Còn tiêu cực, “cò mồi” trong kiểm soát tải trọng xe

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nay, nhiều giải pháp đang được triển khai đồng bộ để kiểm soát tải trọng xe (KSTTX). Kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, ngoài những địa phương tích cực, lượng xe quá tải giảm, vẫn còn những địa phương chưa làm tốt, hiệu quả cân xe chưa cao, thậm chí còn xuất hiện cả tiêu cực, nạn “cò mồi”.
Còn tiêu cực, “cò mồi” trong kiểm soát tải trọng xe
Tình trạng lái xe tụ tập chờ thời cơ để vượt trạm cân diễn ra khá phổ biến. Ảnh: Internet.

Chiều nay 28-7, Báo Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Chống tiêu cực trong kiểm soát tải trọng xe” (KSTTX). Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, việc KSTTX dù đã triển khai đồng loạt trên toàn quốc nhưng có nơi làm tốt, nơi chưa tốt. Thực tế vẫn có hiện tượng, lái xe trả tiền bảo kê để được hẹn giờ qua trạm cân, không tạo được môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN vận tải.

Đối với vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ thừa nhận: Hiện nay, nhiều giải pháp đang được triển khai đồng bộ để KSTTX. Kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, ngoài nhiều địa phương tích cực, lượng xe quá tải giảm, vẫn còn những địa phương chưa làm tốt, hiệu quả cân xe chưa cao, thậm chí còn xuất hiện cả tiêu cực, nạn “cò mồi”.

“Đúng là có tình trạng lập trạm cân nhưng không duy trì 24/24h, 7 ngày trong tuần, dẫn đến cò mồi lợi dụng thời điểm không có trạm cân để cho xe quá tải vượt trạm”, Thứ trưởng nói.

Ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT bổ sung: Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tải trọng luôn thấy nổi lên một số loại tiêu cực. Đơn cử như ở địa phương, có cơ quan quản lý Nhà nước kêu ca, phàn nàn rằng nếu địa phương bị làm gắt gao về tải trọng sẽ gây ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế.

Bên cạnh đó, thực tế vẫn còn tình trạng, lực lượng kiểm tra thấy xe mà không dừng hay nghiệp vụ non không phát hiện vi phạm, biết xe vi phạm mà làm ngơ, không xử lý đầy đủ các chủ thể vi phạm, đặc biệt là DN vận tải và đơn vị bốc dỡ hàng hóa.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, để xảy ra tình trạng trên, bên cạnh những tồn tại khách quan, nguyên nhân chính là những yếu kém trong khâu tổ chức ở một số địa phương, đặc biệt là sự phối hợp giữa hai lực lượng đảm bảo trật tự giao thông và cảnh sát giao thông chưa hiệu quả. Có những thời điểm, công tác kiểm tra, kiểm soát tại các trạm cân còn rất lơ là.

Tại buổi tọa đàm, bên cạnh nạn “cò mồi”, tình trạng không ít xe cố tình né, vượt trạm cân, thậm chí xe quá tải đi thành đoàn chờ thời cơ ồ ạt vượt trạm cũng được nhiều độc giả quan tâm. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ, Đường sắt khẳng định: Bộ Công an đã có lực lượng 113, liên quan đến an ninh trật tự, cướp giật, an toàn giao thông,... kể cả những trường hợp vượt, né trạm hay chống đối lực lượng trạm cân. Tất cả các trường hợp này, mọi người có thể gọi đến 113.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam bổ sung: Trường hợp xe chờ thời cơ vượt trạm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có 10 đường dây nóng để ghi nhận việc giám sát.

Tổng cục cũng đã thành lập 9 đoàn kiểm soát trên đường để phát hiện, xử lý đoàn xe có hiện tượng vi phạm chở quá tải, thay đổi kích thước thùng xe… Trường hợp này dùng biện pháp xử lý tĩnh. Thời gian tới cần kiên trì kết hợp với trạm và lực lượng thanh tra có thể giải quyết vấn đề xe dừng, đỗ thành đoàn chờ thời cơ ở hai đầu trạm.

Với xe trốn trạm, vòng tránh qua trạm, Tổng cục đã làm việc UBND tỉnh để có chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm, sử dụng cân xách tay xử lý tại chỗ.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Trong 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu siết chặt và nâng cao hơn nữa việc KSTTX. Do đó, ngành giao thông quyết không để xe quá tải lộng hành và “lọt” trạm.


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật