Lời kể ghê rợn về ‘Cao Bành Trướng’ xuất hiện sau 1979

Administrator Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mình có anh bạn người dân tộc Tày Bắc Kạn, rất thân. Mỗi lần gặp nhau nặng là ăn chung bữa cơm, nhẹ là ngồi làm cốc cà phê… và khai thác đủ các thứ chuyện của anh chàng. Có một ngày, anh chàng kể cho chuyện buôn “Cao bành trướng”. “Cao bành trướng” là một từ đặc biệt không biết ai đặt nữa, chỉ một loại cao xương được nấu từ xương người – xương của lính Trung Quốc bị chết trận ở Việt Nam sau cuộc chiến tháng Hai năm 1979.
Lời kể ghê rợn về ‘Cao Bành Trướng’ xuất hiện sau 1979
Ảnh minh họa

Suốt dọc sáu tỉnh biên giới phía Bắc của ta, Trung Quốc đều để lại rất nhiều xác, hầu hết được thu dọn chiến trường một cách vội vã bằng cách đốt bằng xăng cả trăm xác một lúc, rồi chôn tập thể, sau này để lại hàng gò xương. Bắc Kạn hồi đó là tỉnh Bắc Thái, các huyện Ngân Sơn và Ba Bể bị cắt ngay về Cao Bằng vào năm 1979 để dân Cao Bằng “có chỗ chạy” mà không bị chiếm mất cả tỉnh. Huyện Pác Nặm của Bắc Kạn hồi đó vẫn còn thuộc Ba Bể, chưa tách. Đất Bắc Thái hồi đó chỉ lên đến đỉnh Đèo Giàng nằm trên quốc lộ số 3, cách thị xã Bắc Kạn hiện nay ngoài 20km, là huyện Bạch Thông.

Cao Bằng hồi đó là “phong trào” nấu cao từ xương lính Trung Quốc là rộ nhất. Anh bạn kia kể, hồi đó thú còn nhiều, nên chuyện bắn được sơn dương, khỉ… để trộn thêm vào nấu, cũng không hiếm. Về phía quân đội ta, công tác thu dọn chiến trường làm rất tốt nên xương lính Trung Quốc hồi đó hoàn toàn không sẵn, không “bạt ngàn” như người ta đồn. Nếu phát hiện ra hài cốt liệt sỹ và dân thường, thì thường bà con cũng báo chính quyền và chôn đàng hoàng, nhưng nếu phát hiện ra hài cốt lính Trung Quốc, thì giấu biến đi ngay. Đến khoảng những năm 1987, 1988… anh bạn kia đã biết nhảy xe khách đi lên Cao Bằng lấy cao, rồi lại theo xe về bán ở Thái Nguyên. “Hàng” ở Lạng Sơn sang hầu như không có. Đâu như cũng buôn được đến hai chuyến, vì “hàng” cực hiếm, vàng còn sẵn hơn.
Cũng có chuyện, là những người dân tham gia xử lý hài cốt lính Trung Quốc, “biển thủ” được một, hai bộ thôi, không có nhiều đâu mà nấu ra hàng tấn cao được. Nếu chính quyền biết được là giấu xương đem nấu cao, thì đi tù mút chỉ, án “cao su” luôn khỏi biết ngày về. Mà làm trò đó, cũng toàn dân anh chị, máu mặt cả mới dám làm. Hơn thế nữa, người ta bảo chính trò này do dân Trung Quốc bên kia biên giới bày, và bên đó còn thèm khát mua hơn dân ta - dân ta, phần lớn là ghê sợ mà không dám nghĩ, dám dùng.

Hôm rồi hỏi “một ông anh” người Tày Lạng Sơn, anh ấy bảo bên Lạng Sơn không có, hoặc có cũng không biết – chắc ở vùng sâu vùng xa nào… Nhưng cũng tuần trước, lên ăn cơm và buôn chuyện với “một ông anh” khác người Tày quê Trùng Khánh, Cao Bằng, thì anh ấy xác nhận chính xác 100% là có luôn. Xã anh ấy vùng sâu vùng xa của cả tỉnh, chứ chẳng nói là huyện – xã biên giới. Ông nội là cường hào, đâu như chánh tổng thì phải, còn ông bố anh ấy lại là đội viên nhi đồng Cứu quốc cùng thời anh… Nông Văn Dền, kinh thế. Sau này, cụ đi học, rồi trở về là một trong những thày giáo người Tày đầu tiên của Cao Bằng sau Cách Mạng. Xã này đến những năm 1980 vẫn còn được trồng thuốc phi‌ện để bán đi đâu đó… đâu như Nhà nước thu mua để xuất khẩu sang… Liên Xô. Trên đó bà con ai chẳng hút thuốc phi‌ện, hàng xịn đảm bảo “an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Sự kiện chiến tranh tháng Hai năm 1979, làng xã bao người chết, gia đình ly tán, mất tích, không tìm thấy người thấy xác… rồi sau chiến tranh còn những vấn đề thanh lọc các đối tượng, chỉ cần hay đánh bạc chửi chính quyền cũng có thể trở thành “thám báo”, “gián điệp Bắc Kinh” được rồi. Anh kể, lúc anh khoảng 13, 14 tuổi, dân làng phát hiện bốn bộ xương còn nguyên quân phục lính Trung Quốc, thịt đã rữa hết. Có người ngay lập tức cấp báo cho Xã đội và chính quyền xã, xã báo lên Huyện đội để xuống thu giữ, xử lý. Huyện xuống đến nơi, bốn bộ xương đã biến mất không còn dấu vết. Đương nhiên là để nấu cao.

... nhưng chưa chắc đã có về...

Có ngày ông cụ thày giáo được học trò cũ biếu đâu như một hai lạng “cao”. Thời điểm này đã vào khoảng năm 1984, 1985… lúc đầu, cụ không dùng, về sau, do cụ ốm quá, cụ dùng và rất hiệu nghiệm… bà con ta chia sẻ, bình thường những thứ đó thì không ai ăn ai dùng đâu, vì dù sao cũng là từ thân xác con người ra cả, nhưng nhiều khi nghĩ, “ăn vì căm thù”, lại cố mà ăn được. Trung Quốc họ sang, họ ác quá, nên nhiều nơi bây giờ, quên đi quá khứ để quan hệ thông thương, cũng được thôi, nhưng đến hẹn lại lên, ngày giỗ ngày chạp, lại thấy đau…

Đúng vậy, với bà con, có vẻ, “cao bành trướng” cũng chỉ là một loại cao được nấu từ xương của một vài loại thú dữ nào đó, những con thú rất dữ, và không có tính người. Và cái từ “cao bành trướng”, thực không thể nào kiếm được từ nào đặc sắc hơn để diễn tả cái lòng căm thù ấy, căm thù cao độ… bây giờ hỏi lại, nhiều người lính từng đối mặt với những người lính Hoa Kỳ và cả Pôn-pốt lẫn Trung Quốc… thì đều bảo, cái cảm giác đối mặt, hay căm thù người lính Mỹ, cũng vừa vừa thôi, còn lính Pôn-pốt và Trung Quốc thì kinh khủng hơn nhiều… Rất rất nhiều người vẫn kể lại, rằng tháng Hai năm 1979, cũng rất rất nhiều gia đình Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác, sẵn sàng cho con lên đường bảo vệ Tổ quốc, không cần Nhà nước phải tổng động viên.
Người Phật tử thì cố gắng không sát sinh, và đương nhiên là hạn chế nói những chuyện như vậy, nhưng nhiều khi, lịch sử là lịch sử, vẫn phải kể lại, nói lại… để thấy: “- Đấy, dân tộc ta đau thương như thế…”Chẳng đau thương sao được, khi suốt thế hệ này sang thế hệ khác, vẫn cứ phải căm thù, nhìn người nhìn đời với những “ánh mắt mang hình viên đạn” và lãng mạn nhất là “đầu súng trăng treo”?

Viết đến đây, hoàn toàn không thấy căm thù, mà chỉ thấy buồn – buồn cho thân phận những người lính Trung Quốc, buồn cho những người dân Việt Nam vùng biên giới thời đó, và buồn cho cả hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc.

Hà Nội, ngày 6 tháng Hai Âm lịch năm Giáp Ngọ - Giỗ Hai Bà Trưng. Tác giả với bút danh Người lang thang cuối cùng không chịu trách nhiệm về tính xác thực của những thông tin nghe được và chép lại trong bài.

====

Bạn đọc Mưa Trường Sa gửi:

Chuyện Cao bành trướng là có thật nhưng sự thể đầu đuôi là thế này, rất may là việc nấu cao này xuất phát từ Cao Bằng quê tôi nên tôi có được chứng kiến và nó chỉ diễn ra trong khoảng thời gian đâu nửa tháng gì đấy khi việc dọn dẹp và sử lý môi trường chiến tranh chưa hoàn thành, số là sau khi quân tàu tuyên bố đã hoàn thành được các mục tiêu của cuộc chiến " dạy cho VN một bài học " và tuyên bố rút quân vào ngày 15/3/1979, tại các nơi diễn ra những cuộc đọ súng mà đa số là ở các thị trấn, thị xã, làng bản... các hậu quả của cuộc chiến vẫn còn nhiều như xác xe tăng, xác pháo, xe cộ và đặc biệt là xác các tử sĩ của cả hai bên, xác dân thường...

Về phía tàu thì trước khi rút lui, ngoài việc cho binh lính, dân binh vơ vét của cải đem về nước thì chúng cho dọn hết các xác xe tăng, pháo..và cũng chở về ( có thể chúng làm để xóa hết dấu tích chiến tranh mà chúng gây ra và chịu hậu quả chăng ? ), riêng xác của bọn chúng bị bắn chết - cực kỳ nhiều - chúng không thể đem về hết được và cũng không thể chôn trên đất VN, cách chúng giải quyết vấn đề này của bọn chúng là dồn tất cả t‌ử th‌i của chúng lại thành từng đống và đổ xăng khô lên để đốt, vì quá nhiều mà việc làm vội vã nên nhiều đống xác không cháy hết mà chỉ cháy phần ngoài, xương xẩu vẫn còn từng đống, cái thì trắng ởn, cái thì đen sì nham nhở...


Sau khi phá hủy hết mọi dấu tích, chúng kéo về bên kia biên giới và hoan hỉ tuyên bố thắng lợi, Về phía ta thì việc giải quyết môi trường sau chiến tranh là việc làm đầu tiên, ở Cao Bằng, quân khu 1 đã cử hẳn một trung đoàn bộ đội hóa học, y tế lên để phun thuốc khử các sú uế, dọn dẹp và phân loại chôn cất các xác chết của ta ( Bộ đội thì tra cứu để làm chính sách, dân thường thì hầu như chôn chung vào một nghĩa trang nào đó ), một bộ phận khác bao gồm toàn những tay hảo hán, bất hủ không từ bỏ một kế sinh nhai nào, thấy có nhiều đống xương quân tàu để lại đã nghĩ ngay ra một phương thức làm ăn mới đó là cho tất cả các đống xương đó vào nấu Cao, thời đấy, tại các chiến sự những đồ quân dụng vất la liệt như các nồi, chảo dùng để nấu ăn nuôi quân và những nguồn chất đốt là các cây cối bị tàn phá chặt hạ, hai yếu tố để hành sự đã có sẵn,việc nấu cao quá tiện lợi. 

Tôi nghe nói là các lò này hoạt động suốt ngày đêm và cho ra rất nhiều sản phẩm, các sản phẩm này được các thương lái mua ngay tại cửa lò và được đem về xuôi tiêu thụ, tất nhiên có một phần không ít được các chủ lò giữ lại để tuồn sang chính Trung quốc tiêu thụ, mặt hàng này rất được giá ở Trung quốc, nhưng cũng chỉ tiêu thụ chui lủi dấm dúi... Đấy chính là Cao Bành Trướng các Bác ạ, 

Thật ghê rợn các Bác nhỉ, nhưng quả thật là loại cao này rất bổ và chữa được rất nhiều chứng bệnh cho người cao tuổi và những người suy dinh dưỡng đấy. Nhà tôi là NHà thuốc nam y gia truyền, các bậc cao niên thường nói : cao xương người là đại bổ, bổ nhất trong các loại thuốc bổ, chỉ có điều là những kẻ bất nhân mới chế và dùng nó. Tuy nhiên có thể do công dụng hữu hiệu của nó nên mãi về sau này vẫn còn có người tìm mua Cao Bành trướng để chữa bệnh nhưng rất hiếm khi mua được.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật