Đừng để chị Xuân thêm một lần thương tích

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ mấy tháng nữa thôi là Kỉ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất nước. Thế nhưng vẫn còn đó những người đã đổ máu xương cho ngày chiến thắng, song vẫn chưa được đền đáp xứng đáng. Một trong số những số phận thiệt thòi đó là chị Võ Thị Xuân, sinh năm 1946, xóm Phú Thọ, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.
Đừng để chị Xuân thêm một lần thương tích
Ảnh minh họa

Theo tác giả bài báo, phóng viên Văn Dũng, vào năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tại chảo lửa Miền Trung (1968), chị Võ Thị Xuân cùng nhiều đoàn viên thanh niên xã Thượng Lộc gia nhập lực lượng dân công hỏa tuyến thuộc Đại đội C3D5 làm nhiệm vụ tại mặt trận B5, Quảng Trị.

Sáng ngày 27/7/1968, đang trên đường đi tải đạn, cả tiểu đội bị trúng bom, Võ Thị Xuân được đơn vị chuyển về bệnh viện 43 (Quảng Trị). Sau nhiều tháng chữa trị, chị Xuân được đơn vị cho trở về quê.

Chiếu theo Pháp lệnh Người có công, ngày 21/7/2002, Hội đồng Giám định Y khoa Hà Tĩnh kết luận chị Võ Thị Xuân bị mất sức lao động, tỷ lệ thương tật vĩnh viễn là 22%.

Mọi chuyện diễn ra đúng trình tự, chị Xuân đang chờ đợi cái ngày được hưởng chế độ như thương binh, thì bất ngờ cơn bão “thương binh giả” phát lộ tại nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Tĩnh.

Để giải quyết vấn nạn này, Bộ LĐTB-XH đã siết chặt việc thẩm định hồ sơ. Những bộ hồ sơ thuộc diện đang được Cục Người có công thẩm định như trường hợp chị Xuân chịu chung hệ lụy.

Hơn 10 năm qua, chị Xuân đã đội đơn đi tìm công lý nhưng sự vòng vo, rườm rà của thủ tục cùng với sự quan liêu, cứng nhắc đã khiến chị phải trải qua những tháng năm với biết bao khốn khổ, tủi hờn.

Trong khi những người cùng tiểu đội, cùng bị thương ngày đó như đại đội trưởng Lê Văn Túc và các chị Võ Thị Tâm, Đặng Thị Trinh, Phan Thị Nhường, Trần Thị Chắt đều đã được hưởng đúng chế độ chính sách.

Trước sự bức xúc của mẹ mình, gần đây, người con của chị Xuân đã gửi bức tâm thư đến Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, có đoạn:

“Kính thưa Bộ trưởng!

Suốt hơn 10 năm qua, gia đình tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, từ cấp xã, huyện, tỉnh. Cái hành trình ấy khiến tôi như lạc vào ma hồn trận với vô số thủ tục và sự thiếu trách nhiệm. Lên xã, xã bảo do huyện; lên huyện, huyện bảo do tỉnh; lên tỉnh, tỉnh bảo do dưới làm sai thủ tục, hồ sơ, rồi do cơ chế chính sách...

Đã hơn 10 năm rồi mẹ tôi chờ đợi trong sự buồn tủi, day dứt. Những lần xem ti vi, thấy những phóng sự, hình ảnh ngợi ca những người cống hiến cho Tổ quốc, cho cách mạng thì nước mắt mẹ tôi lại cứ chảy ra. Là một người con, tôi hiểu nỗi buồn, sự tủi hờn, nỗi day dứt của mẹ. Tôi đã làm tất cả những gì có thể để mẹ có chút quyền lợi, có tinh thần sống vui cùng con cháu. Nhưng tất cả lại cứ vô vọng. Tôi không hiểu tôi phải làm gì thêm nữa để mẹ tôi có thể nhận được quyền lợi chính đáng của mình?

Kính thưa bà!

Mẹ tôi giờ sức lực đã héo mòn, bệnh tật hành hạ thương xuyên, không biết còn sốngở cõi trần được bao lâu nữa. Tôi cầu mong Bà hãy xem xét thấu đáo để mẹ tôi được hưởng quyền lợi chính đáng, đúng với tinh thần, chủ trương mà Đảng, Nhà nước dành cho người có công với cách mạng”.

Được biết ngày 22/7 vừa qua, tân Bí thư huyện ủy Can Lộc Võ Hồng Hải cho biết sau khi đọc loạt bài báo, ông đã giao Trưởng phòng LĐTB-XH phải nắm đầy đủ thông tin vụ việc, có hướng đề xuất giải quyết. Nếu đúng thì ngay trong đợt rà soát các đối tượng chính sách theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ đang tiến hành, phải đưa hồ sơ bà Xuân vào diện ưu tiên.

Báo hoan nghênh tinh thần khẩn trương của Bí thư Hải và rất mong ông kết hợp với Bộ LĐ-TB&XH sớm giải quyết vụ việc này bởi kiếp người có hạn và sự chờ đợi cũng có giới hạn.

Chị Xuân đã gần 70 tuổi và đã một lần bị thương, xin đừng để chị Xuân thêm một lần thương tích.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật