“Tái giá, không được làm Bà mẹ Việt Nam anh hùng?”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là câu hỏi được đặt ra trên báo Tuổi trẻ ngày 19/7. Theo phản ánh của tờ báo này, bà Trần Thị M. (83 tuổi) là vợ của Liệt sĩ Võ Mười, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh chưa được xét phong tặng danh hiệu này. Lý do, bà M. đã… tái giá!
“Tái giá, không được làm Bà mẹ Việt Nam anh hùng?”
Ảnh minh họa

Bài báo cho biết, năm 1962 khi mới 30 tuổi, chồng bà M. đã anh dũng hi sinh. Hai năm sau (năm 1964), con trai út Võ Danh (6 tuổi) của bà bị bắn chết khi cảnh giới cho các chú cán bộ họp. Đến năm 1971, con trai lớn của bà là Võ Thái cũng hi sinh khi đang làm giao liên tại Ban binh vận Khu ủy Khu V, năm anh 16 tuổi.

Ngoài chồng và hai con, bà còn là thương binh hạng 2/4 (mất 75% sức khỏe) do bị tr‌a tấ‌n trong tù.

Còn lại một mình giữa đạn bom, sau hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới.

Ngày 21/2/2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH cho bà. Chính quyền phường nơi bà cư trú đã có tờ trình gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Q.Bình Thạnh, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu này do đã... tái giá.

Tháng 5-2014, con gái bà M. có đơn gửi Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đề nghị giải thích, Phòng chính sách có công Sở LĐ-TB&XH TP trả lời Nghị định số 56/2013 của Chính phủ không nêu rõ trường hợp bà mẹ là vợ liệt sĩ đã lấy chồng khác được hay không được xem xét lập hồ sơ đề nghị phong tặng Bà mẹ VNAH.

Trong khi đó, theo Nghị định 31/2013 của Chính phủ có qui định vợ liệt sĩ tái giá không được xem xét giải quyết các quyền lợi khác ngoài trợ cấp tiền tuất hàng tháng.

Theo ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng phòng Chính sách có công Sở LĐ-TB&XH TP thì đây không phải là trường hợp cá biệt và “vì quy định, hướng dẫn của trung ương không rõ ràng nên chúng tôi không biết giải quyết ra sao. Không thể khẳng định có thể xét tặng, cũng không thể bác hồ sơ…”. Ông Hoàng nói.

“Ngày 28-3-2014, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng đề nghị giải quyết vướng mắc trong việc làm hồ sơ đề nghị phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, trong đó có trường hợp vợ liệt sĩ tái giá. Tuy nhiên, đã hơn ba tháng trôi qua, đến nay TP.HCM vẫn chưa nhận được câu trả lời”. Bài báo trên Tuổi trẻ cho biết.

Trước hết phải khẳng định tất cả các người vợ, các bà mẹ có chồng hay con hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước đều là những người anh hùng. Bởi không có sự hi sinh nào sánh bằng sự hi sinh mất mát những người thân yêu nhất. Họ xứng đáng được tôn vinh vì sự hi sinh to lớn và cao quý đó.

Tuy nhiên, do điều kiện đất nước trải qua các cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt nên trước mắt, cần có những chính sách để một phần nào chia sẻ nỗi đau với những hoàn cảnh đặc biệt nên Nghị định 56/2013 qui định xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu cao quý này cho những người “có một con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ”.

Song, không biết do những qui định chưa rõ ràng hay chưa được hiểu chính xác nên đã xảy ra tình trạng không trao (hoặc truy) tặng danh hiệu này cho những người đã tái giá.

Theo quan điểm cá nhân mình, việc tái giá hay không tái giá không làm thay đổi bản chất của sự hi sinh này vì việc “tái giá” chỉ xảy ra sau khi những người chồng đã mất, thậm chí có trường hợp sau hàng chục năm.

Vậy chả lẽ sau khi mất đi người chồng thân yêu, người vợ đó phải mãi mãi chịu nỗi buồn đau, cô quạnh mới là anh hùng? Chả lẽ họ đã từng mất mát, hi sinh lại để họ phải hi sinh thêm lần nữa trong cô đơn, mỏi mòn, héo úa? Chả lẽ chỉ có những người “tiết hạnh khả phong” mới xứng đáng được tôn vinh?

Tại sao không đặt vấn đề ngược lại, những người vượt qua nỗi đau mất mát để sống, những người đàn ông ghé vai chia sẻ nỗi đau mất mát với người góa phụ chiến tranh cũng là hành động rất đáng trân trọng? Và phải chăng quên đi nỗi đau để sống cũng là một hành động anh hùng?

Chi còn mấy ngày nữa là cả nước Kỷ niệm Ngày thương binh Liệt sỹ, rất mong Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng trả lời Công văn của UBND TP.HCM gửi ngày 28-3-2014 đã nói ở trên. Tính đến thời điểm này (22/7) đã gần 4 tháng trôi qua, xin đừng để người dân mỏi mòn trong chờ đợi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật