Trường, lớp học thông minh ở Đông Triều

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Được triển khai từ khoá học 2013-2014 ở 15 trường trên địa bàn, khái niệm lớp học thông minh đã không còn xa lạ với học trò Đông Triều. Huyện lúa này còn đang đẩy mạnh việc nhân rộng mô hình lớp học thông minh với mục tiêu gần là trong năm học 2014-2015 này, 100% các trường học trực thuộc huyện có lớp học thông minh, tiến tới nhân rộng số lớp học thông minh trong mỗi trường và xây dựng trường học thông minh.
Trường, lớp học thông minh ở Đông Triều
Lớp học thông minh ở Trường Tiểu học Vĩnh Khê.

Không gian công nghệ thông tin trong giáo dục

Thời điểm này học sinh đang nghỉ hè, nhiều trường tranh thủ bảo dưỡng, trang bị hệ thống thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin tại các lớp học thông minh để đón lứa học sinh mới. Khác với lớp học truyền thống, không gian lớp học thông minh giống như một phòng chiếu phim hoặc nơi tổ chức hội nghị, hội thảo. Bục giảng, vốn thường thấy tấm bảng đen, bàn giáo viên thì nay thay vào đó là "cabin" điện tử với hệ thống nút điều khiển, máy vi tính, máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng... Dưới lớp học, trên những bàn học ngay ngắn là hệ thống máy tính bảng dành cho học sinh. Có thể nói một cách dễ hiểu là ở lớp học thông minh, giáo viên làm chủ "cabin" và triển khai bài giảng của mình bằng hệ thống thiết bị điện tử. Cụ thể sử dụng máy chiếu, hệ thống âm thanh, ánh sáng để chuyển tải giáo án điện tử của mình lên màn hình hoặc gửi trực tiếp, giao nhiệm vụ đến từng học sinh. Học sinh cũng tương tác với giáo viên bằng cách gửi câu hỏi, câu trả lời, phân tích, bàn luận... Tất cả đều qua hệ thống máy tính nối mạng. Điều này khiến cho bài giảng của giáo viên sống động, nhiều màu sắc, đồng thời được chuyển tải đến học sinh một cách bao quát, triệt để hơn. Còn học sinh thì tiếp thu một cách hào hứng, chủ động, sáng tạo, giảm sự nhàm chán và áp lực bài vở.

Chị Lê Thị Hằng Hải, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Vĩnh Khê cho biết: Giảng dạy tại các lớp học thông minh, mặc dù giáo viên có kho tài nguyên các bài giảng trong thư viện điện tử, song không vì thế mà nhàn hơn. Bởi khi tải về vẫn phải biến tài nguyên đó thành của mình, phù hợp với chương trình, đặc thù học sinh của mình. Thế nhưng được cái là giáo viên kiểm soát được toàn lớp mà vẫn sát với từng học sinh; chỉ cần truy cập vào bất cứ máy tính cá nhân của học sinh nào là biết em đó đang nắm bài giảng đến đâu, có chỗ nào chưa hiểu để qua đó kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn... Em Hồ Thành Hiếu, nguyên học sinh lớp 7A2 (năm học 2013-2014), Trường THCS Mạo Khê II hào hứng cho biết: Cái được đầu tiên là ở lớp học thông minh chúng em giữ trật tự tốt hơn. Bởi mọi hoạt động của tiết học như tiếp nhận câu hỏi, đến tìm các đáp án, phân tích, thảo luận rồi đưa ra phương án trả lời... đều diễn ra trên máy vi tính. Bên cạnh đó thì do giáo viên có thể chuyển cùng lúc nhiều câu hỏi khác nhau đến nhiều học sinh khác nhau nên giúp học sinh sáng tạo, độc lập, không a dua bắt chước mà còn mở mang kiến thức do biết thêm về những phương án hỏi - đáp của các bạn khác...

Cuộc chơi của "nhà giàu"

Có thể nói đến thời điểm này rất ít tỉnh, thành trong cả nước áp dụng mô hình lớp học thông minh; ở Quảng Ninh, huyện Đông Triều là địa phương đầu tiên và duy nhất. Vậy Đông Triều có gì để làm được điều này? Ông Lưu Xuân Giới, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện bày tỏ: Đối với giáo dục, đùng một cái đưa phương tiện hiện đại vào là rất khó, nhất là đưa khoa học công nghệ vào còn khó hơn. Thế nhưng ngành Giáo dục Đông Triều vẫn dám làm và dám khẳng định chắc chắn thành công là bởi chúng tôi có "vốn"... Có thể nói Đông Triều chưa phải đơn vị "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" như nhiều địa phương khác, nhưng đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục thì Đông Triều là "nhà giàu". Ngay từ cách đây 5 năm, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục đã được huyện Đông Triều làm mạnh và tập trung, với mức đầu tư trung bình mỗi năm cho hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nhân lực đạt từ 6-10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hồng Quảng, Hiệu trưởng Trường THCS Mạo Khê II nói: Mặc dù điều kiện kinh tế của huyện còn hạn chế, nhưng chúng tôi vẫn làm được điều này là nhờ huy động được nhiều kênh đầu tư cho giáo dục, trong đó phụ huynh giúp đến 40%. Chính vì vậy tính đến năm 2011, tất cả 80 trường học bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn được đầu tư hệ thống máy vi tính (ít nhất 1 phòng máy vi tính với 30 đầu máy dành cho học sinh) phủ kín đường truyền internet và đến hiện nay là sử dụng đường truyền cáp quang; 85% cán bộ, giáo viên thành thạo lĩnh vực tin học trong công việc của mình. Riêng giáo viên hoàn toàn soạn giảng, chuyển tải bài giảng trên hệ thống thiết bị điện tử hiện đại. Mới đây, để phục vụ cho lớp học thông minh, Đông Triều có thêm thư viện điện tử với trên 4.500 bài giảng. Đây được coi như cơ quan phòng giáo dục điện tử, vừa quản lý điều hành vừa cung cấp cơ sở vật chất cho giáo viên, là kho dữ liệu dành cho giáo viên. Có lẽ đây là cơ sở, nền tảng để giáo dục Đông Triều triển khai mô hình "đi tắt đón đầu" - lớp học thông minh.

Kết quả này thực sự mang tính cách mạng bởi nền giáo dục Đông Triều trải qua một thời kỳ quá lâu trong lối giảng dạy cũ; số giáo viên chịu tiếp cận với công nghệ thông tin ít, đặc biệt là số giáo viên lớn tuổi. Riêng việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thật sự rất khó khăn, ngoài kinh phí đầu tư lớn thì mỗi trường cũng có những hạn chế riêng. Đơn cử như có trường ở vùng sâu xa, để thuê bao internet phải lắp đặt đến 5km đường dây...

Quyết không để hiện đại thành "hại điện"

Điều kiện căn bản của mô hình lớp học thông minh là phải đáp ứng ở mức độ cao cả cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đội ngũ nhân lực. Riêng hệ thống trang thiết bị phải hiện đại và đồng bộ với tổng mức đầu tư cho mỗi lớp học từ 200-250 triệu đồng. Trong khi đó hiện toàn huyện mới có 15 trường đầu tư lớp học thông minh với tổng số 50 lớp; số còn lại 65 trường chưa đầu tư, với trung bình mỗi trường có 15 lớp học. Như vậy chỉ tính mỗi trường còn lại đầu tư 1 lớp học thông minh theo mục tiêu năm học 2014-2015 này thì tổng kinh phí trang sắm thiết bị cũng lên đến 12-15 tỷ đồng; còn nếu nhân rộng thành nhiều lớp học thông minh ở mỗi trường thì kinh phí đầu tư quả là con số khổng lồ. Tuy nhiên, theo Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lưu Xuân Giới, kinh phí đầu tư tuy lớn song không đáng lo, điều chúng tôi quan tâm nhất chính là chất lượng đội ngũ, nhân tố quyết định thành công của lớp học thông minh. Ông Giới khẳng định: Về đầu tư cơ sở vật chất chúng tôi có sự chung tay, hỗ trợ của huyện, doanh nghiệp cung cấp thiết bị và phụ huynh học sinh, nhưng chất lượng đội ngũ thì không thể nhờ ai được. Trong khi đó nếu có thiết bị hiện đại, đồng bộ mà giáo viên sử dụng không thành thạo, không biết xử lý nhanh những lỗi sơ đẳng của thiết bị thì coi như mô hình này phá sản, hiện đại trở thành "hại điện". Thậm chí chất lượng giáo dục của lớp học thông minh còn không bằng các phương pháp dạy học đọc - chép máy móc trước kia. Bà Lê Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Khê phân tích: Một tiết học ở lớp học thông minh, nếu các thiết bị đều hoạt động tốt thì giáo viên chỉ cần khoảng 1/2 thời gian là chuyển tải đầy đủ bài giảng đến học sinh. Thế nhưng trong trường hợp một thiết bị nào đó trong hệ thống gặp trục trặc, thì chỉ cần giáo viên mất 10 phút cho việc này cũng coi như tiết học không thành công. Bởi vậy thực sự yêu cầu giáo viên phải sử dụng thành thạo các thiết bị này, hiểu chúng như chính điện thoại, máy tính cá nhân để có thể xử lý nhanh, hiệu quả các trường hợp mắc lỗi ấy.

Đông Triều đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và ngay cuối tháng 7 này, 100% đội ngũ giáo viên dự kiến tham gia lớp học thông minh được tham gia khoá học về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học do Trường Đại học Công nghệ thông tin Thái Nguyên giảng dạy. Ngoài ra huyện còn tổ chức nâng cao tay nghề tin học cho giáo viên theo quy mô trường, cụm trường. Ông Lưu Xuân Giới cho biết thêm: Sau các khoá học, các giáo viên này phải qua kiểm định chất lượng, đáp ứng đủ yêu cầu mới được lựa chọn tham gia mô hình lớp học thông minh. Còn nếu giáo viên thiếu và yếu thì chúng tôi tạm thời bảo quản thiết bị chứ quyết không đưa vào hoạt động.

Thực tế mô hình lớp học thông minh là mức độ cao ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, đã và đang cho phép cả giáo viên và học sinh hưởng thụ không gian công nghệ thông tin trong giáo dục, qua đó nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, mô hình này cần tiếp tục đầu tư để hoàn thiện, nhân rộng, trong đó quan trọng nhất là đầu tư về đội ngũ giáo viên.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật