Những văn bản trái luật được ban hành: Tác hại khó lường…

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều văn bản quy phạm Pháp Luật được ban hành nhưng trái quy định Pháp Luật, dẫn đến không khả thi khi áp dụng vào thực tế, dễ khiến người dân nhờn luật.
Những văn bản trái luật được ban hành: Tác hại khó lường…
Một hành vi vi phạm Pháp Luật qua mặt thanh tra, CSGT. Ảnh: Sỹ Hào

Trả lời chất vấn về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định đây là việc “không thể chấp nhận được”.

Thực tế, tình trạng ra văn bản sai rồi rút lại, sửa chữa, có thể gây tốn kém hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, ví dụ văn bản quy định việc “ngực lép” không được điều khiển xe máy; hoặc Mẹ Việt Nam anh hùng đi thi ĐH được cộng điểm; thịt tươi sống bảo quản trong nhiệt độ bình thường chỉ được bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ; xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ 2 năm trở lên; cấm người chống tiêu cực phát tán thông tin tại Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT về sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013… đã phải “hủy” do vấp phải phản đối từ dư luận.

Theo số liệu trong báo cáo của Chính phủ năm 2014, tính từ đầu năm 2013 đến nay, trong tổng số 1.574 văn bản được kiểm tra, Bộ Tư pháp phát hiện 312 văn bản trái Pháp Luật. Trong đó có 186 văn bản sai căn cứ pháp lý, 64 văn bản sai hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền và 54 văn bản sai về nội dung. Với 54 văn bản sai về nội dung, không có văn bản nào vi hiến; có 4 văn bản chưa phù hợp lệnh và pháp lệnh, còn lại chưa phù hợp với Nghị định và pháp lệnh của Chính phủ. Ngoài ra, còn một số không phù hợp quy định thực tiễn và khả thi.

Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Sinh Hùng đề nghị đối với Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Tôi muốn đề nghị đồng chí giải thích 312 văn bản này, trong này nói có những văn bản vi phạm Hiến pháp và Pháp Luật. Bây giờ hướng dẫn như thế, đem ra áp dụng, nếu không áp dụng, không thi hành thì không được. Nếu thi hành lại vi phạm Hiến pháp và Pháp Luật. Cơ quan tư pháp của chúng ta có thể xử tội vi phạm Pháp Luật”.

Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường: “Thực trạng” đó là không thể chấp nhận. Về nguyên tắc các văn bản quy phạm Pháp Luật, hướng dẫn thi hành Pháp Luật không được trái với Hiến pháp và luật. Tình trạng ban hành văn bản sai, trái so với quy định của Hiến pháp và luật, có những văn bản đã ban hành rồi, nhưng phần nhiều mới chỉ là dự thảo, khi vấp phải phản ứng, góp ý từ dư luận, cơ quan chức năng đã tiếp thu và điều chỉnh.

“Đã đến lúc cần phải nghiên cứu để giao cho Tòa án Tối cao khi xét xử các vụ án cụ thể mà phát hiện ra văn bản của các Bộ hoặc các địa phương trái với Hiến pháp thì có quyền đình chỉ việc thi hành văn bản đó. Và khi cơ quan Nhà nước cấp Bộ trở xuống cho đến cấp địa phương ban hành văn bản Pháp Luật sai hoặc chậm, trực tiếp gây ra thiệt hại về vật chất cho công dân và doanh nghiệp thì có thể bị khởi kiện và phải bồi thường thiệt hại” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Được biết, trong thời gian tới để ngăn chặn “thực trạng” đó, hàng tháng Bộ Tư pháp sẽ báo cáo tình hình kiểm tra văn bản tại phiên họp Chính phủ để Chính phủ cho ý kiến.

Không khó để nhận thấy, thời gian gần đây, khá nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành nhưng tính khả thi không cao, gây bất lợi cho người dân phải thi hành. Sau khi tiếp nhận các ý kiến “đóng góp”, những nhà làm luật mới “tiếp thu sửa đổi” hoặc phải đề xuất Chính phủ cho dừng lùi… Tất nhiên, quy định không áp dụng được thì phải sửa, phải điều chỉnh lại cho phù hợp, nhưng rõ ràng thiệt hại thì không sao tính hết được. Tác hại rõ nhất là không giải quyết được những vấn đề thực tiễn mà các văn bản quy phạm Pháp Luật ấy có nhiệm vụ giải quyết. Mặt khác, việc ban hành những văn bản Pháp Luật có nội dung quy định thiếu tính khả thi, không được người dân đồng tình, hoặc không thi hành được dần dần sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào cơ quan công quyền. Nghiêm trọng hơn, sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh nội dung này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương nhận định: Trả lời chất vấn về vấn đề “văn bản ban hành sai luật, thiếu tính khả thi”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nhìn vào sự thật, nói đúng sự thật – văn bản quy phạm Pháp Luật của chúng ta hiện nay còn nhiều “vấn đề”.

“Chúng ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền, nên ai là người ra những văn bản sai luật đó, thì chính là những người phải chịu trách nhiệm. Về tổng thể, đây là trách nhiệm của Quốc hội, của các cơ quan lãnh đạo và cơ quan chức năng liên quan. Vấn đề này, cũng đã được nhìn thẳng, nói thật tại diễn đàn Quốc hội. Bây giờ việc còn lại là thực hiện các biện pháp khắc phục như thế nào thôi” – ông Vũ Quốc Hùng nói.

Theo ông Vũ Quốc Hùng, văn bản quy phạm Pháp Luật khi ban hành mà lại sai luật, thiếu tính khả thi thì xã hội không nghiêm. Người nghiêm túc, có ý thức chấp hành Pháp Luật sẽ không biết đường nào mà làm. Trong khi người làm ăn khuất tất, lại lợi dụng những kẽ hở để trục lợi, mà không bị trừng trị, sẽ làm hư đi cả đội ngũ công quyền. Tất cả những điều này đều dẫn đến chỗ người dân phải chịu khổ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật