Tích hợp kiến thức lịch sử - văn hoá trong dạy môn Văn học

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là kinh nghiệm của thạc sỹ Trần Thị Hoa – Giáo viên Trường THPT Thái Hòa (Hàm Yên, Tuyên Quang).
Tích hợp kiến thức lịch sử - văn hoá trong dạy môn Văn học
Ảnh minh họa

Theo cô Hoa, một trong những lí do khiến nhiều học sinh không mặn mà với môn Văn học như hiện nay vì khoảng cách lịch sử giữa thời đại tác phẩm được sinh ra với thời đại học sinh sống là quá lớn.

Chính vì vậy cô Hoa cho rằng, giáo viên phải không ngừng đổi mới phương pháp dạy học ở môn học này. Để mỗi giờ học Văn không trở nên nhàm chám, đơn điệu giáo viên có thể tích hợp kiến thức lịch sử văn hoá trong dạy môn Văn học.

Sử dụng tài liệu liên môn

Thực tế cho thấy, những khác biệt về kinh nghiệm sống, văn hóa, giáo dục, cách dùng ngôn ngữ, thể loại…khiến cho tầm đón nhận của học sinh so với tầm đón nhận tác phẩm yêu cầu có độ vênh khá lớn.

Học sinh không hiểu do đó không thể yêu thích những tác phẩm này dù các em vẫn biết đó là những tác phẩm đỉnh cao của văn học dân tộc.

Vì vậy việc đưa học sinh về môi trường văn hóa của thời đại, kéo tầm đón nhận của các em về trùng khít với yêu cầu tầm đón nhận của tác phẩm là việc cần thiết cả về mặt khoa học lẫn giáo dục.

“Vì thế, trong quá trình dạy học, tôi nhận thấy việc tham khảo tài liệu từ các lĩnh vực khác có vai trò quan trọng trong việc khôi phục, tái hiện hình ảnh quá khứ. Tài liệu tham khảo giúp người học xây dựng được tầm đón nhận phù hợp với văn bản” - Cô Hoa chia sẻ.

Ngoài ra, việc sử dụng tài liệu liên môn còn giúp người học có thêm cơ sở để hiểu rõ quy luật phát triển của văn học, hình thành củng cố nhiều phương pháp nghiên cứu văn học.

Tài liệu tham khảo về lịch sử văn hóa là phương tiện có hiệu quả để giúp giáo viên làm rõ nội dung sách giáo khoa, kíc‌h thí‌ch sự hứng thú học tập của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Ngữ văn.

Sử dụng tư liệu lịch sử

Theo cô Hoa, sử dụng phương pháp này, học sinh sẽ tiếp cận kiến thức Văn học qua tư liệu lịch sử, đặt tác giả, tác phẩm vào môi trường ra đời của nó để học sinh đánh giá được những đóng góp cũng như hạn chế của tác giả về nội dung tư tưởng hay nghệ thuật thể hiện.

Trong các bài học ở sách giáo khoa, các nhà biên soạn đã có phần tiểu dẫn trình bày về tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm để giáo viên khai thác tuy nhiên vẫn cần có sự tham khảo thêm sử liệu để làm rõ yếu tố thời đại.

Cô Hoa dẫn giải ví dụ: Chẳng hạn như bài Vịnh khoa thi hương của Trần Tế Xương. Giáo viên giới thiệu cách thức tổ chức các kì thi trong nền giáo dục dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn: Thi Hương, thi Hội và thi Đình.

Những hiểu biết này sẽ giúp học sinh hiểu nội dung câu thơ thứ nhất thông báo thông lệ của việc tổ chức kì thi Hương.

Ngoài ra, giáo viên cho học sinh biết thông tin năm Đinh Dậu thực dân Pháp đã chiếm thành Hà Nội, do đó trường thi Hà Nội bị đóng cửa, các thí sinh Hà Nội về thi ở Nam Định.

Câu thơ thứ hai không chỉ thông báo một sự kiện gắn với lịch sử mà còn là kết quả quan sát của tác giả về sự lộn xộn, nhốn nháo của trường thi cũng là hình ảnh xã hội đang suy thoái.

Từ sự quan sát, miêu tả khách quan ấy, người đọc cảm nhận nỗi đau đời thấm thía của nhà thơ yêu nước.

Sử dụng tư liệu về các tác phẩm nghệ thuật

Cũng theo cô Hoa, hội họa, kiến trúc, sân khấu, điêu khắc, ca nhạc, phim ảnh…là kết quả sáng tạo của xã hội loài người. Một hình ảnh nghệ thuật giúp người học sử dụng trí tưởng tượng của mình tập trung vào những điểm quan trọng.

Giáo viên bổ sung hình ảnh tư liệu thuộc các lĩnh vực nói trên vào bài giảng để học sinh có vốn văn hóa rộng khi tiếp nhận. Bản thân văn học có mối quan hệ mật thiết với các loại hình nghệ thuật khác.

Học sinh tiếp nhận kiến thức văn học qua tranh ảnh, đồ dùng trực quan kết hợp với bài viết sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo sẽ nhớ lâu và hứng thú hơn.

Để việc khai thác nguồn tư liệu này có hiệu quả, phát huy tính tích cực của học sinh, giáo viên cần nghiên cứu kỹ mục tiêu và nội dung của từng tư liệu trong bài học, tư liệu thuyết minh hình ảnh.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, giáo viên trình chiếu kênh hình sẽ có ưu thế hơn vì học sinh được trực quan với hình ảnh rõ, kích thước lớn, màu sắc sinh động và ấn tượng hơn.

Ví dụ, giáo viên dạy bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, ngoài kiến thức lịch sử về trận tấn công đồn Cần Giuộc năm 1861, nhằm giúp học sinh hiểu hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong tác phẩm là hình tượng đám đông bước ra từ thực tế đời sống chứ không còn là hình ảnh ước lệ tượng trưng thì giáo viên nên kết hợp cho học sinh xem tranh vẽ trận Cần Giuộc, xem hình ảnh về việc xây dựng đài kỉ niệm những nghĩa sĩ Cần Giuộc đã được khởi công vào năm 2011.

Sử dụng tài liệu địa lý và ngôn ngữ học

Cô Hoa cho rằng, những hiểu biết về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình của một khu vực đóng vai trò vô cùng quan trọng để học sinh hiểu thêm không gian nghệ thuật trong tác phẩm.

Chẳng hạn, tìm hiểu không gian bãi cát dài trong Bài ca ngắn đi trên bãi cát của Cao Bá Quát không thể không biết đến những vùng cồn cát trắng trên dải đất miền Trung trên hành trình vào Huế thi Hội của ông.

Vùng cát trắng sau này gợi những ám ảnh trong câu thơ của Tố Hữu “Chang chang cồn cát năng trưa Quảng Bình” (Mẹ Suốt).

Mặt khác Văn học là nghệ thuật của ngôn từ do đó dạy học văn không thể không gắn bó mật thiết với các kiến thức ngôn ngữ học nhất là bộ phận văn học trung đại.

Bộ phận văn học này sử dụng ngôn ngữ dày đặc các từ Hán việt, các điển tích điển cố đòi hỏi phải có sự tích hợp cả ngôn ngữ, văn hóa mới có thể lý giải được ý nghĩa của chúng.

Sử dụng tài liệu các lĩnh vực văn hóa khác

Việc vận dụng kiến thức liên môn của giáo dục công dân, giáo dục kĩ năng sống, kiến thức dân tộc học, triết học,….góp phần làm sáng rõ khi lí giải các khái niệm hay tư tưởng tác phẩm.

Để làm sáng tỏ vẻ đẹp tảo tần nhẫn nhịn, hy sinh của bà Tú và hiểu đúng con người Tú Xương trong bài thơ Thương vợ, giáo viên nên giới thiệu cho học sinh về mô hình gia đình nho giáo truyền thống. Đây là kiểu gia đình không coi trong sản nghiệp, chỉ coi trọng danh vị.

Người vợ giữ vai trò trụ cột nuôi sống cả nhà còn người chồng miệt mài đèn sách với hi vọng đỗ đạt làm thay đổi vận mệnh gia đình.

Vào thời của Tú Xương, nho giáo suy tàn, mô hình gia đình trên lung lay, cuộc sống ở Vị Xuyên trong giai đoạn đô thị hóa càng phức tạp nên bà Tú không thể ở yên trong không gian gia đình với “Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ” được nữa mà bị ném ra giữa chợ đời phồn tạp để bươn chải.

Lối sống trọng danh vị của nhà nho khiến những ông tú gần như không tham gia vào hoạt động lao động chân tay, sản xuất vật chất. Thế nên, ông đành cay đắng mà bất lực nhìn vợ tảo tần, cực nhọc.

Cũng từ bài thơ này, giáo viên tích hợp kiến thức giáo dục kĩ năng sống: Biết yêu thương gia đình, trân trọng biết ơn sự hi sinh và tình yêu thương của những người thân trong gia đình.

Có thể nói, tích hợp kiến thức liên môn trong dạy học nói chung và dạy Văn học nói riêng là cần thiết. Mục đích tích hợp trước tiên để học sinh hiểu đúng, hiểu sâu kiến thức trong bài học đồng thời mở rộng vốn hiểu biết những lĩnh vực khác liên quan đến bài học.

“Tích hợp phải tuân thủ nguyên tắc: Chọn lọc, phù hợp, vừa đủ. Chọn lọc những kiến thức thật cần thiết để tích hợp nhằm giúp học sinh lấy đó làm phương tiện khám phá, lĩnh hội kiến thức mới trong bài. Phù hợp trình độ nhận thức, tâm sinh lí của học sinh; giáo viên tránh biến giờ học thành phô diễn sự uyên bác của mình.

Không vì tích hợp mà làm bài học nặng nề kiến thức, quá tải cho học sinh hoặc giáo viên tham tích hợp nên bỏ qua kiến thức cơ bản học sinh cần đạt trong chính tiết học đó” Cô Hoa chia sẻ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật