Bãi rác khổng lồ giữa đại dương

Vietgoden Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trọng lượng khoảng 100 triệu tấn, diện tích lớn hơn lãnh thổ của cả châu Âu - đó là những thông số của “bãi rác” nổi giữa Thái Bình Dương được phát hiện bởi các nhà sinh thái học của Tổ chức Algalita Marine Research Foundation.
Bãi rác khổng lồ giữa đại dương
Rác thải trên đại dương đang trở thành mối nguy cơ sinh thái toàn cầu.

Theo các nhà khoa học, “món súp chất dẻo” này đã trở thành tín hiệu hết sức nguy hiểm của “cuộc khủng hoảng chất thải” có quy mô thế giới đang đến gần mà cho đến nay người ta chưa tìm ra được cách giải quyết.

Từ một chuyến đua thuyền buồm

Câu chuyện này bắt đầu cách đây 14 năm. Một tay đua thuyền buồm trẻ tuổi Chardz Mur, con trai một nhà đại tư bản về hóa chất, đã quyết định sau kỳ thi ở Trường đại học California sẽ đi nghỉ trên đảo Hawai. Nhân tiện chàng trai này cũng muốn thử chiếc thuyền buồm mới tậu của mình trên đại dương bao la.

Để tiết kiệm thời gian, chàng đã rong thuyền theo đường chim bay. Sau mấy ngày, Chardz hiểu rằng chàng đã bơi đến một bãi rác. “Trong vòng một tuần, cứ mỗi khi tôi bước lên boong thì nhìn thấy vô số những thứ rác thải bằng chất dẻo trôi ngang qua” - Mur viết trong cuốn sách của mình có tên là “Platics are Forever?” - Tôi không thể tin vào mắt mình được. Tại sao chúng ta lại có thể làm nhơ bẩn khu mặt nước rộng mênh mông như thế này? Tôi đã phải bơi hết ngày này sang ngày khác trên cái bãi rác đó mà vẫn chưa nhìn thấy tận cùng của nó...”.

Cuộc bơi thuyền buồm xuyên qua hàng tấn rác thải sinh hoạt đã làm xoay chuyển cuộc đời của Mur. Chàng đã bán toàn bộ cổ phiếu của mình và bằng số tiền thu được đã thành lập một tổ chức sinh thái Algatita Marine Research Foundation (AMRF) có nhiệm vụ khảo sát tình trạng sinh thái của Thái Bình Dương. Vào đầu năm 2008, một cơn bão biển đã ném lên các bãi tắm của hai hòn đảo Cawai và Niihau 70 tấn rác bằng chất dẻo. Người sáng lập ra tổ chức AMRF đã hơn một lần cảnh báo: nếu những người tiêu dùng không hạn chế việc sử dụng chất dẻo vốn không tiêu hủy được thì trong vòng 10 năm tới, diện tích bề mặt của bãi rác sẽ tăng gấp đôi và sẽ đe dọa không chỉ vùng đảo Hawai mà còn tất cả các nước thuộc khu vực Thái Bình Dương nữa.

Hoang mạc giữa đại dương 

Bãi rác khổng lồ này từ lâu đã tồn tại ở đây. Sự thể là ở chỗ tại khu vực này có một xoáy nước á nhiệt đới Thái Bình Dương cực mạnh vốn được hình thành ở điểm hội tụ giữa dòng Curosio, các dòng gió mùa phương Bắc và các dòng đối lưu giữa gió mùa. Chỗ nước xoáy ở phía Bắc Thái Bình Dương - đó là một dạng hoang mạc giữa vùng biển quốc tế. Nói đúng hơn, đó là hai khu vực hoang mạc - khu phía Đông và khu phía Tây và cả hai khu gộp lại được gọi là bãi rác vĩ đại ở Thái Bình Dương, nơi mà từ khắp nơi trên trái đất trôi về đây đủ mọi loại đồ phế thải khác nhau - rong tảo, xác động vật, gỗ, những mảnh vỡ của con tàu... Đây quả là một vùng biển chết thực thụ. Do có quá nhiều những chất thối rữa nên nước ở khu vực này chứa đầy chất dihydro sunfua, bởi vậy chỗ nước xoáy ở phía Bắc Thái Bình Dương rất nghèo nàn sự sống - ở đây không có những loài cá lớn có giá trị kinh tế, không có động vật có vú, không có chim muông. Thuyền bè không qua lại nơi đây, thậm chí các tàu chiến và tàu buôn cố tránh địa điểm này bởi lẽ ở đây bao giờ cũng có áp lực không khí rất cao và nồng nặc mùi hôi thối.

Tất nhiên, loài rong tảo thối rữa hàng ngàn năm nay đã nổi lềnh bềnh ở khu vực này, nhưng từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước gộp thêm vào đây còn có những túi chất dẻo, chai lọ, bao bì, những thứ này, khác với các loài rong tảo và loài hữu cơ, không bị phân hủy về mặt sinh học và không biến đi đằng nào được. Hiện nay bãi rác khổng lồ giữa Thái Bình Dương chủ yếu gồm các chất dẻo mà tổng khối lượng gấp 6 lần khối lượng sinh vật nổi ở biển. Diện tích của hai bãi rác đó thậm chí đã lớn hơn lãnh thổ của nước Mỹ.

Những đồ phế thải bằng chất dẻo này đã gây tác hại hết sức to lớn cho hệ thống sinh thái biển. Chính chúng là nguyên nhân gây nên cái chết của hơn một triệu con chim biển trong một năm và hơn 100 ngàn cá thể động vật có vú ở biển. Trong dạ dày của những con chim biển người ta tìm thấy ống tiêm, bật lửa và bàn chải đánh răng - tất cả những vật này chim đã nuốt phải vì chúng tưởng nhầm là thức ăn.

Những giải pháp ứng phó

Trong tình hình như vậy, một câu hỏi cấp bách được đặt ra là phải làm gì đây?

Theo người đứng đầu Tổ chức AMRF, trước hết loài người cần phải từ bỏ việc sản xuất các sản phẩm có hại như vậy. Một số nước như Úc, Bangladesh, Iceland, Italia và Đài Loan đã cấm sử dụng các túi polietilen hoặc áp dụng những biện pháp nhằm phát triển các công nghệ mới trong việc sản xuất những chất dẻo sạch về mặt sinh thái và được phân hủy về mặt sinh học. Chẳng hạn người ta đã biết tới công nghệ sản xuất loại politetilen sinh học trên cơ sở của axit polilactic hoặc từ nguyên liệu ngô biến tính. 

Những chất dẻo sinh học như vậy do tác động lên men của các vi sinh vật nên có khả năng phân hóa thành chất hỗn hợp gồm nước, cacbon dyoxit và sinh vật lượng. Theo dự đoán của các nhà khoa học, trong vòng 3 năm tới, việc sử dụng các chất dẻo có khả năng phân hủy sẽ tăng gấp 14 lần trong một năm và đó sẽ là xu hướng chung của toàn thế giới. Riêng tổ chức AMRF trong mấy năm liền đã tiến hành một chiến dịch quảng cáo “Tại sao tôi không sử dụng chất dẻo?” và kết quả là hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới đã khước từ việc mua những bao bì trong suốt. 

Đối với việc xử lý hàng trăm triệu tấn rác thải hiện nay đang trôi nổi trên biển, tổ chức này đã tuyển mộ các tình nguyện viên từ các trường đại học của Hoa Kỳ. Họ đến vùng có xoáy nước ở phía Bắc Thái Bình Dương và đã dùng tay thu gom rác mà sau đó được chuyển tới các nhà máy chế biến lại. Ngoài ra Mur còn tài trợ cho những ai chế tạo được công nghệ tái sử dụng các đồ phế liệu bằng chất dẻo. Tất nhiên đó chỉ là một giọt nước trong biển cả, song không thể cứ ngồi khoanh tay chờ đợi! Bởi vậy AMRF đã lên tiếng kêu gọi chính phủ tất cả các nước cùng chung sức hành động, nếu không thì sẽ quá muộn. Và một thảm họa sinh thái sẽ không buông tha bất cứ một quốc gia nào tồn tại trong vùng biển Thái Bình Dương.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật