Dịch sởi: Nhà trường gồng mình, phụ huynh vẫn ‘cách ly’ con

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp thì vấn đề phòng chống bệnh ở các trường học, đặc biệt là trường mầm non, có vai trò rất quan trọng. Tại Hà Nội, nơi có số lượng trẻ t‌ử von‌g vì sởi lớn nhất cả nước, việc phòng chống dịch bệnh càng triển khai quyết liệt.
Dịch sởi: Nhà trường gồng mình, phụ huynh vẫn ‘cách ly’ con
Nhân viên y tế kiểm tra công tác vệ sinh tại trường mầm non. (Ảnh: TTXVN)

Cập nhật số liệu từng ngày

Theo ông Bạch Ngọc Lợi, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội), ngày 21/4, phòng đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai tập huấn cho hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Phòng quy định trước 10 giờ 30 phút hàng ngày, các trường phải báo cáo tình hình của trường mình như số học sinh nghỉ, lý do nghỉ. Sở cũng yêu cầu các trường rà soát các trường hợp học sinh chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vắcxin phòng chống bệnh sởi và vận động gia đình đưa trẻ đi tiêm.

Với sự chỉ đạo đó, những ngày này, công việc mỗi sáng của cô Hậu, cán bộ phụ trách y tế, Trường Mầm non Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội) là đến trường thật sớm, đi kiểm tra tình hình từng lớp học để nắm bắt được sức khoẻ của học sinh toàn trường: hôm nay có cháu nào ốm, ốm vì bệnh gì, cháu nào nghỉ, nghỉ vì lý do gì… 

Cô Đinh Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, tất cả các giáo viên đều được phổ biến kiến thức về bệnh sởi như các biểu hiện bệnh, cách xử lý cũng như được quán triệt về vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho trẻ. Một ban phòng chống dịch cũng được thành lập do hiệu trưởng là trưởng ban, trạm trưởng Trạm y tế phường Văn Khê làm phó ban. 

Mỗi giáo viên đều được trường cung cấp tài liệu về bệnh sởi. Khi đón trẻ, các cô giáo sẽ phải kiểm tra bằng trực quan sức khoẻ của bé như trẻ có sốt không, mắt có đỏ không, có nổi nốt không… Các trường hợp trẻ ốm đều được cô ghi vào sổ nhật ký theo dõi chặt chẽ. Những trẻ bị sốt, giáo viên đều khuyên phụ huynh nên đưa con về nhà để chăm sóc được chu đáo hơn.

“Mặc dù đến thời điểm này, chưa có học sinh nào của trường bị mắc sởi nhưng chúng tôi cũng rất lo lắng. Ở trường Mầm non Văn Khê có khoảng 800 cháu nên nếu không giữa vệ sinh sạch sẽ, kiểm soát tốt vấn đề phòng chống thì bệnh có thể lây lan. Không chỉ nhân viên y tế mà tất cả cán bộ, giáo viên đều vào cuộc. Bản thân tôi và các hiệu phó cũng phải đến từng nhóm lớp kiểm tra,” cô Hoa chia sẻ.

Bên cạnh việc phổ biến kiến thức về sởi cho giáo viên, nhà trường cũng in tài liệu về bệnh sởi phát cho các phụ huynh học sinh, tư vấn các thắc mắc liên quan đến bệnh.

Trường mầm non là nơi có khả năng lây nhiễm bệnh sởi rất cao. (Ảnh: TTXVN)

Còn tại cơ sở Mầm non tư thục Xuân Mai (Hà Đông, Hà Nội), công tác vệ sinh được chú trọng hơn lúc nào hết. Đồ dùng của trẻ như cốc, bát, đũa được hấp sấy hàng ngày. Vào mỗi thứ Sáu, trường luộc khăn ăn của trẻ, rửa tất cả đồ chơi. Trường cũng thông tin tới tất cả các phụ huynh về các biểu hiện và cách phòng chống bệnh sởi đồng thời dán ở bảng tin để phụ huynh và người nhà có thể đọc được khi đưa đón trẻ.

Không chỉ tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh, tại trường Mầm non Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội), các bữa ăn của trẻ được bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng, vitamin C đặc biệt là bổ sung sữa trong bữa phụ để tăng cường sức đề kháng cho học sinh.

Nhiều trẻ nghỉ học

Trong khi các trường mầm non đang gắng sức để bệnh sởi không “gõ cửa” trường mình thì không ít các bậc phụ huynh đã chọn cách mà theo họ sẽ an toàn hơn, đó là cho con nghỉ học ở nhà.

Chị Nguyễn Thị Thương (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, chị đã cho cô con gái 3 tuổi Bảo Hà ở nhà từ tuần trước, khi các thông tin về dịch sởi được “bung” ra với hơn 100 ca t‌ử von‌g. “Thời điểm này tốt nhất nên cho con tránh chỗ đông người, đông trẻ nhỏ, ở nhà lại có bà nên tôi xin phép nhà trường cho con nghỉ học,” chị Thương chia sẻ.

Không ở cùng với ông bà như chị Thương, chị Đỗ Bích Ngọc (Quang Trung, Hà Đông) gửi hẳn con về quê nội ở Thái Bình. “Ở quê chưa có dịch, tôi đưa con về cho an toàn, cũng là để cháu chơi với ông bà một thời gian. Sau 30/4, tình hình bệnh sởi ở Hà Nội được kiểm soát tốt hơn, tôi lại đón con lên để con đi học,” chị Ngọc tâm sự.

Việc các bà mẹ e ngại bệnh sởi và cho con "cách ly" cộng thêm tình hình thời tiết mưa kéo dài, độ ẩm cao đã làm giảm hẳn tỷ lệ chuyên cần ở các trường mầm non. Tại cơ sở Mầm non Xuân Mai (Hà Đông), số trẻ vắng chiếm đến 20%. Đây cũng là tỷ lệ học sinh nghỉ học của trường Mầm non 20.10 (Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội). Theo cô hiệu trưởng Hoàng Thị Ánh Dương, từ khi có thông tin dịch sởi, rất nhiều phụ huynh đã lo lắng và những người có điều kiện trông nom đã cho con ở nhà. Vì vậy, sỹ số chuyên cần chỉ đạt khoảng 80%. Tại trường Mầm non Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội), tỷ lệ chuyên cần cũng giảm 10%. 

Trường Mầm non Văn Khê hôm nay có 28 trẻ nghỉ học. Theo cô hiệu trưởng Đinh Thị Hoa, một số trường hợp nghỉ vì lo dịch bệnh, một số do bị viêm đường hô hấp trên.

“Không chỉ dịch bệnh mà thời tiết cũng đang khác thường so với mọi năm, khiến nhiều trẻ bị ốm. Các phụ huynh cần chăm sóc tốt sức khoẻ cho trẻ như tiêm chủng đầy đủ vắcxin, vệ sinh sạch sẽ, ăn uống đủ chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ," cô Hoa nói

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật