Các cầu thủ trẻ thích ‘hưu non’

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khi bị tống đạt quyết định bắt giam liên quan đến nghi án dàn xếp tỷ số và nhận hối lộ, người già nhất trong số 6 cầu thủ Đồng Nai mới chỉ 26 tuổi (Long Giang, Đức Thiện), ngoài đôi mươi có Hữu Phát, Niệm Tiến, Phan Lưu Thế Sơn và Đinh Kiên Trung.
Các cầu thủ trẻ thích ‘hưu non’
Long Giang (trái) và Mạnh Dũng (phải)

Tình huống như thể lặp lại với Quốc Vương, Văn Quyến và đồng đội từng “nhúng chàm” ở SEA Games 23 (Philippines, năm 2005), nhưng ở các mức độ khác nhau.

Khi ấy, người được cho là cầm đầu Lê Quốc Vượng đã chủ mưu “bán” thắng (1-0) trận bán kết SEA Games với U23 Myanmar. Còn lần này, Hữu Phát và đồng đội “bán” thua (cách biệt 2 bàn), bóng nổ “tài” (hiệp 1 và cả trận), thêm “rung” về cuối trận.

1. Theo cách tính phổ thông, nếu đường hoạn lộ hanh thông, lại không dính phải những chấn thương quá nặng, một cầu thủ Việt Nam sẽ có chừng 10 năm tuổi thọ trong môi trường bóng đá đỉnh cao. Cụ thể, sau 21 tuổi được đôn lên đội 1, họ sẽ chơi bóng cho đến khi ngoài “băm”, giải nghệ và theo học các khoá HLV bóng đá, hoặc chuyển qua một công việc khác.

Tất nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, phát tiết sớm hoặc kéo dài được tuổi nghề, nhờ ý thức chuyên nghiệp và gặp thời vận. Những thần đồng như Văn Quyến (16 tuổi đã toả sáng ở VCK U16 châu Á và 1‌8 tuổ‌i được đôn lên đội hình 1 SLNA, khoác áo U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam khi mới chỉ đôi mươi), Phan Thanh Bình, Hoàng Danh Ngọc và tất nhiên, cả Long Giang như đã nhắc ở số báo trước, là các ví dụ.

Một vài người khác như Minh Phương, Tài Em, Thạch Bảo Khanh, Thế Anh hay trước đó là Trường Giang, anh em nhà Văn Dũng, Văn Sỹ, Huỳnh Đức... gần như không chịu gánh nặng tuổi tác nào. Họ đã và đang chơi bóng cho đến khi 35-36 tuổi, mà vẫn chưa chịu giải nghệ. Trước đó nữa, cựu thủ môn Thể Công và đội tuyển quốc gia Trần Văn Khánh từng trấn giữ khung thành cho đến năm 38 tuổi, con số được xem là một kỷ lục của bóng đá Việt Nam.

Trở lại với vấn đề của “những cầu thủ thích hưu non”, một chừng mực nào đó, nó không giống với nhóm “chưa già đã lên lão”, dù bản chất gần như là một. Một bộ phận cầu thủ trẻ sống gấp, để rồi sau đó vào trại giam, trong khi số khác chạy theo các thú vui xã hội, đánh mất phong độ và đánh mất mình lúc nào không hay, “lên lão” ở ngay cái tuổi được cho là chín nhất của sự nghiệp.

2. Nếu như Đức Thiện và Long Giang đã quá nổi tiếng trong màu áo các đội tuyển quốc gia, thì Hà Niệm Tiến, Đinh Kiên Trung, Thế Sơn và Phạm Hữu Phát cũng thuộc hàng tuổi trẻ tài cao. Tại CLB TP.HCM (phiên hiệu cuối của TMN.CSG, trước khi giải thể và phải làm lại từ giải hạng Nhì QG 2013), Niệm Tiến, Kiên Trung (cùng Đặng Ngọc Tùng), từng là niềm tự hào còn sót lại của bóng đá Sài Gòn.

Điểm lại, cả gần chục cái tên của CLB V.Ninh Bình dính án ở AFC Cup 2014, rồi trước đó thế hệ của Văn Quyến, Phước Vĩnh, Quốc Anh..., tất cả đều được phát hiện thông qua hệ thống các giải bóng đá trẻ toàn quốc, mà “khoá đuôi” là VCK U21 quốc gia - Cúp Báo Thanh Niên được tổ chức hàng năm. Nhiều người trong số đó được thừa nhận (bằng danh hiệu chứ không chỉ mỗi tài năng) là “Cầu thủ xuất sắc nhất VCK”.

Nếu như Phạm Hữu Phát đã từng là nhạc trưởng dẫn dắt U21 Đồng Nai đến chức vô địch ở Pleiku cách đây 4 năm, có đủ không gian để chứng tỏ tài năng ở sân khấu V-League (từ K.Khánh Hoà, đến Hải Phòng và trước khi bị bắt là Đồng Nai), thì Long Giang cũng có ít nhất 1 chức vô địch giải đấu này, 2 lần được bầu chọn là “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Việt Nam”, còn Thế Sơn từng là trung vệ số 1 của U19 Việt Nam...

Dài dòng như thế để thấy rằng, xuất phát điểm của những cầu thủ lỡ “nhúng chàm” là không tồi. Ngoài ra, họ còn gặp thời khi có thể sống khoẻ với đồng lương (và thưởng) của nghề, khi bóng đá kim tiền lên ngôi, các ông bầu đua nhau rót tiền vào bóng đá. Vậy tại sao và như thế nào, họ vẫn sẵn sàng bán mình cho quỷ?! Môi trường phấn đấu giữ vai trò cốt lõi và rõ ràng, bầu không khí nền bóng đá xứ sở đã ô nhiễm từ lâu rồi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật