Cần nhiều “chuyến xe” chính sách cho nông sản

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nông dân phản ứng chậm với thị trường và thường nhận phần rủi ro nhất trong chuỗi hàng nông sản. Trong khi đó DN thường tìm đến nơi ít rủi ro và có thị trường ổn định.
Cần nhiều “chuyến xe” chính sách cho nông sản
Ảnh minh họa

Bài toán kết nối nông dân và DN thường được coi là không có đáp án.Tuy nhiên, thực tế không hẳn lúc nào cũng vậy. Một số mô hình của nhiều tổ chức quốc tế đã triển khai tại Việt Nam cho thấy vai trò kết nối người dân và DN bằng những chính sách cụ thể, sát thực hết sức quan trọng.

Từ câu chuyện rong đỏ

Rong đỏ vốn là nguồn nguyên liệu chính để chế biến carrageenan, một chất làm đông sử dụng trong thực phẩm chế biến sẵn. Rong biển nói chung cũng là thành phần có tiềm năng lớn để sản xuất phân bón hữu cơ.

Philippines và Indonesia là những quốc gia sản xuất rong đỏ lớn nhất thế giới. Và các nhà khoa học cũng đánh giá Việt Nam có tiềm năng rất lớn để sản xuất loại rong này.

Thông qua Chương trình Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho người nghèo nông thôn thông qua phát triển chuỗi giá trị (MARP) triển khai từ tháng 7/2013, Công ty Capital Seaweed đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với gần 500 hộ trồng rong đỏ tại tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Từ nguyên liệu rong đỏ này, Capital Seaweed đã chế biến thành nhiều sản phẩm để xuất khẩu. Kỳ vọng mỗi hecta mặt nước biển trồng rong đỏ theo kỹ thuật mới, nông dân có thể thu 16 tấn rong biển khô/năm, bán được 11.200 USD, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư đạt 50%.

Trồng rong biển thân thiện với môi trường vì rong biển có tác dụng như một màng lọc tự nhiên. Mặt khác, khi xác định đây là một sản phẩm sản xuất có giá trị kinh tế thì việc trồng rong biển cũng khuyến khích cộng đồng không xả rác. Hoạt động này sẽ thúc đẩy quản lý thực hiện tài nguyên thiên nhiên.

Dự án này nhằm tới 3 mục tiêu chính là số lượng và thu nhập của các hộ nghèo và cận nghèo tham gia với tư cách người trồng rong đỏ quy mô nhỏ tăng; chuỗi giá trị rong đỏ được mở rộng bền vững và kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ rộng rãi; và cuối cùng là hệ thống tài chính vi mô phù hợp sẽ phục vụ tối đa lợi ích các bên liên quan.

Không chỉ sản phẩm rong đỏ, cho đến nay, thông qua MARP, đã có 8 chuỗi giá trị nông sản được thành lập với mô hình này. Các chuỗi giá trị được xây dựng cho các ngành hàng gồm dâu tằm tơ, chè, mây, tre, gai dệt vải, thảo quả, quế và rong biển đã được thiết lập tại 8 tỉnh ở Việt Nam. Mỗi chuỗi giá trị được giao cho một tổ chức thức hiện.

“Liên kết với khối tư nhân mang lại lợi ích bền vững”

Chương trình MARP triển khai từ tháng 7/2013 với tổng ngân sách 5,2 triệu USD do Cơ quan hợp tác và phát triển Thụy Sĩ (SDC) tài trợ nhằm hỗ trợ cho các dự án và tổ chức, với mục tiêu hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn nghèo tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp phù hợp để tăng thu nhập.

Ông Samuel Waelty, Giám đốc SDC, nhấn mạnh: “SDC tập trung cải thiện mối quan hệ hợp tác với khu vực tư nhân để mang lại lợi ích bền vững cho các cộng đồng nông thôn còn đang trong tình trạng nghèo dai dẳng ở Việt Nam”.

Không chỉ riêng dự án này của Thụy Sỹ, mà rất nhiều các dự án về nông nghiệp của các đơn vị quốc tế khác đang hướng vào việc liên kết chuỗi giá trị trong nông sản thông qua liên kết chặt chẽ hơn với khối tư nhân.

Ông Amarnath Reddy, Cố vấn cao cấp của Chương trình hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu GCF tại Việt Nam (DANIDA), cho biết trong những năm qua, Chính phủ Đan Mạch tài trợ 160 tỷ đồng Việt Nam cho chương trình hỗ trợ phát triển DN. Chương trình nhằm tác động tích cực lâu dài tới sự phát triển của các chuỗi giá trị định hướng xuất khẩu.

Các DN tham gia vào chuỗi giá trị này được hoàn ứng 25-75% chi phí đào tạo nông dân, hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị dành cho xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn và chế biến sau thu hoạch. Nhờ những thành công của dự án, đến nay các đối tác khác đã đầu tư thêm 447 tỷ đồng Việt Nam cho các hoạt động của GCF.

Dự án này của Đan Mạch đang xây dựng 16 chuỗi giá trị: Nông lâm nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt, thủy sản, ca cao, cà phê, hoa, trái cây, thủ công mỹ nghệ, thảo dược, hạt tiêu, lạc, gạo, Sellac, chè, du lịch, rau.

Các dự án này đến nay đã tạo ra 22.828 việc làm, tập huấn kỹ năng mới cho 52.540 người, tăng giá trị xuất khẩu nông sản thêm 3.391 tỷ đồng Việt Nam. Thông qua đó, tăng thu nhập cho các hộ nông dân tham gia từ 10-200%.

Ở một mô hình khác, DN được xác định là nhà cung ứng vật tư, đồng thời là khách hàng thu mua nông sản, cũng là nhà phân phối các dịch vụ bằng cách tạo ra giá trị chia sẻ. Đây là một mô hình của Quỹ thách thức DN Việt Nam nêu mô hình kinh doanh cùng người thu nhập thấp (IB).

Ông Javier Ayala, Giám đốc điều hành Quỹ này, nhận định: “Có nhiều rào cản đối với DN khi kinh doanh cùng người thu nhập thấp. Thường thì DN thiếu thông tin về nhu cầu của nông hộ thu nhập thấp, thiếu nhà cung cấp các dịch vụ chuyên biệt. Nhiều DN vẫn nhận thức lệch lạc rằng, nông dân nghèo vì không chăm chỉ. Bởi vậy, các DN thường không sẵn sàng dùng tiền của mình để kinh doanh cùng người thu nhập thấp, họ suy nghĩ rằng kinh doanh cùng người thu nhập thấp chỉ là hoạt động từ thiện chứ không phải là để kiếm lợi nhuận”.

Nhận thức được tâm lý này, Quỹ IB đã đưa ra mô hình DN đứng ở điểm đầu và điểm cuối của chuỗi giá trị. Cùng với đó, mô hình đảm bảo nguyên tắc các bên phải cùng có lợi. Đây là cách duy nhất để lôi kéo các DN vào kinh doanh cùng với người thu nhập thấp. Muốn vậy, cần phải có các nhà đầu tư lớn, các tổ chức tài trợ đem tiền vào tài trợ những hoạt động ban đầu để “mồi” các DN tham gia.

Thực tế cho thấy, nhiều DN lớn về nông sản thường nhắm đến các thị trường hấp dẫn, có rủi ro thấp, và ít chịu áp lực trong việc tìm kiếm cơ hội thị trường mới. Trong khi đó các DN nhỏ thường thiếu liên kết thị trường, năng lực và tài chính yếu nên họ không thể tạo tác động chi phối hay làm chủ thị trường.

Muốn giúp nông hộ và các DN thoát khỏi những thất bại trong kinh doanh thì cần khắc phục trở ngại về tài chính và thông tin, liên kết một số lượng lớn các nhà sản xuất, các liên kết cần dựa trên sự tin tưởng hơn là các hợp đồng giao dịch. Cần phải có cơ chế liên kết nông dân nghèo với DN để nhận chuyển giao công nghệ làm giảm chi phí sản xuất, thiết lập mô hình kinh doanh mới, thiết lập sản phẩm hoặc quy trình mới.

Đây là những mô hình điển hình cho việc “nghĩ ra cơ chế” để người dân và DN có thể chủ động tìm đến nhau, xây dựng chuỗi giá trị nông sản và cùng hưởng lợi trong chuỗi sản xuất đó. Cơ chế chung đã được xây dựng trong đề án Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để nhiều hộ nông dân và nhiều DN cùng tham gia vào hành trình này thì rất cần nhiều “chuyến xe” chính sách đặc thù cho từng loại ngành hàng để nông sản sẽ thực sự trở thành những sản phẩm có giá trị đối với cả nông dân và DN.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật