An ninh hàng không: Vẫn còn có những “lỗ hổng” trong quản lý

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 của Ủy ban an ninh hàng không dân dụng Quốc gia vào hôm nay (28/7), đại diện các cơ quan chức năng cho rằng, vấn đề an ninh, an toàn hàng không còn có những “lỗ hổng” trong đó, một phần là do việc phối hợp chưa tốt giữa các đơn vị quản lý, các hãng hàng không, phần khác là do sự thiếu ý thức của hành khách.
An ninh hàng không: Vẫn còn có những “lỗ hổng” trong quản lý
An toàn, an ninh hàng không vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không quyết liệt xử lý, kiểm tra. (Ảnh: Vietjet Air)

Vì vậy, nhiều đại biểu tham dự đều đưa ra nhiều giải pháp, khắc phục trong đó nhấn mạnh đến công tác an ninh, an toàn hàng không phải đảm bảo tuyệt đối. Các sự cố đáng tiếc trong thời gian vừa qua cần phải phân tích kỹ, đưa ra các giải pháp hiệu quả để công tác này thực sự có chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Gia tăng uy hiế‌p an ninh hàng không

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, 6 tháng vừa qua, cả nước đã xảy ra tới 145 vụ việc vi phạm an ninh hàng không, tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2013 (95,9%). Trong đó, hành khách mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vật phẩm nguy hiểm sai quy định là 62 vụ; hành khách sử dụng giấy tờ giả để đi tàu bay tăng 35 vụ.

Cũng trong thời gian này, cả nước đã có 173 sự cố liên quan đến an toàn bay (tăng 32 vụ so với năm 2013); sự cố có nguy cơ uy hiế‌p an toàn hàng không ở mức E và D tăng hơn 25,7%.

Tại hội nghị, các đơn vị liên quan đưa ra nguyên nhân là do hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an ninh còn thiếu, lạc hậu, lực lượng an ninh còn mỏng, trình độ chuyên môn còn hạn chế... là những thách thức lớn đối với công tác bảo đảm an ninh hàng không của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, vấn đề an ninh, an toàn hàng không còn có những lỗ hổng trong đó, một phần là do việc phối hợp chưa tốt giữa các đơn vị quản lý, các hãng hàng không, phần khác là do sự thiếu ý thức của hành khách như việc nói đùa có bom; tò mò tự ý mở cửa thoát hiểm, lôi áo phao ra khỏi vị trí quy định…. 

Lực lượng chức năng soi chiếu hành lý hành khách trước khi lên máy bay. (Ảnh: TTXVN)

Phân tích rõ hơn, Thiếu tướng Trình Văn Thống, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) chỉ rõ, ngành hàng không đang có “lỗ hổng” từ việc kiểm soát ở trong và ngoài sân bay.

Giải thích điều này, Thiếu tướng Trình Văn Thống đưa ra dẫn chứng, hàng rào ở sân bay, hệ thống camera quan sát toàn sân bay cũng không đảm bảo, an ninh nội bộ cũng có sơ hở đối với nhân viên, tiế‌p viê‌n, tổ lái; mất hành lý vẫn diễn ra…

“Thậm chí, ngay cả việc kiểm soát m‌a tú‌y, hàng không thì nói không có chức năng phát hiện m‌a tú‌y, chỉ phát hiện chất nổ. Đã là an ninh, an toàn thì không nên đưa ra lý do. Vì thế, cần phải tính toán lại trong việc phối hợp giữa lực lượng hải quan, hàng không và công an để an ninh hàng không được siết chặt hơn,” Thiếu tướng Trình Văn Thống khẳng định.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), thời gian qua, công tác tuyên truyền về an ninh hàng không và khung kháp lý chưa được thật sự tôn trọng từ người khai thác đến người sử dụng. Đơn cử như việc nói đùa, giật cửa thoát hiểm, mất mát một số vật dụng chuyên ngành như áo phao, móc hộp đựng thuốc cấp cứu… toàn vật nhỏ nhưng có ảnh hưởng đến cả chuyến bay.

So sánh vấn đề an ninh, an toàn hàng không giữa nước ta và các nước trên thế giới, đại diện Bộ Ngoại giao chia sẻ kinh nghiệm, tại Hàn Quốc, sau khi vào sân bay, hành khách để hành lý mà không có mặt ở đó thì chỉ ít phút sau đã thấy lực lượng an ninh của họ xuất hiện. Điều đấy chứng tỏ, họ giám sát hành khách ra vào rất chặt chẽ. Còn ở nước ta, việc để lại hành lý một nơi, người một nơi rất đơn giản, chẳng ai hỏi han gì. 

“Đây có thể coi là một trong những nguy cơ tiềm tàng mà chúng ta cần lưu ý việc bố trí người quan sát tại sân bay quốc tế, giám sát các chuyến bay phức tạp đồng thời nên tăng cường camera quan sát tại mỗi sân bay,” đại diện Bộ Ngoại giao kiến nghị.

“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia Đinh La Thăng, tình hình an ninh, an toàn hàng không trong 6 tháng đầu năm tăng đột biến đối với ngành hàng không Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, báo cáo của Cục Hàng không và các hãng hàng không Việt Nam vẫn đánh giá là tốt, vẫn hài lòng với kết quả đạt được là chủ quan.

Lên án các hành động vi phạm an ninh hàng không như mở cửa thoát hiểm, nói đùa có bom… Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ quan điểm, cơ quan Nhà nước nên thu tiền phạt ít nhưng tăng thời gian cấm bay đồng thời xử lý nghiêm với người gây uy hiế‌p an toàn bay, người quản lý bay như kiểm soát viên không lưu, thậm chí có thể truy tố trách nhiệm Hình Sự nếu sự cố là nghiêm trọng.

“Đặc biệt, cần xử lý nghiêm cơ quan quản lý Nhà nước và các cá nhân hành khách gây mấy an toàn bay. Khi sự cố xảy ra, phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, chứ không nên xử lý nửa vời. Chỉ khi nào máy bay rơi mới thấy được sự nghiêm trọng,” người đứng đầu nghành giao thông quả quyết.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia Hoàng Trung Hải tỏ ra quan ngại với các con số về số vụ vi phạm an ninh, an toàn hàng không mà Cục hàng không báo cáo.

“Trong 145 vụ việc liên quan đến an ninh hàng không, tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước thì rõ ràng công tác quản lý của nước ta đang có những ‘khe hở’. Vậy, Việt Nam có phải là một nơi dễ dãi trong việc vận chuyển vũ khí? Chúng ta đang thiếu thiết bị hay còn ’lỗ hổng’? Phải chăng công tác xử lý của chúng ta chưa nghiêm?,” Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra hàng loạt câu hỏi.

Ngoài ra, người đứng đầu Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia cũng bày tỏ sự lo lắng, hàng không là thương hiệu, hình ảnh của Quốc gia, nếu chẳng may một vụ xảy ra thì không biết bao nhiêu năm nữa ngành hàng không mới lấy lại được hình ảnh. Ngành hàng không coi những việc trên là bình thường thì không bao giờ khắc phục vấn đề an toàn, an ninh hàng không.

Đưa ra các giải pháp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu mỗi hãng hàng không, Cục Hàng không… cần có kế hoạch hành động để khắc phục ngay trong tháng Tám này. Từ giờ đến cuối năm, các đơn vị liên quan phải có sự chuyển biến về an ninh an toàn hàng không, từ việc chậm hủy chuyến nghiêm trọng, thành ít nghiêm trọng.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an thành lập đồn công an tuần tra kiểm soát thường xuyên, để công an đi cùng an ninh mỗi chuyến bay… 

Về công tác kiểm tra, cuối năm, đoàn của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia sẽ tiếp tục kiểm tra chéo các sân bay, hãng hàng không, để xem chất lượng dịch vụ bởi nếu không kiểm tra thường xuyên sẽ khó khắc phục tồn tại. 

Đề cập đến cơ sở hạ tầng liên quan đến an ninh, an toàn hàng không, Phó Thủ tướng yêu cầu phải có mọi giải pháp để đầu tư đồng thời tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện các hãng hàng không nhằm nâng cao công tác kiểm tra, giám sát.

“Chúng ta không còn cơ hội để rút kinh nghiệm đâu, đừng để tình trạng mất bò mới lo làm chuồng. Chúng ta đang có hình ảnh về hàng không Việt Nam tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, nên phải hành động, phải nâng cao trách nhiệm, khắc phục hạn chế trong thời gian tới,” Phó Thủ tướng chỉ đạo


Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật