Điện khí hóa nông thôn đi tiếp chặng đường khó

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đảm bảo mục tiêu 100% người dân được sử dụng điện tiếp tục đòi hỏi nhiều nỗ lực từ các cấp, ngành cũng như mọi người dân.
Điện khí hóa nông thôn đi tiếp chặng đường khó
Đưa điện lưới đến các khu vực chưa có điện ngày càng khó khăn. (Ảnh: Internet)

Trong vòng 15 năm trở lại đây, chương trình điện khí hóa nông thôn đã phát triển vượt bậc tạo ra được những kết quả hết sức ấn tượng. Tính đến hết năm 2013, cả nước đã có thêm hơn 9 triệu hộ dân nông thôn có điện, nâng tổng số trên 97% hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia.

Theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những kết quả về đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp lưới điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là thành tích nổi bật của của Việt Nam trong lĩnh vực điện khí hóa nông thôn.

Sự thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, là điều kiện quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 1998 - 2013 đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần.

Đánh giá về thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn 15 năm qua, Bộ Trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng cho rằng, thành công của chương trình là sự minh chứng cho một chủ trương chính sách hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước đó là đưa điện về nông thôn không những góp phần cải thiện đời sống vật chất mà còn nâng cao đời sống tinh thần, hiểu biết cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

“Đây là kết quả của chính sách hợp với lòng dân trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhà nước, các doanh nghiệp, người dân cũng như các tổ chức quốc tế và chính phủ nước ngoài đã cùng nhau tham gia vào chương trình, đây là mô hình ít quốc gia có thể áp dụng được như ở Việt Nam”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Cần thêm khoảng 30.000 tỷ đồng cho điện nông thôn

Hiện nay, trên toàn quốc còn 91 xã nông thôn chưa có điện, 550.000 hộ gia đình chưa được sử dụng điện. Những hộ dân này lại ở những địa bàn hết sức khó khăn, phần lớn ở khu vực biên giới, hải đảo hoặc có ở trên đất liền thì khoảng cách giữa các hộ dân cũng cách xa hàng cây số.

Bên cạnh đó, nhìn lại chương trình điện khí hóa nông thôn khi thực hiện ở giai đoạn đầu, ngoài những mặt được, không thể không nói tới những tồn tại như chất lượng điện áp nông thôn ở nhiều nơi vẫn chưa được đảm bảo, tổn thất điện năng lớn, độ an toàn chưa cao.

Do vậy, trong thời gian tới (cụ thể là từ nay đến năm 2020), để đảm bảo mục tiêu 100% số xã có điện, 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, việc cung cấp điện cho số hộ còn lại ở nông thôn còn đặt ra nhiều thách thức.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, vốn đầu tư cần xấp xỉ 30.000 tỷ đồng cho việc đầu tư lưới điện nông thôn, chưa kể những phát sinh do phải cải tạo, nâng cấp lưới điện ở những khu vực đã có điện nhưng chất lượng chưa đảm bảo.

Ngoài ra, những vùng hiện nay chưa có điện lại chính là những vùng sâu, vùng xa, điều kiện đầu tư khó khăn. Để mang lại hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội cho những khu vực này, khi lập các dự án đầu tư cần phải có những tính toán cho phù hợp, có sức thuyết phục đối với các nhà tài trợ nếu như chúng ta dự kiến kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, đối với những dự án đã đầu tư, do điều kiện thời tiết khí hậu, hệ thống đã bắt đầu xuống cấp lại cần một nguồn ngân sách nhất định để duy tu, bảo dưỡng để tránh xuống cấp và quản lý tốt lưới điện nông thôn, giảm tổn thất điện năng, đảm bảo chất lượng điện cho người dân phù hợp với hệ thống điện, đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân.

Tranh thủ nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức đầu tư

Trong thời gian tới, để khắc phục được những tồn tại cũng như hoàn thành tốt mục tiêu giai đoạn tiếp theo của chương trình điện khí hóa nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2081/QĐ-TTg phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo đến năm 2020 thực hiện tại 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được coi là động lực cho các chương trình mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, góp phần cải thiện và thu hẹp dần  khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững.

Theo ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thời gian tới đề nghị Trung ương thí điểm hỗ trợ kéo điện, truyền tải điện cho vùng sâu xa, vùng thường xuyên bão lũ. Trong đó, Hà Tĩnh cũng cam kết tiếp tục huy động mọi nguồn lực, cùng có trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Đỗ Thông cũng cho rằng, việc đầu tư dự án đưa điện lưới quốc gia đến với các xã đảo trên địa bàn tỉnh sẽ đảm bảo mục tiêu nâng cao đời sống của người dân, phát triển kinh tế xã hội và gìn giữ chủ quyền vùng biển đảo Tổ quốc. Quảng Ninh cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hệ thống điện tại địa phương, hỗ trợ đầu tư dự án điện nông thôn cho vùng núi, hải đảo.

Để thực hiện được mục tiêu của chương trình điện khí hóa nông thôn, theo Giáo sư. viện sĩ. Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương nên tập trung nguồn vốn vay ODA của các chính phủ, tổ chức quốc tế có lãi suất thấp cho các dự án điện nông thôn. Chính sách hỗ trợ giá điện cho các hộ nghèo vùng nông thôn tiếp tục được duy trì, tạo nên sự đồng thuận sẽ thúc đẩy chương trình điện khí hóa nông thôn.

“Tỉ lệ người dân, hộ dân chưa được sử dụng điện hiện nay không lớn, tuy nhiên để thực hiện được việc cung cấp điện đến các khu vực này hết sức khó khăn, đòi hỏi một số vốn đáng kể. Chúng ta cần tranh thủ nguồn vốn trợ giúp của các tổ chức ngân hàng, tổ chức và tiến hành thành lập một số quỹ cấp điện cho hải đảo bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, Chính phủ hơn lúc nào hết cần có kế hoạch tập trung ưu tiên cho chương trình điện nông thôn, biên giới hải đảo…”, Giáo sư. viện sĩ. Tiến sĩ khoa học Trần Đình Long cho biết.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng định hướng rằng, phát triển điện đi trước nhằm phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân luôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, để thực hiện tốt chủ trương này cần tiếp tục phát động một phong trào rộng khắp từ Trung ương đến địa phương với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm tạo ra sức ảnh hưởng rộng khắp với nhiều mô hình tiêu biểu được nhân rộng. Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung tranh thủ nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức đầu tư, làm tốt công tác giám sát sử dụng nguồn vốn, nâng cao tính ổn định, chất lượng và độ an toàn của lưới điện

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật