Ăn chực, nằm chờ để được chữa bệnh ở BV tuyến trung ương

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến BV K khám nhưng 3 ngày vẫn chưa nhập viện được, đang trong lúc mệt mỏi, bơ phờ, bệnh nhân (BN) đã gặp được “vị cứu tinh” – Bộ trưởng Y tế đi “vi hành”. Sau khi nghe BN than vãn, người đứng đầu ngành y đã đưa ra một mệnh lệnh mà người bệnh vốn đã mong chờ mòn mỏi nhiều năm qua: “BV phải dành phần khó về mình, không nên đẩy phần khó cho người bệnh”.
Ăn chực, nằm chờ để được chữa bệnh ở BV tuyến trung ương
Người bệnh nằm, ngồi vạ vật là hình ảnh thường nhật tại các BV tuyến T.Ư.

Vậy là bà bộ trưởng đã phần nào thấu hiểu nỗi khổ của người bệnh, tuy nhiên những nỗi cơ cực mà người bệnh đang phải hứng chịu vẫn diễn ra hàng ngày.

Truân chuyên giấy tờ nhập viện

Mới đây, tại buổi kiểm tra ở BV K cơ sở 3, khi được hỏi về thủ tục KCB có thuận tiện hay không và thái độ phục vụ của nhân viên y tế ra sao, nhiều BN đã phản ánh thẳng thắn với Bộ trưởng Y tế về những phiền hà mà họ gặp phải. BN Đỗ Xuân Viên (60 tuổi, ở Thanh Hóa) phàn nàn về việc phải chờ đợi một tuần rồi mà chưa được nhập viện. “Tôi thấy thủ tục ở BV khá phiền hà, đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo nghiên cứu cải cách hành chính để người bệnh đỡ khổ”, ông Đỗ Xuân Viên nói.

Một số BN khác cũng phản ánh về việc họ không được thầy thuốc giải thích cặn kẽ về các thủ tục chuyển viện, nhập viện dẫn đến phải chạy đi chạy lại khắp BV nhiều ngày mà vẫn chưa được KCB. Sau khi lắng nghe BN, tìm hiểu quy trình làm việc của BV, bà Bộ trưởng Y tế phát hiện BV đã tự vẽ thêm nhiều thủ tục. Một số BV bắt người bệnh khám BHYT phải photo giấy chuyển viện và thẻ BHYT khi đi KCB, gây phiền hà cho người dân. Ngay sau đó, Bộ trưởng đã yêu cầu BV không được bắt BN phải photo các loại giấy tờ, thẻ BHYT, giấy chuyển viện...

Tình trạng thủ tục hành chính nhiêu khê của các BV đang “hành” người bệnh. Việc photo các loại giấy tờ luôn là nỗi khổ của người bệnh. Ông Huỳnh Văn (Đống Đa – Hà Nội) vào BV Bạch Mai xếp hàng khám bệnh từ 8h sáng. Đến 10h mới được cô y tá gọi tên, tưởng là vào khám ngay nào ngờ cô này yêu cầu photo giấy chuyển viện, thẻ BHYT, chứng minh thư. Hỏi photo ở đâu thì cô này không thèm trả lời. Cầm các giấy tờ chạy khắp BV mới tìm được chỗ photo.

Tại điểm photo đó, hàng chục BN đang xếp hàng. Mất hơn 30 phút mới photo xong, trở lại đưa cho cô y tá, cô này lại bảo chờ. Gần một tiếng xong mới được vào gặp bác sĩ. Cầm một tập các giấy xét nghiệm máu, siêu âm đến phòng xét nghiệm thì được y tá trả lời đến chiều quay lại lấy máu. “Tôi đã hơn 70 tuổi, mỗi lần cầm thẻ BHYT đi khám bệnh mà thấy cơ cực quá. Mất cả ngày xếp hàng, chờ đợi, mệt mỏi. Nhiều người ở quê ra phải mất mấy ngày làm các thủ tục mà còn chưa được nhập viện…”, ông Huỳnh Văn phàn nàn.

Khổ cực vẫn vượt tuyến

Ông Lê Văn Thái - một bệnh nhân đến từ Thanh Hóa vừa xếp hàng chờ khám vừa than thở: “Không có người dân nào muốn đi xa chữa bệnh để phải chầu chực, xếp hàng dài thế này. Biết là về tuyến trên sẽ rất cơ cực nhưng vẫn chấp nhận vì bệnh đau dạ dày chữa vài tháng ở BV huyện rồi mà không thấy đỡ, y tế ở đó yếu kém quá!”. Bà Mai Thoa ở Nam Định cho con ra BV T.Ư khám vì con bà bị viêm phổi, viêm phế quản đã hai tuần rồi mà điều trị ở dưới vẫn không hết. “Tôi mà biết các bác sĩ ở tuyến dưới chữa không được đã đưa con thẳng lên đây từ trước. Giờ lại phải tốn kém thêm, ăn chực nằm chờ, khổ mấy cũng chịu để chữa cho con khỏi bệnh…”, bà Thoa phàn nàn.

Còn chị Minh Hải ở Thái Bắc Giang có con nhỏ bị sốt cao, nôn liên tục vào khám ở BV tỉnh chẩn đoán là viêm họng. Sau vài ngày điều trị, thấy con vẫn sốt li bì liền bế con về thẳng BV Nhi T.Ư. Ngay lập tức bác sĩ chẩn đoán con bị viêm não, nếu để muộn thêm 1 ngày nữa là không cứu được…

Một trong những lý do khiến người bệnh cứ đổ xô về tuyến trên còn bởi thuốc BHYT ở tuyến dưới ít và không “chất lượng” bằng tuyến trên. Cùng một loại bệnh, ở tuyến trên bao giờ cũng được sử dụng thuốc tốt hơn, số lượng nhiều hơn. Sự khác biệt về trình độ chuyên môn, sự không bình đẳng về thuốc chữa bệnh đã khiến người bệnh “khăn gói” lặn lội về tuyến trên bất chấp những khổ cực khi bước chân vào BV tuyến T.Ư.

Theo đánh giá của các BV, BN vượt tuyến thời gian qua vẫn gia tăng. Dù phải chịu cực khổ đi đường, tốn kém thời gian, tiền bạc, nếu là bệnh nhân BHYT thì chỉ được thanh toán 30% chi phí nhưng họ vẫn vượt tuyến... Đó là điều “cực chẳng đã” song người bệnh sẵn sàng chấp nhận.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật