Còn nhiều cái khó trong xây dựng trường chất lượng cao

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hà Nội hiện đã xây dựng bộ tiêu chí xây dựng trường chất lượng cao (CLC) và áp dụng tại 18 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Còn nhiều cái khó trong xây dựng trường chất lượng cao
Một tiết học trong lớp chất lượng cao của Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông).

Qua quá trình triển khai, các quận, huyện đều đồng tình với mô hình trường CLC, bởi đây là mô hình mới, thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân.

Được biết, theo quy định, xây dựng trường CLC phải đảm bảo 5 tiêu chí: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học, phương pháp dạy học và các dịch vụ giáo dục kèm theo. Đồng thời, chỉ xây dựng trường CLC ở nơi đã có đủ chỗ học cho học sinh; việc xây dựng trường CLC không chỉ dành cho các trường công lập, mà còn cho các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố. Đến năm 2015, ngành giáo dục Thủ đô phấn đấu xây dựng được 35 trường CLC. Tuy nhiên, qua trao đổi, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình triển khai, mô hình này vẫn còn vấp phải khá nhiều bất cập.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Thế Minh Khôi cho rằng, áp dụng mô hình trường CLC với ngoại thành rất khó vì hiện nay mỗi xã đều chỉ có một trường của từng cấp để đáp ứng nhu cầu giáo dục đại trà. Hiện tại chỉ có thể xây dựng lớp CLC trong trường còn tách hẳn ra thì chưa đáp ứng được nhu cầu. Huyện kiến nghị cần xây dựng hẳn một trường mới CLC trên địa bàn các huyện ngoại thành. Là một trong số những trường đầu tiên được UBND thành phố giao nhiệm vụ xây dựng trường CLC, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông) Lê Xuân Trung bày tỏ: Hiện nay, cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng yêu cầu của trường CLC. Nguồn thu của trường hiện cũng hạn chế, bởi học phí vẫn thu bằng mức thu như các trường THPT công lập khác trong địa bàn thành phố (40.000 đồng/tháng). Do đó, để đủ tiêu chuẩn trường CLC, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thành những tiêu chí như giáo viên, phương pháp dạy học, chương trình học… Thành phố cần hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như lớp học, nhà thi đấu đa năng, phòng học ngoại ngữ, vi tính… Chỉ có như vậy, tới năm học 2015-2016, nhà trường mới hoàn thành mục tiêu xây dựng trường CLC.

Liên quan đến vấn đề tài chính, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong bày tỏ mong muốn khi xây dựng trường CLC thì triển khai cho cả trường, không nên chỉ áp dụng với khối lớp đầu cấp, tránh gây thắc mắc trong phụ huynh là tại sao mức thu khác nhau hoặc thắc mắc vì không được học CLC như học sinh mới vào trường? Đồng thời, theo ông Phong, một khó khăn nữa trong việc triển khai mô hình trường CLC tại địa bàn đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản yêu cầu về dừng tổ chức dạy tiếng Anh trong trường mầm non. Trong khi đó, trường mầm non CLC của Hà Nội lại có tiêu chí này.

Mốc hoàn thành chủ trương xây dựng 35 trường CLC vào năm 2015 của thành phố Hà Nội sắp đến, trong khi đó các trường triển khai thí điểm vẫn còn ngổn ngang những khó khăn, phải gồng mình tự hoàn thiện dần các tiêu chí. Để mô hình đào tạo này hoạt động và đem lại chất lượng là điều không phải dễ dàng, điều này cần sự vào cuộc và quyết tâm hơn nữa của ngành giáo dục Thủ đô.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật