Tranh chấp trên biển Đông: Sử dụng luật pháp quốc tế là biện pháp văn minh

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sáng 26.7, tại Hội thảo quốc tế về tranh chấp trên biển Đông (ICESI 2014), các nhà nghiên cứu tiếp tục thảo luận về những diễn biến đang xảy ra trên biển Đông, quan điểm, luận điểm trong việc giải quyết những xung đột này.
Tranh chấp trên biển Đông: Sử dụng luật pháp quốc tế là biện pháp văn minh
Các đại biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: Trường Sơn

Mục tiêu chung của các nhà nghiên cứu là tìm được giải pháp tốt nhất nhằm giảm bớt căng thẳng leo thang và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra chiến tranh.

Trung Quốc đang áp dụng luật của nước mạnh?

Ông Cao Quân (Trung tâm an ninh hàng hải và hợp tác, ĐH Bắc Kinh, Trung Quốc) không đến tham dự hội thảo mà chỉ gửi bài tham luận. GS Carlyle A.Thayer trình bày thay cho ông Cao Quân về quan điểm của Trung Quốc khi Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế về luật biển (UNCLOS).

Trong bản tham luận, ông Cao Quân liên tục khẳng định việc Philippines kiện Trung Quốc là làm xấu mặt Trung Quốc và không có tính pháp lý. Theo quan điểm của ông Cao Quân, UNCLOS không có thẩm quyền trong việc xét xử này vì tuyên bố về đường 9 đoạn của Trung Quốc đã có từ năm 1947, trước thời điểm UNLCOS ra đời rất lâu.

Thêm vào đó, Trung Quốc vẫn khẳng định các đảo, bãi cạn, bãi san hô nằm trong đường 9 đoạn là thuộc vùng biển Trung Quốc có quyền chủ quyền, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Vì thế, theo ông Cao Quân, việc Philippines kiện Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và trọng tài UNCLOS không có quyền tài phán trong vấn đề này.

Đáp trả lại những luận điểm của ông Cao Quân, ông Renato De Castro (ĐH De La Salle, Philippines) khẳng định, từ năm 2012 khi Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarboroug, có sự đối đầu giữa tàu chiến Philippines và tàu hải giám của Trung Quốc, đã có một số đụng độ giữa 2 bên.

Trên thực tế, Trung Quốc đã đưa 4 tàu quân sự tới chiếm đóng bãi cạn và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã yêu cầu Philippines phải chấp nhận việc chiếm đóng này. Rõ ràng Trung Quốc nghĩ rằng họ có quyền áp đặt các nước khác, đó là điều không thể chấp nhận được.

Ông Renato De Castro cho biết, trước khi đưa vấn đề này ra tòa quốc tế, Philippines đã nhiều lần nêu lên trên trang web của Bộ ngoại giao Philippines, đưa ra nhiều cuộc tham vấn về bãi cạn, nhưng phía Trung Quốc không hề đáp lại mà chỉ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở bãi cạn là không thể thay đổi.

Trung Quốc đã hung hăng, trắng trợn áp đặt chủ quyền lên đảo của Philippines. Trung Quốc tuyên bố về đường 9 đoạn trên biển Đông, liên quan đến quyền lợi của rất nhiều nước nhưng chưa bao giờ Trung Quốc giải thích đường 9 đoạn là gì. Các quốc gia có chủ quyền tại khu vực này đã nhiều lần yêu cầu nhưng phía Trung Quốc vẫn im lặng, vì thế Philippines buộc phải đưa ra luật quốc tế.

Theo ông Renato De Castro, Philippines sẵn sàng nhận bất cứ phán quyết nào do tòa quốc tế đưa ra bởi tin tưởng tòa quốc tế là đại diện cho cộng đồng các quốc gia trên toàn thế giới. Việc Philippines đưa vụ việc này ra tòa án quốc tế cũng là tiến hành một phép thử để xem trong thế kỷ 21, luật quốc tế có thực sự được áp dụng và được tuân thủ hay không?

Việt Nam cần phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

TS Lê Vĩnh Trương (Quỹ nghiên cứu biển Đông Nam Á) nhấn mạnh, mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vùng biển Đông đã có từ năm 1974 với những xung đột hàng hải trên khu vực đảo Trường Sa, Gạc Ma… Trung Quốc đã cấm các tàu cá Việt Nam đến đánh bắt tại ngư trường truyền thống, nhiều ngư dân Việt Nam đãbị đánh thậm chí bị sát hại.

Trung Quốc đã dùng uy thế của nước mạnh để áp đảo, tự cho mình quyền hành xử của nước lớn, ngụy biện rằng những hòn đảo trên vùng biển của Việt Nam là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, rằng những cuộc chiến diễn ra năm 1974, 1979 là biện pháp “thày dạy trò”, nhưng rõ ràng không ai bị thuyết phục bởi những ngụy biện đó.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc đã đe dọa sử dụng vũ lực và thực tế đã sử dụng vũ lực để đối phó với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Ít nhất đã có 12 cảnh sát biển Việt Nam bị thương, 1 tàu cá bị đâm chìm, dẫn đến việc đã có ngư dân Việt Nam tuyên bố kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế vì những thiệt hại mà Trung Quốc đã gây ra đối với tàu cá của họ.

Việt Nam đã nỗ lực thương thuyết với Trung Quốc 26 lần nhưng phía Trung Quốc không hề có dấu hiệu hồi đáp và đều không có kết quả. Theo TS Lê Vĩnh Trương, ngoài việc đấu tranh ngoại giao, đàm phán, Việt Nam cần áp dụng những biện pháp khác có tác dụng hơn, đó là kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế với những gì đã, đang diễn ra tại Hoàng Sa, Trường Sa, giàn khoan Hải Dương 981… Luật biển UNCLOS có những điều khoản nói rõ về việc những quốc gia dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với một quốc gia khác là không được phép.

TS Lê Vĩnh Trương cho biết, Việt Nam đang làm mọi cách để giảm thiếu tối đa nguy cơ xảy ra chiến tranh, bởi chiến tranh không mang lại điều gì tốt đẹp. Sử dụng luật pháp quốc tế, cung cấp các bằng chứng, lý luận để có được những kết luận mang tính công minh và được toàn thế giới công nhận là những biện pháp văn minh để giải quyết tranh chấp và giảm bớt leo thang căng thẳng trong khu vực biển Đông.

Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ, tài liệu thuyết phục đủ mạnh trước tòa án quốc tế, cần chuẩn bị đầy đủ mọi lý lẽ không chỉ giải thích cho cộng đồng quốc tế mà còn cho người dân Trung Quốc hiểu rõ vấn đề. Việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế tất nhiên sẽ có những ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực thật kỹ, đây là vấn đề rất quan trọng.

TS Lê Vĩnh Trương khẳng định, kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế là việc nên làm, cần làm và phải làm, không chỉ vì an ninh, chủ quyền của Việt Nam mà còn vì an ninh của toàn khu vực.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật