Vì sao cầu thủ Đồng Nai “thấy quan tài mà không đổ lệ”?

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Không túng thiếu, nhưng 6 cầu thủ Đồng Nai vẫn tổ chức bán độ, bất chấp cách đây 2 tháng vụ án làm độ của 9 cầu thủ CLB Vissai Ninh Bình ở AFC Cup đã gây chấn động dư luận.
Vì sao cầu thủ Đồng Nai “thấy quan tài mà không đổ lệ”?
Đội hình Đồng Nai mùa 2014

Vì sao các cầu thủ lại liều lĩnh khi họ đã thấy hậu quả nhãn tiền mà các đồng nghiệp ở CLB Vissai Ninh Bình đã nhận?

1. Đã quá sành sỏi với chuyện làm độ, làm kèo

Khoảng 5 năm trước, khi Đồng Nai còn đá ở giải hạng Nhất, Phạm Hữu Phát dù chỉ mới qua tuổi 20 nhưng đã là cầu thủ trụ cột của đội bóng miền Đông vì khả năng chuyên môn rất tốt và thi đấu khôn ngoan.

Trong khi các cầu thủ đồng lứa với Hữu Phát như Đức Nhân (cựu đội trưởng U.20 VN), Thế Hưng, thủ môn Thanh Diệp, tiền đạo Tuấn Anh (thành viên U.23 VN dự SEA Games 26), Lê Hữu Phát… còn ăn cơm ở đội trẻ thì Hữu Phát đã chơi cho đội 1 Đồng Nai. Nhiều năm trước Đồng Nai là đội bóng khá phức tạp vì toàn là các gương mặt từng trải ở tứ xứ đổ về “tụ nghĩa”.

Đồng Nai là đội bóng không có mục tiêu thăng hạng nên đá xong giai đoạn lượt đi đủ điểm trụ hạng là kiểu gì lượt về cầu thủ cũng “làm tuồng”. Chuyện kéo dài năm này qua năm khác, những ai theo dõi bóng đá nội đều biết song vì hạng Nhất là giải đấu thuộc diện “vùng sâu vùng xa” chẳng mấy ai để ý.

Hữu Phát đã sớm nổi về tài năng lẫn “độ quái” và có ảnh hưởng lớn để đội bóng lẫn mối quan hệ phức tạp với nhiều giới xã hội bên ngoài.
Do chuyện “khó nói” trước đây ở đội Đồng Nai cũng “chẳng ảnh hưởng đến ai” nên ở CLB biết thì biết vậy chứ cũng "chung sống với lũ".
Sự khó lường của Phạm Hữu Phát còn liên quan đến chuyện tuyển U.21 Việt Nam thi đấu chệch choạc ở giải U.21 quốc tế 2010 tại sân Thống Nhất mà Phạm Hữu Phát là trụ cột.
Vừa rồi,  khi vụ việc 6 cầu thủ Đồng Nai bị CQĐT của Bộ CA bắt tạm giam mà Hữu Phát bị xác định là chủ mưu khi nhận độ của các “đại lý” cá cược bên ngoài rồi tổ chức cho các cầu thủ khác cùng “điều” tỷ số trận đấu,  đã cho thấy Hữu Phát rất rành rẽ, lọc lõi.
Mối quan hệ, sự dày dạn và khả năng tổ chức làm độ của Hữu Phát chắc chắn không phải chỉ được “học” qua một ngày mà là cả quá trình rất dài, nhiều năm trời dù năm nay cầu thủ này chỉ mới 26 tuổi.
Trong khi đó, 5 cầu thủ mà Hữu Phát rủ rê đều ít nhiều dính dáng đến các nghi án tiêu cực trong quá khứ, nhất là hậu vệ Nguyễn Thành Long Giang đã dính tai tiếng từ lúc còn ở Tiền Giang cho đến khi đến Navibank Sài Gòn rồi Xuân Thành Sài Gòn.
Trong màu áo tuyển U.23 VN, Long Giang từng dự 2 kỳ SEA Games 25 (2009 ở Lào) và SEA Games 26 (2011 tại Indonesia) là hai giải đấu mà tuyển U.23 VN vướng nghi án tiêu cực.

Chốt lại, điều kết luận ở đây là nhóm 6 cầu thủ Đồng Nai đều là các gương mặt quá sành, quá quen thuộc với chuyện cá độ, làm kèo chứ họ không phải là các “tay mơ” mới vô nghề.

2. máu cờ bạc khó bỏ và lòng tham không đáy

Bên cạnh sự dày dạn, quen thuộc với chuyện làm độ đến mức coi đó là “chuyện thường ở huyện” thì lòng tham là yếu tố khiến các cầu thủ Đồng Nai không hề sợ hãi khi dù gương cầu thủ V.Ninh Bình vẫn đang nóng hổi trước mắt.

Nếu như cầu thủ ở V.Ninh Bình còn có thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, khi bầu Trường đã nợ lương, thưởng cầu thủ kéo dài suốt 3-4 tháng chưa trả khiến cầu thủ bị túng bấn làm liều thì các cầu thủ Đồng Nai chẳng có bất kỳ lý do gì để biện minh.
Dù không phải là đội bóng giàu có song Đồng Nai là đội bóng chi trả sòng phẳng, đầy đủ cả lương tháng, tiền thưởng và lót tay cho cầu thủ.

Từ 2 năm qua khi Đồng Nai lên chơi V.League, báo chí không hề nhận được tin gì về chuyện nợ đọng tiền bạc ở đội bóng này. HLV Trần Bình Sự và GĐĐH Nguyễn Văn Long của CLB Đồng Nai đều cho biết đội bóng không hề nợ lương thưởng và cầu thủ không bị túng thiếu gì về tiền bạc.

Hai cầu thủ chủ chốt vụ này là Hữu Phát và Long Giang gia đình rất khá giả. Hữu Phát sau nhiều năm thi đấu cho Đồng Nai và chuyển sang K.Khánh Hòa, Xi măng Hải Phòng nhận tiền lót tay khoảng 2 tỷ, vừa rồi còn mua đất dự định xây cơ sở karaoke ở quê tại huyện Trảng Bom.
Long Giang khi chuyển từ Tiền Giang lên Navibank Sài Gòn,  rồi sau đó đến Xuân Thành Sài Gòn và về Đồng Nai thì tổng số tiền lót tay phải cỡ 7 tỷ đồng.
Gia đình Long Giang ở thị xã Gò Công (Tiền Giang) khá giàu khi cha mẹ hậu vệ này có sạp giày dép khá lớn ở chợ Gò Công Đông.
Chuyện làm độ để kiếm thêm của nhóm cầu thủ Đồng Nai động cơ vẫn là lòng tham vô đáy, kiếm bao nhiêu từ việc đá bóng chân chính vẫn không thỏ‌a mã‌n.
máu đỏ đen cũng là điều mà giới cầu thủ dính phải, mà đã dính vào rồi thì rất khó bỏ và khiến họ liều lĩnh, bất chấp hậu quả.
Các cầu thủ Việt nhiều người thường hay chơi cá độ bóng đá quốc tế (nhất là mùa World Cup 2014) nên chuyện thua độ quốc tế rồi cay cú tìm cách gỡ lại.
Mà để có tiền chơi cá độ thì không có gì dễ và nhanh bằng việc tổ chức làm độ ngay các trận đấu mà CLB mình đang thi đấu.

Đức Thiện (số 11), Hữu Phát (số 10) trong một  buổi tập luyện của Đồng Nai dưới sự hướng dẫn của HLV Trần Bình Sự (áo xanh, đội mũ). Thật khó để biết các cầu thủ Việt bây giờ ngoài đá bóng thì họ còn "muốn gì"  (ảnh Facebook Dongnai FC)

3. Làm độ đã quá phổ biến ở V.League

Cầu thủ V.Ninh Bình và Đồng Nai bị CQĐT “tóm gáy”, nhưng không phải chỉ có cầu thủ ở hai đội này biết làm độ còn cầu thủ ở các đội bóng khác “sạch sẽ”.
Nếu từng theo dõi và để ý bóng đá Việt Nam trong khoảng 5 mùa đổ lại đây, nhất là khi V.League đã được lên sàn cá độ quốc tế từ những mùa 2009, 2010 thì các kết quả bất thường ở V.League mùa nào cũng có, tai tiếng đầy rẫy nhưng không bị “bắt tận tay, day tận mặt”.
Ngay ở vụ 6 cầu thủ Đồng Nai vừa bị CQĐT tạm giữ thì có một cầu thủ của Đồng Tâm Long An là Nguyễn Đình Hiệp cũng nằm trong đường dây của Hữu Phát. Tiền đạo Đình Hiệp là cầu thủ do SLNA đào tạo, từng chơi rất hay ở các giải U.21 trước đây và cũng là thành viên tuyển U.20 Việt Nam năm 2007.
Sau khi có chút tên tuổi, Đình Hiệp sa sút nên bị SLNA đẩy đi rồi lang bạt ra K.Khánh Hòa đến Tây Ninh và cũng từng đá cho Đồng Nai mùa 2013. Không rõ bắt nguồn từ mối quan hệ như thế nào nhưng Đình Hiệp cũng nhập băng do Hữu Phát cầm đầu để làm độ các trận đấu ở V.League.

Các mối quan hệ dzích-dắc trong giới cầu thủ rất phức tạp, nhiều ngõ ngách nên chuyện làm độ, cá cược giống như vòi bạch tuộc đen len lỏi vào sâu đời sống bóng đá, từ CLB này đến CLB khác, và từ thế hệ cầu thủ nọ đến thế hệ cầu thủ kia, tạo nên một hệ thống vô cùng tinh vi với mức độ mà có lẽ chính người trong cuộc không tưởng tượng được.

Ngược lại, công tác phòng chống tiêu cực của BĐVN từ lâu lại bỏ ngỏ, cứ 5-7 năm lại làm một vụ “án điểm” phạt tù, treo giò một vài cầu thủ rồi sau đó lại ngó lơ, nên cũng giống như chặt một sợi râu của con bạch tuộc thì chỉ thời gian ngắn lại mọc lên vòi khác.

Cầu thủ Đồng Nai liều lĩnh cá độ cũng bởi trong suy nghĩ có lẽ cho rằng các cầu thủ Vissai Ninh Bình vì “xui xẻo” mới bị bắt, chứ họ nếu biết làm khéo léo thì chẳng bị sao!.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật