Mỹ và EU được cho là sẽ phải tiếp tục thất vọng bởi Moscow sẽ không lùi bước trong vấn đề Ukraine. Moscow nhiều lần bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và phương Tây nhằm vào nước này đồng thời tuyên bố rằng, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga chỉ khiến Nga thêm độc lập hơn và tự tin hơn vào sức mạnh của mình.

Khi được hỏi liệu cuộc khủng hoảng ở Ukraine có khả năng gây ra một cuộc chiến tranh lạnh mới hay không, Tổng thống Obama đã trả lời là không. “Đó không phải là một cuộc chiến tranh lạnh mới. Đó là một vấn đề rất cụ thể liên quan đến việc Nga không sẵn sàng thừa nhận rằng Ukraine có thể tự phát triển theo con đường riêng của mình”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật